Theo Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, trong mấy ngày qua mưa lũ đã gây thiệt hại đáng kể cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo đó, đến nay đã có 2 người chết do sạt lở đất 1 người mất tích do lũ cuốn. Tại Yên Bái, mưa lũ khiến 2 ngôi nhà ở sập hoàn toàn, 53 nhà bị ảnh hưởng, hư hại, 6 hộ di dời khẩn cấp và 333 nhà bị ngập. Đáng chú ý, gần 130 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại, 50 ha cây công nghiệp bị hư hỏng, và 65 ha ao cá bị tràn.
Mưa lũ cũng gây sạt lở 6 điểm tuyến đường quốc lộ 70, tỉnh lộ 163; ngập, sạt lở 45 vị trí đường giao thông địa phương tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên và Yên Bình (Yên Bái); đồng thời sạt lở làm tạm dừng tuyến đường sắt Hà Nội đi Lào Cai. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, dự kiến sẽ khôi phục trong ngày 11/10.
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đoạn qua địa phận xã Yên Thái, huyện Văn Yên bị sạt lở taluy âm dài khoảng 30m, dưới nền đường sắt. Ảnh: Việt Dũng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống phía Nam.
Từ đêm 9/10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3-4.
Ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời lạnh về đêm và sáng. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 21-24 độ C, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 18-21 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ C.
Từ đêm 8/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa 50-100 mm, riêng Hà Tĩnh và Quảng Bình có nơi trên 150 mm; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các khu vực trũng, thấp, các khu đô thị.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Các địa phương được yêu cầu triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Theo Dương Hưng Tiền phong