Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định về đợt mưa lớn đang diễn ra khốc liệt ở miền Trung.
Thưa ông, xin ông cho biết nguyên nhân của đợt mưa lũ đang diễn ra ở miền Trung?
Đợt mưa lũ ở miền Trung bắt đầu từ đêm 10/10, đến nay được 4 ngày liên tiếp và dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Lượng mưa phân bố không đều, khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, Quảng Ngãi là những vùng có mưa lớn. Trong đó, mưa lớn nhất tập trung tại các địa phương là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam với lượng mưa phổ biến từ 400-800 mm, có những điểm mưa to trên 1.000mm.
Nguyên nhân của đợt mưa này là do hình thế kinh điển gây mưa lớn ở miền Trung gồm hoạt động không khí lạnh, hoạt động mạnh của dải hội tụ nhiệt đới cùng nhiễu động gió đông trên cao.
Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Nhiều người lo ngại, mưa lũ đang diễn ra ở miền Trung liệu có lặp lại lịch sử của mưa lũ kỷ lục năm 1999, từng gây ra các thiệt hại rất nặng nề, thưa ông?
Miền Trung đang trải qua đợt mưa lớn rất nguy hiểm trên diện rộng, riêng với ba địa phương là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, chúng tôi đã phát cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 - là cấp độ rủi ro thiên tai cao nhất do mưa lớn gây ra.
Chúng tôi đã có những đánh giá, so sánh với hình thế từng gây ra mưa lũ kỷ lục năm 1999 ở miền Trung thì thấy rằng, hình thế gây mưa lớn kỷ lục ở Trung Bộ năm 1999 thì về cơ bản hình thế tương tự giai đoạn này.
Tuy nhiên, cường độ của hình thế gây mưa lớn kỷ lục ở Trung Bộ trong thời gian từ 1-6/11/1999 mạnh hơn, nên khả năng cao đợt mưa đã và đang tiếp tục ở Trung Bộ có cường độ không khốc liệt bằng năm 1999.
Diễn biến mưa lớn ở miền Trung trong những ngày tới sẽ như nào, thưa ông?
Trong những ngày tới, các hình thế gây mưa lớn ở miền Trung như không khí lạnh, dải hội tụ và đới gió Đông tiếp tục hoạt động. Riêng không khí lạnh, khoảng ngày 15-16 có khả năng tăng cường thêm.
Ngoài ra, chúng tôi đang theo dõi vùng áp thấp giữa Biển Đông. Hiện nay, vùng áp thấp này đang có xu hướng dịch chuyển từ Đông sang Tây, hướng về khu vực đất liền Trung Bộ.
Dự báo sự tương tác của không khí lạnh với dải hội tụ nhiệt đới, trên đó có vùng áp thấp, kết hợp với gió Đông nên mưa rất lớn ở khu vực miền Trung sẽ tiếp tục những ngày tới.
Theo đánh giá của chúng tôi, mưa lớn ở miền Trung thời gian tới có thay đổi về vùng tâm mưa. Trong khoảng ngày 14/10 - 15/10 mưa lớn tập trung ở khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam, đồng thời có xu hướng mở rộng xuống khu vực Bình Định, phía Bắc của Kon Tum và Gia Lai.
Miền Trung tiếp tục đón mưa rất lớn trong những ngày tới.
Sau đó, từ ngày 16-17/10, vùng áp thấp dịch chuyển vào đất liền, kết hợp gió Đông Nam mạnh sẽ gây mưa sâu trong đất liền khu vực miền núi phía Tây của các tỉnh miền Trung.
Với phân bố mưa như vậy, những ngày tới, tình trạng ngập úng tiếp tục tiếp diễn ở các tỉnh Trung Bộ. Ngoài ra, do mưa lấn sâu vào khu vực vùng núi các tỉnh miền Trung nên nguy cơ cao khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đây là những thiên tai rất nguy hiểm, cần đặc biệt lưu ý.
Chúng tôi cũng lưu ý thêm, hiện nay không loại trừ khả năng, vùng áp thấp khu vực giữa Biển Đông tiếp tục mạnh thêm, có thể xấp xỉ hoặc đạt sức mạnh của áp thấp nhiệt đới. Bên cạnh việc tiếp tục gây ra mưa rất lớn, vùng áp thấp cũng gây tình trạng gió giật mạnh vùng ven biển từ Quảng Trị đến Bình Định, ảnh hưởng hoạt động tàu cá vùng ven.
Xin cám ơn ông!
Nâng báo động lũ ở miền Trung
Từ hôm nay (14/10) đến ngày 17/10, trên các sông ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 3-9m, hạ lưu từ 2-4m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở thượng lưu sông La (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Ngãi lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2, các sông ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam lên mức BĐ2-BĐ3, các sông nhỏ lên trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.
Nguyễn Hoài
Theo Tiền phong