Số người chết vì thảm họa kép động đất, sóng thần ở đảo Sulawesi (Indonesia) liên tục tăng, tính đến ngày 1-10 là 1.203 người, Express dẫn số liệu từ nhà chức trách Indonesia. Đây chỉ là con số tạm thời vì còn rất nhiều người kẹt trong các đống đổ nát, chưa kể còn nhiều địa phương chưa được tiếp cận, thống kê. Ngoài Palu, hai TP Donggala - gần tâm chấn nhất, chỉ 27 km - và Mamuju vẫn chưa được tiếp cận vì đường sá bị phong tỏa, điện và viễn thông bị cắt.
14 ngày khẩn cấp, chạy đua cứu hộ
Theo Jakarta Post, chính quyền Trung Sulawesi tối 30-9 tuyên bố 14 ngày khẩn cấp đối phó thảm họa, từ ngày 28-9 đến ngày 11-10, tạo điều kiện huy động nhân sự, nguồn lực hậu cần, thiết bị, tiền bạc khắc phục thảm họa.
Thăm Palu chiều 30-9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thừa nhận thách thức quá lớn, công tác cứu hộ nạn nhân gặp khó khăn vì thiếu thiết bị cần thiết. Hiện nhà chức trách đã triển khai thêm máy móc hạng nặng để đẩy nhanh hơn tiến độ cứu hộ. Ngày 1-10, Indonesia thông báo chấp nhận hỗ trợ từ nước ngoài.
Công tác cứu hộ mấy ngày qua diễn ra khẩn trương, liên tục. Khách sạn Roa Roa tại Palu sập với đầy khách bên trong. Thiếu thiết bị, lực lượng cứu hộ mấy ngày qua phải dùng sức mình dọn bê tông cứu người. Một ngày sau động đất, lực lượng cứu hộ vẫn nghe được có tiếng kêu cứu bên dưới đống đổ nát nhưng sang hôm sau nữa thì chỉ còn im lặng. Ngày 30-9, sau mấy ngày chỉ đưa ra ngoài những thi thể lạnh ngắt, lực lượng cứu hộ cứu sống một phụ nữ 25 tuổi từ đống đổ nát khách sạn này.
Một cô gái 15 tuổi được cứu sống sau hai ngày bị mắc kẹt bên cạnh thi thể mẹ mình trong căn nhà sập. Hình ảnh cô gái nhỏ với đôi mắt sợ hãi được nhân viên cứu hộ cứu lên khỏi dòng nước đầy bùn làm nhói lòng người. Trước đó, lực lượng cứu hộ đã cố gắng chặn dòng nước từ một đường ống để cô khỏi phải chết đuối.
Cô gái Nurul Istikharah, 15 tuổi được cứu hai ngày sau thảm họa tại Palu, Trung Sulawesi (Indonesia) ngày 30-9. Ảnh: AP
Tại sao sớm rút cảnh báo sóng thần?
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa chất Indonesia (BMKG) hiện vẫn đối mặt với chỉ trích rút cảnh báo sóng thần quá sớm trong khi có các đợt sóng cao đánh vào Trung Sulawesi, đặc biệt vào thủ phủ Palu, dẫn tới số thương vong quá cao.
Theo Jakarta Post ngày 1-10, BMKG vẫn bảo vệ quyết định rút cảnh báo sóng thần trong vòng 30 phút. Theo Chủ tịch Dwikorita Karnawati, BMKG quyết định rút cảnh báo sau khi nhận đầy đủ thông tin đảm bảo quyết định này chính xác, trong đó gồm cả thông tin từ một nhân viên quan sát thực địa của văn phòng BMKG ở Palu.
Bà Karnawati cho biết BMKG đã phân tích các đoạn video được quay bằng điện thoại di động cảnh sóng thần ập vào Palu được đưa trên mạng tối 28-9. Trao đổi với Jakarta Postqua điện thoại, bà Karnawati nói: “Theo phân tích của chúng tôi, có ba đợt sóng đánh vào Palu lúc mờ tối, trong đó đợt thứ ba và cũng là đợt cao nhất cuốn đi nhà cửa và các hàng quán, các đợt sóng đánh vào bãi biển chỉ trong vòng hai phút rưỡi”.
Theo bà, BMKG thu hồi cảnh báo lúc 6 giờ 37 phút, sau đợt sóng thứ ba vài phút. Bà Karnawati bác bỏ thông tin vẫn có thêm sóng thần sau khi cảnh báo được rút, khẳng định “sau đợt sóng thứ ba không xuất hiện thêm đợt sóng thần nào nữa”.
Nhân viên Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ quốc gia Indonesia thu thập thi thể nạn nhân ở bãi biển Palu. Ảnh: EPA
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến TP Palu chiều 30-9. Ảnh: REUTERS
Hệ thống cảnh báo sóng thần bị tê liệt
Theo AP, thảm họa động đất, sóng thần ở Sulawesi cho thấy tính yếu kém của hệ thống cảnh báo sóng thần hiện tại, cũng như sự ít ỏi trong kinh nghiệm phản ứng với cảnh báo của người dân.
Sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2004 giết chết gần 250.000 người, trong đó Indonesia mất 168.000 người, cộng đồng thế giới đã cùng nỗ lực cải thiện năng lực cảnh báo sóng thần ở Ấn Độ Dương và ở Indonesia - nước thường xuyên xảy ra động đất và sóng thần.
