Đền Lệ Động sập đổ hoàn toàn, chỉ còn lại đống gỗ hoang tàn

Hoang tàn một phế tích

Đền Lệ Động từ trước đến nay do người dân xóm Thanh Sơn tự bảo quản và thờ phụng. Hằng năm, vào ngày mồng một và ngày rằm thì người dân đều thắp hương thờ cúng. Ngoài ra người dân trong xã lấy ngày rằm tháng 2 âm lịch tổ chức lễ long trọng để ghi nhớ công đức các Thành hoàng làng đã có công mở đất, bảo quốc hộ dân.

Các cụ cao niên kể lại, triều Nguyễn có 5 đời vua là Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định đã phong tặng 13 đạo phong sắc cho xã Lệ Động có công thờ cúng, giữ gìn, tôn tạo đền báo đáp ân đức của triều đại vua với các vị thần linh có công phò vua, giữ nước.

Theo giới thiệu của người dân, PV phươngnam.net.vn đã tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Dao (SN 1955), người đã có nhiều năm biết về đền Lệ Động. Ông Dao cho biết: Năm 1957 hồi đó tự đền, chùa miếu gì đều không được xem trọng. Nên ông Nguyễn Gia Đại (người bác ông Dao - PV) vì sợ thất lạc 13 phong sắc nên đã đưa về từ đường nhà thờ cất giữ. Sau khi đưa về từ đường dòng họ cất giữ con cháu trong họ hàng thường gặp chuyện chẳng lành nhiều người cho rằng việc cất giữ phong sắc này không hợp nên bị trù báo. Năm 1987 ông Nguyễn Gia Châu người kế nghiệp ông Đại đã tìm hiểu 13 phong sắc này là thuộc đền, chùa nên ông và dòng họ quyết định mang qua đền “Nghê” Bồng Phúc (nay thuộc Đức Lạng, Đức Thọ, Hà Tĩnh) để cất giữ.

Tìm hiểu về 13 phong sắc, ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã Đức Lạng cho biết, năm 2007 nhà ngũ sắc thuộc đền “Nghê” nơi cất giữ 13 phong sắc bị xuống cấp, sụp đổ. Khi nghe tin nhà ngũ sắc bị sụp đổ, ông Hiệp đến hiện trường và thấy hộp gỗ tròn có nhiều văn hoa lạ mắt, tò mò ông cùng người dân mở ra xem thấy trong đó có 13 phong sắc, trên các sắc đều viết bằng chữ hán có dấu ấn hình vuông kèm theo. Đến năm 2008, ông Hiệp đã gửi lên Phòng Quản lý Di sản văn hóa – Sở VHTT Hà Tĩnh để nhờ dịch. Nội dung các sắc được phong cho 5 vị thần là: Dương Uy Ngự Mai Bão, Cao Minh Quế Quận, Mai Hoa Công Chúa, Triệu Sơ Công Chúa, Trù Sơn Thượng Tễ. Trong 13 phong sắc có 5 sắc niện hiệu Khải Định, 3 cái thuộc niên hiệu Thành Thái, 2 cái thộc niên hiệu Duy Tân, 2 cái thộc niên hiệu Tự Đức, 1 cái thuộc niên hiệu Đồng Khánh. Trong đó sắc thứ 10 là sắc cổ nhất, ngày 23/1 năm thứ 6 niên hiệu Tự Đức vào năm 1853. Trong bản dịch và một số thông tin xung quanh ngôi đền Lệ Động xã Đức Lĩnh huyện Vũ Quang kèm theo một số tài liệu sắc phong có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng.

 


13 phong sắc hiện đang được UBND xã Đức Lĩnh cất giữ



Ông Nguyễn Xuân Thê - Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết về 13 phong sắc

Lãng quên một di tích văn hóa

Theo chị Trần Thị Hà, xóm 4 Thanh Sơn cho biết: Đền Lệ Động được xây thành hai mái dọc, lợp bằng ngói vảy âm dương, 4 góc có 4 cái đao cắm thẳng, phía trước đền có 1 vòng bán nguyệt và 2 con rồng nghoảnh đầu lại với nhau, phía trong đền chính giữa có 2 bậc thượng điện trang trí theo hoàng cung kiểu đền, chùa. Sau nhiều năm không được tu sửa, vào năm 2000 mái ngói đền bị tụt hỏng hết, và người dân xóm Thanh Sơn đã lợp lại bằng tranh (lá cọ - PV). Tu sửa lại được hơn chục năm, thì đến năm 2011 do không được thường xuyên quét dọn nên các chân cột trụ, xà, mèn… bị mối ăn mục dần và bị sụp đổ hoàn toàn.

Theo như hồ sơ xã Đức Linh cung cấp, ngày 26/9/2006 ông Nguyễn Trinh Thành đã có đơn đề nghị tìm và lưu giữ Sắc phong, tôn tạo đền Lệ Động. Đơn đề nghị đã gửi đến Ban văn hóa huyện Đức Thọ, Sở VHTT tỉnh Hà Tĩnh, Bộ VHTT. Đến ngày 6/10/2006 Bộ VHTT, Cục Di Sản Văn Hóa đã có văn bản số 867/DSVH - DT về việc tìm kiếm và lưu giữ sắc phong tôn tạo đền Lệ Động gửi Sở VHTT Hà Tĩnh trả lời đơn thư của ông Nguyễn Trinh Thành nguyên con em quê hương hiện giờ đang sinh sống huyện Nam Đàn (Nghệ An). Tuy nhiên chỉ có một văn bản trả lời nhưng người dân chưa thấy đoàn cán bộ nào về tìm hiểu.

Trao đổi với PV phuongnam.net.vn, ông Phạm Cẩm Hà - Trưởng phòng văn hóa huyện Vũ Quang cho biết: Sau khi nhận được thông tin về phía phòng đã có công văn cho phục dựng, tôn tạo lại đền Lệ Động như mong muốn của người dân. Sau khi đi vào tôn tạo phòng mới đề xuất lên cấp trên để xin nguồn kinh phí sau.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu, phục dựng tôn tạo lại và xếp hạng di tích đền Lệ Động là việc cần thiết. Vừa bảo tồn được một công trình văn hóa quan trọng, vừa đáp ứng tâm nguyện của người dân địa phương, mỗi lần đi qua đền ai cũng thấy xót xa về một công trình văn hóa lịch sử tâm linh quý giá đang ngày ngày trở thành phế tích.