Anh T.V. H., một người dân ở TDP 19, thị trấn Hương Khê cho biết, tại các tuyến đường, rác thải bị đổ trộm thành từng đống, có hôm rác lấn ra hết nửa phần đường đi. Rác thải ở đây chủ yếu là do người dân ở thị trấn và khu vực xung quanh lợi dụng ban đêm hoặc sáng sớm, gom vào từng bì rồi chở đến đây đổ trộm.
Rác thải ngổn ngang khắp tuyến đường Hàm Nghi, thị trấn Hương Khê
Đặc biệt, trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua thị trấn huyện Hương Khê (huyện Hương Khê), như một thói quen cố hữu, người dân vô tư đổ rác thành từng đống cao, với số lượng lớn, trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Người dân ngán ngẩm tình trạng rác vô chủ nhiều năm nay
Theo ghi nhận của PV, tại tuyến đường Hàm Nghi, thị trấn Hương Khê, tình trạng ùn ứ rác thải cả mặt đường, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây mất mỹ quan đô thị. Vỉa hè dọc hai bên đường mòn Hồ Chí Minh (đoạn qua TT. Hương Khê) xuất hiện các bãi rác tự phát. Rác thải chất thành từng đống, tồn đọng nhiều ngày làm người đi bộ rất ngại đi qua những khu vực này.
Người dân ở đây cho biết, do không có chỗ tập kết rác nên cứ chỗ nào có thể đổ được, họ liền mang ra để vứt, bất kể vỉa hè, lòng đường, hay bãi đất trống…
Người dân vô tư tập kết rác bên lề đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua thị trấn Hương Khê
Ông Nguyễn Kim Tình, Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê cho biết, vì huyện chưa có điểm tập trung rác nên người dân mới phải tập kết rác ra hai bên đường. Tình trạng này diễn ra từ năm 2018 đến nay.
"Mấy năm nay, cứ 2 ngày một chuyến, thị trấn phải thuê người thu dọn rác, rồi chở bằng chiếc xe 14 tấn đi vào một đơn vị môi trường ở tỉnh Quảng Bình với chiều dài 70 km để xử lý rác. Do quãng đường đến nhà máy xử lý rác quá xa nên không thể giải quyết kịp được toàn bộ lượng rác thải", ông Tình nói.
"Trước đây thị trấn có vùng chôn lấp rác tại Đồng trại lợn ở TDP 13, sau một thời gian chôn lấp thì diện tích đã hết. Huyện đã có quy hoạch bãi rác tại vùng Khe Nác nằm ở giữa xã Gia Phố và xã Hương Thủy (huyện Hương Khê).
Nhiều loại rác thải bốc mùi hôi thối
Huyện đã nhiều lần xin chủ trương của tỉnh và tỉnh đã đồng ý hỗ trợ về ngân sách để xây dựng dự án khu xử lý rác thải tập trung. Tuy nhiên, do một bộ phận người dân của xã Gia Phố và Hương Thủy đang phản đối nên đến nay vẫn chưa triển khai được", ông Tình cho biết thêm.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Hương Khê, ở các xã, thường có diện tích rộng nên người dân xử lý phân loại rác bằng chôn lấp trong vườn hoặc đốt. Tuy nhiên, ở vùng trung tâm thị trấn do lượng nhà quá đông lại gần nhau, nên không có một quỹ đất nào để làm bãi tập kết trung chuyển cả, buộc người dân phải tự tìm lấy nơi vứt rác.
Bãi rác mọc lên trên khắp các con đường, ngõ ngách
"Tuyến đường Hàm Nghi, tôi vừa giao cho Công an tổ chức cắm biển, kết hợp tuần tra để xử lý việc người dân đổ rác trộm. Còn việc bà con tập kết rác bên lề đường mòn thì rất khó xử lý, Hạt giao thông đường mòn cũng nhiều lần đề xuất, nhưng thực tình không để người dân đổ rác ở khu vực đấy thì cũng không biết đổ vào đâu được nữa", ông Chủ tịch Thị trấn cho biết thêm.
Được biết, tháng 6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã về làm việc với huyện Hương Khê về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tai cuộc làm việc này, người đứng đầu chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho huyện Hương Khê tiếp tục triển khai, thực hiện xây dựng Dự án Khu xử lý chất thải rắn tập trung tại khoảnh 6, tiểu khu 28, xã Hương Thủy.
Theo đó, huyện phải cụ thể hóa các đầu việc, theo từng lộ trình thời gian triển khai thực hiện dự án kịp thời, đảm bảo theo yêu cầu. Tích cực làm việc với các sở, ngành liên quan để tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ trong việc tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để triển khai dự án kịp thời, đúng quy định.
Huyện Hương Khê phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh, Sở TN&MT, Sở XD, Công an tỉnh làm việc với Tòa Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh đề nghị Tòa Giám mục ủng hộ, đồng thuận để dự án sớm triển khai thực hiện.