Trong những ngày nhập vai, rong ruổi theo chân các chân dài “tập sự”, PV Thanh Niên Online đã ghi lại những góc khuất của nghề người mẫu.
|
|
Làng mẫu lâu nay vẫn được xem là một "mảnh ghép" đầy biến động và phức tạp của giới showbiz. Thế giới mà khi nhắc đến, người ta vẫn thường nghĩ về những cô chân dài khoác lên người những món hàng hiệu đắt tiền, mùi nước hoa thơm nức mũi, bước ra từ chiếc xe hơi sang trọng và lả lơi trong vòng tay các đại gia. Nhưng đằng sau những xa hoa, hào nhoáng ấy là biết bao là nỗi ê chề, mệt mỏi...
Chờ đợi và đẳng cấp!
Những ngày sau tết, các show diễn thời trang có phần thưa thớt hơn. Chờ mãi đến một ngày cuối tháng 2, tôi nhận được cuộc gọi từ L., cô người mẫu thuộc hạng B trong giới, nói như reo trong điện thoại: "Có show rồi chị!". Được sự hỗ trợ của L., tôi đã có dịp đặt chân vào hậu trường của những show diễn lớn nhỏ với vai trò là... trợ lý.
Show đầu tiên mà tôi "tháp tùng" L. là một show quảng cáo mỹ phẩm quy tụ khá nhiều người mẫu có tiếng, diễn ra tại một tòa nhà sang trọng ở Q.7 (TP.HCM). Mặc dù thời gian diễn là 19 giờ nhưng ngay từ 15 giờ, các người mẫu đã phải tập trung tại một địa điểm để cùng lên xe đến nơi biểu diễn.
Đối với người mẫu, chờ đợi có vẻ là một việc gì đó rất quen thuộc. Trong thời gian này, kẻ đứng, người ngồi lôi đủ thứ chuyện ra bàn tán, từ chuyện cây son, hộp phấn cho đến chuyện quần áo, tóc tai. Đến khi một cô "sơ ý" khoe chiếc túi xách Dior trị giá hơn 2.000 USD vừa được "bạn trai" mua tặng trong chuyến công tác nước ngoài thì câu chuyện bắt đầu "nóng" lên.
Thôi thì đủ thứ món hàng xa xỉ được các cô lôi vào câu chuyện của mình như bằng chứng cho việc được các đại gia săn đón. Nếu nhớ không lầm, trong số đó có cả những cô từng hùng hồn tuyên bố trên báo rằng "Tôi không quen dựa dẫm đại gia".
|
Người mẫu Minh Tú, giải bạc Siêu mẫu Việt Nam 2013, cho biết: "Xét về thứ hạng, người mẫu hạng A là những người có danh hiệu, bước ra từ các cuộc thi có tiếng, hạng B là những người mẫu kém nổi tiếng hơn. Kế đó là những người mẫu nghiệp dư, PG... Còn một số người mẫu nổi tiếng, được báo chí săn đón thì được xếp vào hàng celeb (người nổi tiếng)".
Tuy nhiên, một chân dài khác cũng từng bỏ nhỏ với tôi, ngoài danh hiệu (từ các cuộc thi), đẳng cấp trong nghề còn được các cô tự xây dựng bằng cả túi tiền (từ đại gia hậu thuẫn). Và nói theo kiểu dân mạng thì "không cùng đẳng cấp, khó nói chuyện với nhau". Điều này, tôi đã được "trải nghiệm" khi vừa đặt chân lên chiếc xe chở các người mẫu đi diễn.
Xe chạy, một cô người mẫu chồm lên phía trước hỏi: "Xe đi đâu thế bạn ơi". Câu hỏi rơi vào im lặng khiến cô phải lặp lại lần thứ hai kèm theo cái khều nhẹ. Lập tức, một gương mặt khó chịu quay lại: "Đi mà hỏi tài xế". "Khiếp, làm gì mà chảnh dữ thế", cô gái lầm bầm.
Cởi đồ, ngại gì?
16 giờ đến nơi diễn, những người mẫu có tên tuổi thường được ưu tiên trang điểm trước hoặc dẫn theo người make-up riêng. Những cô còn lại ngồi bấm điện thoại và chờ đợi mỏi mòn.
L. bảo đi diễn mà không mang điện thoại hay máy tính bảng là không biết làm gì cho hết giờ. Tôi hỏi sao không tám chuyện giết thời gian, L. cười: "Em thuộc dạng nói nhiều mà nói nhiều đôi khi lại đụng chạm lúc nào không hay. Chị cũng biết nghề này rồi, thị phi điên đảo".
|
|
Càng gần đến giờ diễn, không khí hậu trường càng tất bật. Nơi trang điểm, thay đồ của người mẫu là một căn phòng chật hẹp, không có máy điều hòa. Chờ đợi lâu, các cô ủ ê đến tội nghiệp.
Chỉ đến khi chị quản lý lôi ra những bộ trang phục được nhà thiết kế chuẩn bị sẵn, không khí mới giãn ra. Một cô nhanh tay đến chọn bộ váy mà mình cho là đẹp nhất. Một cô liên tục thay đổi trang phục vì... ham váy đẹp nhưng mặc không vừa. Một cô lựa tới lựa lui đến khi cầm trên tay bộ váy sexy nhất thì nở nụ cười mãn nguyện...
L. nhờ tôi cài hộ khóa kéo sau lưng. Tại đây, 3-4 cô người mẫu cũng vô tư thay đồ dù xung quanh, các nhân viên trang điểm, tạo mẫu tóc đều là nam.
Thấy tôi trố mắt, L. bảo: "Mới đầu em thay đồ là chui tọt vào nhà vệ sinh. Có lần bị ông bầu hét vào mặt: "Còn gì đâu mà giữ". Sau này thấy ai cũng vậy nên đỡ ngại. Nam làm trong giới này phần lớn là "cong" nên cũng không có gì phải sợ".
Trong những chuyến "tháp tùng" sau này, tôi nhận ra chỗ thay đồ của các cô có khi chỉ là một cái lều hay căn phòng dựng tạm. Tấm màn che ở chỗ ra vào cứ bay phấp phới khiến người bên ngoài (kể cả những nam nhân viên hậu đài hay quay phim, kỹ thuật) đôi khi phải quay đi chỗ khác khi vô tình nhìn thấy những gì đang diễn ra đằng sau tấm màn.
L. rỉ tai tôi: "Bởi vậy mà đứa nào sửa là biết hết, nhiều khi có đứa biết rồi giả bộ "vô tình" tiết lộ ra ngoài để hại nhau chơi".
Đẳng cấp Xe chạy, một cô người mẫu chồm lên phía trước hỏi: "Xe đi đâu thế bạn ơi". Câu hỏi rơi vào im lặng khiến cô phải lặp lại lần thứ hai kèm theo cái khều nhẹ. Lập tức, một gương mặt khó chịu quay lại: "Đi mà hỏi tài xế". "Khiếp, làm gì mà chảnh dữ thế", cô gái lầm bầm. |
Kỳ tới: Nội chiến chốn 'thâm cung'
Nguồn Thiên Hương - (TNO)
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn