ảnh minh họa
3 năm trước, tôi ngồi chờ ở sân bay trong trạng thái mệt mỏi. Tôi nhìn chằm chằm ra bên ngoài, cố gắng tìm hiểu xem những gì mình vừa trải qua có thể là sự thật hay không. Việc nuôi dạy con cái theo phương pháp của tôi có hiệu quả hay không? Phải chăng lối sống hiện đại đã khiến tôi quên cách tốt nhất để làm mẹ?
Tôi từng ghé thăm nhà của một vài người bạn, dành hàng giờ để tâm sự và lắng nghe cách họ nuôi dạy con cái. Tôi cũng quan sát rất tỉ mỉ những kỹ năng của họ. Những gì được nghe và thấy đã thay đổi toàn bộ ý thức của tôi về cách nuôi dạy con. Tôi tin rằng cách tiếp cận của họ có thể là cứu cánh mà tôi cần ngay bây giờ khi cả thế giới bước vào năm thứ hai của đại dịch. Sự chung tay, sự khuyến khích, sự tự chủ và sự can thiệp tối thiểu, kết hợp bốn yếu tố này sẽ giúp giảm xung đột và thúc đẩy sự hợp tác - hai điều tôi thực sự cần làm với đứa con gái nóng tính của mình.
Trước đây, cách nuôi dạy con của tôi tràn ngập tiếng la hét và nước mắt. Ngược lại, phong cách của bạn tôi mang lại cảm giác như mình chảy xuống một con sông rộng, uốn khúc qua một thung lũng êm đềm, nhẹ nhàng và hiệu quả. Không có la hét, không có cãi vã và rất ít phản kháng. Nhưng điều tuyệt vời nhất là sự hợp tác của bọn trẻ. Tôi biết, nhiều bà mẹ như mình đã quên làm thế nào để thúc đẩy trẻ làm việc nhà mà không cằn nhằn hoặc hối lộ, cách kỷ luật không nước mắt và cách quan hệ với trẻ dựa trên xây dựng sự tự tin và tự lập. Thay vì cố gắng tách con ra khỏi các hoạt động của người lớn, tôi để con tham gia vào việc nhà theo sở thích. Thỉnh thoảng, tôi yêu cầu con giúp đỡ mình một số việc nhẹ nhàng. Các nhiệm vụ rất nhỏ, chẳng hạn như đặt bát, đũa, đĩa lên bàn ăn.
Tất cả mọi người đều được mong đợi tham gia vào các hoạt động, kể cả những đứa trẻ mới biết đi. Bạn tôi nói rằng, ngay khi con biết đi, tôi đã có thể bắt đầu nhờ con giúp, chẳng hạn như mang cho tôi cái này, cái kia. Khi con lớn lên, các nhiệm vụ trở nên phức tạp hơn. Thay vì chỉ nhặt rau giúp tôi, con có thể làm một món ăn. Thay vì chỉ dọn bát đũa, con có thể dọn bàn và rửa bát. Theo thời gian, con tôi học được những kỹ năng sống hữu ích, đồng thời hiểu được những cách giúp một gia đình luôn giữ được không khí yên bình. Tôi nhận ra, việc dọn dẹp sau bữa tối là trách nhiệm chung mà mọi thành viên trong nhà nên làm cùng nhau. Khi con tôi lên 9 hoặc 10 tuổi, con sẽ là người đóng góp có năng lực. Tôi sẽ không cần phải cằn nhằn hay hối lộ để con làm điều đó.
Bạn tôi nói rằng, có một điều mà họ tuyệt đối không làm, đó là khi con không chịu hợp tác, bạn tôi sẽ không tranh cãi với con. Trong khi đó, điều này từng xảy ra thường xuyên ở nhà tôi. Tôi nhận ra trước đây mình từng là một người mẹ hách dịch như thế nào. May mắn là nhóm bạn đã giúp tôi nhìn ra sai lầm của mình. Tôi biết, tranh cãi với con là việc hết sức ngớ ngẩn và phí thời gian. Khi tranh cãi, tôi đã vô tình khiến con quan trọng hóa những xung đột. Và điều đó làm cho không khí gia đình trở nên căng thẳng. Ngược lại, nếu muốn con tự tin và bảo vệ con khỏi những lo lắng, tôi cần hạn chế các mệnh lệnh.
Giờ đây, mỗi khi ở nhà cùng con, tôi luôn cảm thấy dễ chịu và hạnh phúc, thay vì cáu giận như trước. Đặc biệt là khoảng thời gian cả gia đình quây quần bên bàn ăn vào buổi tối. Tôi thường có một yêu cầu nhẹ nhàng dành cho chồng con. Mỗi người cần liệt kê một điều họ yêu thích nhất trong ngày. Bạn tôi nói, khi con được làm điều này cùng bố mẹ, con sẽ cảm thấy rằng ngay cả trong những ngày tồi tệ, con vẫn có thể biết ơn điều gì đó. Con tôi có vẻ rất hào hứng với "nhiệm vụ" này, thậm chí con bé còn đề xuất cả nhà cùng viết nhật ký về lòng biết ơn.
Thủy Kiều
Theo phunuvietnam.vn
Link gốc: https://phunuvietnam.vn/bi-quyet-khien-cha-me-de-chiu-va-hanh-phuc-voi-con-thay-vi-cau-gian-20211004155603652.htm