Một mạng lưới 22 thiết bị phao đo lường mức sóng nối với các thiết bị cảm biến mặt biển để truyền tải cảnh báo sớm. Mỗi thiết bị phao có chi phí tới hàng trăm ngàn USD.
Một trận động đất mạnh ngoài khơi đảo Sumatra năm 2016 đã gây hoảng loạn cho dân cư TP Padang cho thấy không thiết bị phao nào trong hệ thống này hoạt động. Theo AP, chức năng hoạt động của chúng bị tê liệt hoặc là do bị phá hoại, bị trộm thiết bị, hay đơn giản vì không được bảo dưỡng. Vì vậy, cảnh báo sóng thần Indonesia hiện nay dựa chủ yếu vào một hệ thống 134 trạm đo thủy triều và các máy ghi địa chấn trên bờ, còi báo động đặt ở 55 địa điểm và một hệ thống phát tin nhắn cảnh báo.
“Các trạm đo thủy triều vẫn hoạt động nhưng chúng không cung cấp được cảnh báo sớm. Không một thiết bị nào trong 22 thiết bị phao hoạt động. Trong thảm họa Sulawesi, BMKG đã thu hồi cảnh báo quá sớm vì cơ quan này không nhận được dữ liệu từ Palu. Đó là dữ liệu mà hệ thống phát hiện sóng thần có thể cung cấp” - chuyên gia về quản lý thảm họa Louise Comfort tại ĐH Pittsburgh (Mỹ) nói với AP.
“Thảm kịch khoa học”
Theo AP, Indonesia đã có thể không phải chịu thương vong nhiều như thế trong thảm họa ngày 28-9 nếu có một hệ thống cảnh báo sớm sóng thần. Thực ra hệ thống này đã có mặt ở Indonesia nhưng nhiều năm nay vẫn trong giai đoạn thử nghiệm.
Indonesia mua hệ thống này từ cơ quan khoa học quốc gia Mỹ với giá 3 triệu USD. Tuy nhiên, Indonesia vẫn chưa thể khai thác hệ thống này vì số tiền nhận được từ chính phủ Indonesia cho dự án lắp đặt quá ít, chỉ 69.000 USD. Hệ thống cảnh báo sớm hiện được lắp đặt dang dở ngoài khơi TP Padang, nơi có nguy cơ bị sóng thần cực cao, có khả năng truyền thông tin cảnh báo trong 1-3 phút so với 5-45 phút của hệ thống phao mà hiện đã không thể hoạt động, hay so với các trạm đo thủy triều vốn rất hạn chế trong cung cấp thông tin.
“Với tôi, đây là một thảm kịch với khoa học, cũng như thảm kịch mà người dân Indonesia và dân cư Sulawesi đang nhận ra. Thật đau lòng phải chứng kiến cảnh này khi đã có một mạng lưới cảm biến được thiết kế tốt có thể cung cấp các thông tin quan trọng” - chuyên gia Comfort nói với AP.
Tuy nhiên, chuyên gia sóng thần Adam Switzer tại Đài Thiên văn Trái đất (Singapore) lại cho rằng dù với bất cứ hệ thống cảnh báo nào đi nữa thì ưu tiên trong trường hợp xảy ra động đất ở ven biển là phải chạy lên các vùng cao và ở yên đó vài ba tiếng. Theo chuyên gia Harkunti P. Rahayu (Viện Công nghệ Indonesia), điện bị cúp sau động đất đã làm hệ thống còi báo động tê liệt.
Phải khẩn cấp chôn tập thể Ngày 1-10, chính quyền Palu tiến hành chôn tập thể khoảng 300 thi thể trong một cái hố sâu 10 m, rộng 100 m. Ông Willem Rampangilei, Giám đốc Cơ quan giảm nhẹ thảm họa quốc gia Indonesia, giải thích: “Việc này được thực hiện sớm vì các lý do y tế và tôn giáo”. Nguy cơ lan truyền bệnh tật rất cao khi các thi thể sau khi được thu thập được bọc trong các tấm vải nhựa nằm trên đường phố, dưới nắng gắt. Tôn giáo chính của người dân Palu là đạo Hồi và người chết được chôn trong vòng một ngày sau khi qua đời. Một số thảm họa động đất, sóng thần lịch sử Ngày 26-12-2004, động đất 9,2 độ Richter tại Ấn Độ Dương gây ra sóng thần tràn vào 14 quốc gia và cướp đi sinh mạng của hơn 225.000 người, trong đó Indonesia nặng nhất với 168.000 người. Ngày 11-3-2011, động đất mạnh 9 độ Richter gây sóng thần tàn phá hàng loạt tỉnh ven biển Nhật làm gần 16.000 người chết. Ngày 27-2-2010, động đất mạnh 8,8 độ Richter kéo theo sóng thần ở Chile làm gần 600 người chết, theo số liệu chính thức. Ngày 22-5-1960, Chile cũng hứng động đất mạnh 9,5 độ Richter gây sóng thần làm gần 6.000 người chết. |
Tác giả bài viết: THIÊN ÂN
Nguồn tin: Phám luật Tp HCM
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn