Chiếc áo tơi thấm đẫm hồn quê.
Làng tơi trổ hội
Áo tơi, Hán tự gọi là “nhiệt lãnh bảo”, được ví là chiếc áo choàng quý bảo vệ trước cái nóng lạnh. Với nông dân, đó là bảo bối khi ra đồng.
Chiếc áo tơi gắn với sinh hoạt nông thôn Bắc Trung bộ đã ngàn đời nay. Tôi lớn lên, vẫn thấy bà ngoại cặm cụi quang gánh ra đồng, chiếc áo tơi trải hết nắng mưa đã tơi tả đến nửa lưng nhưng ngoại vẫn mang nó.
Dấu ấn đến nỗi, nhạc sỹ An Thuyên, người con Nghệ Tĩnh, dù đã ra sinh sống tại Hà Nội nhưng vẫn nhớ đến quê hương cố nội, vẫn da diết đến những khi: “Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng/Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng/Để nghĩa tình đừng nhạt đừng phai/Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai…”.
Nắng táp, gió lào đốt đen hết làn da thư sinh trên quãng đường tôi lên làng làm áo tơi Yên Lạc (xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Trưởng thôn, ông Nguyễn Đăng Khoa, hồ hởi lắm: “Năm nay Yên Lạc được mùa lúa, được cả mùa tơi, vui lắm. Chắc tới đây, tôi sẽ vận động tổ chức cuộc thi chằm tơi nhanh cho bà con”.
Tự bao giờ, ở đất Nghệ Tĩnh này không ai biết, Yên Lạc nổi danh với nghề chằm áo tơi.
Anh Thân Viết Thi, một người con nối nhiều đời ở Yên Lạc cho biết: “Sinh ra đã thấy ông bà, cha mẹ chằm tơi; lớn lên cứ thế cũng tự nhiên mà biết làm tơi; mấy đứa con sau cứ thế mà biết làm tơi, chẳng cần lề lớp, bí quyết chi cả”.
Yên Lạc hiện có 182 hộ/647 nhân khẩu, trong đó có khoảng 63 hộ vẫn đang chuyên nghề chằm tơi. Ngày xưa, mùa mưa hay tháng nắng, chỉ có chiếc áo tơi làm vật che thân giữa thiên nhiên; thế nên làng làm ăn phát lắm. Thời đại polyme, mùa đông giá đã có áo mưa, áo bông; chiếc áo tơi chỉ tiện dùng vào mùa nắng. Từ tháng Hai đến nay, trời đổ nắng dữ dội, áo tơi bỗng đắt giá, thương lái khắp nơi đổ về mua rần rần, làng chằm không kịp bán. Chợ Lối bán áo tơi, tháng 9 phiên, sạch hàng từ nửa buổi.
Bà Nguyễn Thị Sỹ, người đan tơi nhanh nhất làng Yên Lạc.
Bà Nguyễn Thị Sỹ (SN 1966), hiện là người chằm tơi nhanh nhất làng. Khoảng 1 tiếng bà chằm xong một tơi. Từ đầu mùa đến nay, bà chằm được hơn 400 cái. “Làm tơi cũng như làm nón, lắm công phu và tỉ mỉ. Cái nghề ni tiện nhất là nhà đông con gái. Nhà o 3 người đàn ông, một chắc (một mình) xoay xoay cũng vất vả”, bà Sỹ nói.
Để có lá làm tơi, người ta phải lên tận miền núi Hương Khê cách chừng 30km để mua, chặt lá tơi. Lá tơi thuộc dòng cây cọ nhưng ngắn và mỏng. Trước đây, người ta chưa nghĩ ra nên chặt lá tươi xong là bó vậy chở về, vừa nặng vừa hao công. Sau này cụ Nguyễn Đăng Lan (đã mất) mới nghĩ ra cách hơ lá trên lửa ngay tại chỗ chặt. Lá vừa chặt xuống, hơ lửa cho hơi nước bốc đi mà giữ mãi được màu xanh. Như vậy tiết kiệm được công vận chuyển, vừa bớt đi một công đoạn. Người làng biết ơn cụ Lan về phát minh này lắm.
Lá hơ lửa xong phải vuốt lại cho thẳng, mang về nhà phơi nắng rồi lại vuốt. Ban đêm, lá được gửi cho sương (phơi sương). Một bó lá 10 ngàn đồng làm được 1 cái áo tơi. Xong phải mua mây về chẻ ra. Triềng đứng, triềng cổ (đai cố định khung áo) được làm từ sợi cây giang bện lại.
Triềng đứng, triềng cổ được định thành khung trên một bàn gỗ. Nhà nào đông người thì nhiều bàn. Lá được xếp lớp như lợp mái nhà để nước không thể chảy vào trong. Đầu tiên là lớp lá áo, lá độn để làm cổ áo. Hai bên thành áo là lá mép. Cứ thế mà xếp lớp lá tiếp theo rồi đan. Mỗi lớp chồng 5 lá.
Mùa này, phụ nữ chỉ ở nhà làm áo tơi. Đàn ông lên núi hái lá, mua mây. Không khí rộn ràng như trổ hội. Con gái Yên Lạc, da trắng như màu sữa lúa non.
Áo lá hồn quê
Hẳn nhiên, áo tơi đã thấm đẫm hồn quê Việt. Vì ruộng lúa Bắc Trung bộ không thẳng cánh cò bay như miền Nam, mà manh mún từng khoảnh một, máy móc cơ giới khó mà làm nổi nên sản xuất truyền thống vẫn là tốt nhất. Ấy là nông dân vẫn liềm hái, cày cuốc ra đồng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Nắng rát, da nhăn chai sạn đến mấy cũng không chịu nổi cái bỏng rát “giữa tầm buổi sáng, ngang lưng buổi chiều”. Chiếc áo tơi trở lại là chiếc áo chống nắng tối tân nhất trên đồng. O Sỹ bảo: “Cong lưng trên ruộng, mặc áo vải dày mỏng mấy lớp cũng bỏng rát. Còn mang áo tơi vô thì cách nắng hẳn. Khi không có gió thì lấy tay phẩy phẩy đuôi áo, tự nhiên mát rượi ở lưng. Trời động đổ mưa, trên đầu nón lá, dưới thân áo tơi quấn lại, đố ướt”.
Giữa trưa nắng, bà Lê Thị Tình (xã Sơn Lộc, Can Lộc) vẫn ở đồng phơi rơm rạ.
Chuyện vui, o Sỹ tiếp: “Năm 6 - 7 tuổi đã biết phụ mẹ phơi lá, bện dây. Lớn lên trong bọc áo tơi nên giờ tay đan như có mắt, cứ vậy mà luồn kim. Ngày nhỏ, chăn trâu đứa nào cũng độc áo tơi, đông giá thì chụm vài cái tơi lại mà tránh rét, nắng thì khoác áo tơi cưỡi lưng trâu lội rào. Chiều mát thì trải trên bờ ruộng mà nằm. Cái áo tơi rứa chứ nhiều công dụng. Khi đã rách nát thì dùng để đùm chè lá. Mẹ o hay nói con gái đã bịn rịn chồng con thì cũng như cái tơi đùm chè. Rứa mà nắm chè trong đùm tơi lá vẫn giữ được xanh tươi lâu lắm đó”.
Nhưng áo tơi, nay cũng lên giá lắm. Đầu mùa nắng đến nay, thương lái khắp nơi đổ xô về Yên Lạc mua áo tơi. Chợ Lối “cháy” phiên. Thương lái về hẳn từng nhà đặt hàng. Mỗi buổi chiều, họ lại đi gom khắp làng. Áo được xuất đi bán khắp các huyện từ Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, ra tận Nghệ An. “Xưa 3 cái áo tơi mới mua được 1 kí gạo. Nay 1 cái đã mua được 1 yến gạo”, ông trưởng thôn kể.
"Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng"
Trước đây, một chiếc tơi có giá cao lắm chỉ 40 ngàn. Năm nay lên giá 70 - 80 ngàn ngay chỗ sản xuất. Làm không kịp bán.
“Chính quyền có hỗ trợ gì không bác?”, tôi hỏi ông trưởng thôn. “Không, nghề này làm theo mùa, không chuyên, nên không quy hoạch làng nghề. Hình như trong cái bảo tàng ngoài Hà Nội, có cái áo tơi ni thì phải. Bữa trước có mấy người mua, nói làm kỷ niệm. Chỉ từng nớ”.
Bất giác, tôi nghe văng vẳng câu “cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng” của nhạc sỹ An Thuyên.
Thật mâu thuẫn, muốn quê nghèo đi lên và không lam lũ với đồng ruộng, nhưng lại muốn cái hồn quê đó sống mãi. Tôi đành giữ nó cho riêng mình trước sự giành giật của thời gian…