“Khủng bố” để đòi nợ: Khó xử lý hình sự

Thứ bảy - 10/06/2017 02:44
Hành vi ném “bom bẩn”, “lập chốt”, lập bàn thờ… để đòi nợ gây hậu quả nặng nề về mặt xã hội nhưng khó xử lý hình sự.
Liên quan đến vụ lập bàn thờ, tụng kinh để đòi nợ xảy ra trước số nhà 366 Quốc lộ 13 (Báo Người Lao Động đã thông tin), trưa 31/12/2013, Công an xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã yêu cầu chủ nợ dẹp bàn thờ, ngưng tụng kinh và tránh những hành động quá khích.

“Con nợ” ngại trình báo

Trước đó, từ ngày 19/12/2013, bà Nguyễn Thị L. cùng nhiều người khác đi xe tải đến đậu trước cổng căn biệt thự của anh H. rồi xịt sơn, viết bậy lên hàng rào; ném bom xăng, lập bàn thờ, giăng võng, trải bạt ngủ trước cổng để đòi nợ.

Viết yêu cầu đòi nợ treo trước xe tải (ảnh trên) và trên áo (ảnh dưới) Ảnh: Như Phú

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vương Tấn Phương, Trưởng Công an xã Lai Uyên, cho biết cơ quan này đã lập hồ sơ vụ việc trên, bàn giao cho Công an huyện Bến Cát xử lý. Theo ông Trương Văn Dũng, Trưởng Công an huyện Bến Cát, cơ quan này đang phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Bình Dương xem xét vụ việc có dấu hiệu hình sự hay không để khởi tố.

Trong khi đó, một lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết nguyên nhân dẫn đến các vụ đòi nợ thuê là từ những giao dịch mang tính tự thỏa thuận, không được chứng thực bởi pháp luật. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp đã dẫn tới mâu thuẫn khó dung hòa. Biện pháp đòi nợ được những đối tượng sử dụng là ném dầu pha chất bẩn hoặc đe dọa liên tục, đến ăn ngủ ở nhà “con nợ” nhằm khủng bố tinh thần. Mặc dù thiệt hại trong những vụ dùng “bom bẩn” như trên không lớn nhưng hậu quả để lại về mặt xã hội là hết sức nặng nề, gây tâm lý bức xúc, bất bình và lo lắng cho người dân. Khó khăn với lực lượng công an là những người bị xiết nợ không dám trình báo và cũng không có nhiều bằng chứng.

Luật chưa chặt chẽ

Theo một điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng, các đối tượng đòi nợ thuê có thủ đoạn rất tinh vi, luôn tìm kẽ hở của luật pháp để “lách”. Khi tiến hành hoạt động đòi nợ thuê, chúng luôn hợp thức hóa bằng cách để “chủ nợ” xác nhận có góp chung tiền cho “con nợ” vay. Những hành vi như “lập chốt”, ăn ở, sinh hoạt tại nhà “con nợ” hoặc làm cáo phó, vòng hoa, tổ chức kèn trống đám ma cho “con nợ” là trái luật nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý về mặt hình sự.

Điều 124 Bộ Luật Hình sự quy định hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân chỉ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Mức độ như vậy là quá nhẹ. “Mức phạt tù cao nhất của tội danh này cũng chỉ từ 1-3 năm nhưng phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có tổ chức. Trong khi đó, để đấu tranh làm rõ phạm tội có tổ chức là rất khó khăn, còn thế nào là nghiêm trọng thì luật cũng chưa có định nghĩa. Vì vậy, hầu hết những vụ đòi nợ thuê chỉ dừng lại ở mức độ bị cảnh cáo, xử lý hành chính” - điều tra viên này nói.

Trên thực tế, để xử lý hình sự đối tượng đến xiết nợ rồi xâm phạm chỗ ở của công dân theo điều 124 Bộ Luật Hình sự, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng phải mất nhiều thời gian, công sức.

Điển hình là vụ vợ chồng Vũ Tiến Thắng (SN 1971) và Bùi Thị Phượng (SN 1975, ngụ quận Kiến An, TP Hải Phòng) cùng một số đối tượng xông đến nhà chị Vũ Thúy Vân (ngụ quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) khóa cửa, đuổi “con nợ” lên gác 2 rồi tuyên bố lúc nào trả sẽ mở. Các cơ quan chức năng quận Ngô Quyền đã 3 lần lập biên bản, giải thích rõ việc làm này là vi phạm pháp luật nhưng các đối tượng vẫn ngoan cố.

Trên cơ sở đó, Công an quận Ngô Quyền mới có đủ căn cứ, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội và đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Thị Phượng về tội “Xâm phạm chỗ ở của công dân”.

Tập trung ngăn ngừa và triệt phá

Đại tá Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an - cho biết trước Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo các địa phương tổ chức đợt cao điểm về phòng chống tội phạm, trong đó có đòi nợ thuê. Đây là loại tội phạm có tính chất phức tạp, thường gia tăng trong dịp cuối năm nên lực lượng công an luôn phải tập trung ngăn ngừa và triệt phá.

Tại Hà Nội, lãnh đạo Công an TP đã chỉ đạo các lực lượng thường xuyên tổ chức rà soát, phát hiện những mâu thuẫn trong đời sống nhân dân; thống kê, lên danh sách các ổ nhóm tội phạm liên quan đến lấn chiếm đất đai, đòi nợ thuê; lập danh sách các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh để phạm tội, côn đồ hung hãn, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi, tổ chức cờ bạc…

N.Quyết

Theo Trọng Đức - Nguyễn Quyết - Như Phú (Người Lao Động)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây