Bé 3 tháng tuổi nhiễm virus hợp bào hô hấp phải thở ô xy tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Hà Minh
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, trẻ em có hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện và thường không có ý thức phòng bệnh, hay đưa mọi thứ vào miệng, tay chạm vào các đồ vật mà không rửa tay sạch… nên có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn người lớn. “Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thường là vi khuẩn, virus… Đây được coi là mầm bệnh. Có nhiều con đường lây bệnh, một số bệnh lây truyền qua đường không khí, lây nhiễm khi tiếp xúc, ho, hắt hơi. Một số khác phát triển trong môi trường ô nhiễm, vệ sinh kém và xâm nhập vào cơ thể trẻ nhỏ qua đường tiêu hóa”, ông Dũng nói.
“Với những trẻ khi có các biểu hiện bệnh lý như sốt, chảy nước mũi hoặc các bệnh về truyền nhiễm thì không nên cho trẻ đi học, hoặc tập trung những nơi đông người, hay chơi với các bạn khác vì dễ lây nhiễm mà cần cho trẻ đi khám và nghỉ ngơi tại nhà”.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai
Chuyên gia bệnh trẻ em cho biết, trẻ em ở giai đoạn đi học, hệ miễn dịch kém và lúc này mới bắt đầu hoàn thiện, trong khi cơ thể của bé hằng ngày tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh từ môi trường. Do đó, ở tuổi này bé hay mắc các bệnh như: cúm, nhiễm khuẩn hô hấp, bệnh tai mũi họng… Sốt virus, viêm phổi, viêm họng do virus... là nhóm bệnh mà trẻ dễ mắc phải và lây nhiễm nhanh. Trong khi đó, dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp.
Phòng bệnh
Mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội dần được nới lỏng, nhưng tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc cho học sinh quay lại trường lớp đòi hỏi phụ huynh và nhà trường cần có những phương án và sự chuẩn bị kỹ càng để bảo vệ sức khỏe của trẻ. “Cha mẹ thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn bé rửa tay đúng cách trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc bất cứ khi nào mà bé tiếp xúc nguồn lây như vật nuôi, đất cát để hạn chế được sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể của trẻ nhỏ. Nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ và luyện cho trẻ có những thói quen tự giác chăm lo cho sức khỏe của bản thân từ nhỏ thì cần tắm và hướng dẫn bé tắm rửa sạch sẽ hằng ngày. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, phòng ngủ, khu sân chơi và các đồ vật bé thường cầm nắm. Cần chú ý tới việc chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là trong mùa COVID-19 thì phải rửa tay thường xuyên, và đeo khẩu trang”, ông Dũng khuyến cáo.
Do thời tiết giao mùa và dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé. Các loại virus gây bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, viêm họng, sốt virus… chỉ có thể tấn công vào những người có cơ thể yếu, sức đề kháng kém. Chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày không hợp lý, không đầy đủ dinh dưỡng sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch tự nhiên trong cơ thể. Do vậy, cần cho bé ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, giàu dinh dưỡng, vitamin, tăng cường ăn rau xanh, quả chín…
“Một số bệnh đã có vắc-xin tiêm chủng như sởi, cúm, enterovirus vẫn có thể gia tăng số ca mắc bệnh. Nguyên nhân là sau nhiều năm đến nay, các trường hợp không có miễn dịch do không tiêm chủng đã tích tụ lại, nếu không tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao, những người này dễ dàng mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”, PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Việt Nam, nói.
Hà Minh
Theo tienphong.vn
Link gốc: https://tienphong.vn/nguy-co-tre-mac-benh-truyen-nhiem-khi-giao-mua-post1381848.tpo