Khu tái định cư Trung Lương (Hà Tĩnh): Đi tìm danh sách những hộ phải di dời

Thứ bảy - 10/06/2017 08:53
Ngày 16-10, báo Đại Đoàn kết có bài viết về khu TĐC Dăm Quan thuộc phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) với nội dung xoay quanh việc thực hiện "Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để di dời khẩn cấp các hộ dân thuộc khối 8, phường Trung Lương ra khỏi vùng lũ”. Từ một dự án được xem là khẩn cấp nhưng đến nay số lượng các hộ dân đã di dời chỉ là 13. Vậy 53 hộ như Tờ trình của UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi cho Thủ tướng Chính phủ để xin vốn giờ ở đâu?



Căn nhà của bà Nguyễn Thị Hòa – tổ dân phố Tân Miếu
 nằm bên cạnh sông Minh muốn di dời vào khu TĐC nhưng không được

Hộ cần thì không được...

Như báo Đại Đoàn kết đã phản ánh, khu TĐC Dăm Quan quy hoạch để di dời 66 hộ dân (gồm 44 hộ dân ngoài đê La Giang, 22 hộ dọc quốc lộ 1A) được UBND thị xã Hồng Lĩnh thực hiện theo Quyết định 1776. Sau khi dự án được hoàn thành cũng là lúc các hộ dân nằm trong diện di dời sẽ chuyển vào khu TĐC. Vậy nhưng, khi 13 hộ đầu tiên chuyển vào nơi ở mới, những hộ dân còn lại ở phố Tuần Cầu mới biết rằng, mình không đủ tiêu chuẩn vì để vào được khu TĐC phải thuộc diện ưu tiên, qua bình xét. Vậy nên, hiện tại ở phố Tuần Cầu có tất cả 7 hộ (có sổ hộ khẩu trước khi có dự án) vẫn chưa được di dời. 

Đơn cử là hộ anh Nguyễn Văn Lệ (1979) được tách từ hộ bà Đậu Thị Thương năm 2003. Hiện gia đình anh có 5 thành viên đang sống trên chiếc thuyền là nơi sinh hoạt của cả gia đình, bản thân anh đang bị ung thư giai đoạn cuối. Mặc dù khi rà soát, lập danh sách gia đình anh đã là một hộ riêng nhưng sau khi dự án xây xong, hộ anh được ghép vào chung với bà Đậu Thi Thương và hộ của em trai là anh Nguyễn Văn Chiến trên mảnh đất 170m2. Khác với anh Lệ, hộ chị Nguyễn Thị Bông được bố đẻ chuyển nhượng 150m2 đất từ trước khi có dự án, được chính quyền công nhận là một hộ riêng, nhưng khi vào khu TĐC, hộ chị Bông được ghép vào với hộ cha mình mà trước đó 2 năm đã là 2 hộ riêng biệt.

Ngoài 2 hộ nói trên, tại phố Tuần Cầu, phường Trung Lương còn có 5 hộ là những hộ thuộc diện di dời tránh lũ nhưng đến nay vẫn chưa được chuyển vào khu TĐC. Anh Nguyễn Văn Lệ cho biết: "Những ngày đầu triển khai dự án, chúng tôi được ghi nhận là một hộ, nhưng không hiểu sao khi dự án hoàn thành, gia đình tôi lại phải ghép vào với hộ mẹ và em trai tôi, trên một thửa đất 170m2”. Hay hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hòa trú tại tổ dân phố Tân Miếu, phường Trung Lương (thuộc hộ nghèo) nhà bên dòng sông Minh, với ước muốn được TĐC nhưng đến nay vẫn phải chờ đợi.

Phải chăng có danh sách ma?

Trái ngược với những hộ ở phố Tuần Cầu (cũ), muốn được TĐC thì các hộ dọc sông Minh và dọc tuyến QL1A lại đều không muốn di dời vào khu TĐC. Bởi một thực tế là chỗ ở hiện tại của các hộ này không bị lũ lụt đe dọa như văn bản mà tỉnh Hà Tĩnh trình lên Thủ tướng Chính phủ. Trò chuyện với chúng tôi nơi căn nhà có hàng chục năm nay, bác Nguyễn Ngọc Thanh, khối Hầu Đền (hộ nằm dọc sông Minh) nói: "Nếu nhà nước bắt chuyển thì chúng tôi chuyển, chứ nói chúng tôi nguy cấp để di dời thì không đúng. Nơi chúng tôi ở đây đã có mấy chục năm nay, trận thiên tai nào mà chưa trải qua, gần đây nhất là mùa lũ năm 2010 mà nhà chúng tôi nước chỉ ngập bàn chân, không những thế, đất của chúng tôi tại đây có giá khoảng tầm từ 500-600 triệu, giờ chuyển vào trong kia mấy con người chen nhau trên mảnh đất 180m2, rồi còn làm nhà làm cửa, chả nhẽ tự nhiên có nhà, làm ăn được chuyển vào trong kia thành con nợ à?”.

Giống như ông Thanh, bà Lê Thị Sương (75 tuổi) tổ dân phố Điểm Lý cũng không muốn di chuyển vào khu TĐC, mặc dù nhà nằm bên bờ sông Minh cũng với những lý do trên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những hộ dọc sông Minh hầu hết đều không muốn di dời, bởi ở nơi cũ họ có tất cả từ việc làm, chỗ ở. Điều khó hiểu nằm ở khối Phúc Sơn (nằm bên QL1A), nơi có hơn chục hộ thuộc danh sánh phải di dời, nhưng qua tìm hiểu, tất cả các hộ dân ở đây đều không đồng ý. "Đây là khu đất thuận lợi để làm ăn vì nằm cạnh quốc lộ, lũ lớn như năm trước cũng chỉ mấp mé dưới chân móng, đùng một cái nhà nước bảo di dời khẩn cấp, chúng tôi không hiểu vì sao”, ông Nguyễn Khắc Diễn khối Phúc Sơn chia sẻ.

Một sự thật nữa là mặc dù dự án được triển khai năm 2011, đến năm 2013 những hộ đầu tiên được di dời và khu TĐC, nhưng vào ngày 24-10-2014 những hộ dân ở khối Phúc Sơn và dọc sông Minh mới được thông báo về việc có chủ trương di dời vào khu TĐC. "Hôm 24-10 vừa qua, chúng tôi được mời lên phường để họp, nội dung là thông báo về việc di dời lên khu TĐC, tuy nhiên chính quyền cũng nói nếu ai thích thì đi, chứ từ trước tới nay chúng tôi chưa hề nghe về dự án này”, ông Diễn cho biết thêm.

Theo Bắc Vũ (đại đoàn kết)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây