Bài học nào từ thảm họa động đất và sóng thần tại Indonesia?

Thứ ba - 09/10/2018 09:34
Việt Nam nằm không xa với Vành đai lửa Thái Bình Dương, và mới đây, tại Hà Nội đã có sự rung lắc nhẹ tuy chỉ trong vài giây nhưng cũng đủ làm cho nhiều người lo sợ.

Sức tàn phá khủng khiếp của thảm họa kép

Vào lúc sáng sớm ngày 28.9.2018, cả một chuỗi động đất kéo dài suốt ngày mà cơn mạnh nhất vào lúc 3 giờ chiều có cường độ lên tới 6,1 độ Richter, đã xảy ra tại khu vực gần Donggala, gây rung chuyển mạnh. Đây chính là điểm khởi đầu báo hiệu cho một trận động đất lớn sau đó.

Bài học nào từ thảm họa động đất và sóng thần tại Indonesia? - 1

Tàu biển chạy lên đất liền sau trận sóng thần

 

Đến 6 giờ 2 phút chiều thì tai họa ập đến. Cơn động đất lần này mạnh tới 7,5 độ Richter gây rung chuyển cả vùng bờ biển phía Tây của đảo Sulawesi, mạnh tới mức xung chấn lan xa tận Tawau của Malaysia và Samarinda trên đảo Đông Kalimantan.

Cơn động đất có tâm chấn rất nông, chỉ sâu có 10 km bên dưới mặt đất, ngay thị trấn Donggala, trung tâm của đảo Sulawesi. Và thành phố Palu, thủ phủ của đảo, cũng chỉ cách đó có 77 km. Chính vì vậy mà khi sóng thần càn quét ngay sau động đất, đây là hai địa điểm phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất.

Theo số liệu thống kê thảm họa đã gây tử vong cho hơn 1.700 người, 2.549 người bị thương, 61.867 người dân vẫn còn phải sơ tán và theo CNN, có tới 200.000 người đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Thảm họa kép động đất, sóng thần đã tàn phá nghiêm trọng các công trình cơ sở vật chất như cầu, đường sá, làm gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc, đồng thời hủy hoại các dịch vụ căn bản và thiết yếu dành cho người dân. Việc tiếp cận và trợ giúp các khu vực bị ảnh hưởng cũng trở nên khó khăn hơn. Nhiều người dân ở Palu ngày càng tuyệt vọng khi nhu cầu nước uống, thức ăn và nhiên liệu phục vụ quá trình cứu hộ gặp khó khăn.

Bài học nào từ thảm họa động đất và sóng thần tại Indonesia? - 2

Nhà cửa hay đền thờ, bây giờ chỉ còn là đống đổ nát.

Nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn đang bị cản trở bởi thiếu máy móc hạng nặng, đường sá bị chia cắt, quy mô thiệt hại chưa thống kê hết được. Hiện nay, người dân thành phố Palu đang phải đối mặt với cảnh thiếu đói. Còn Donggala chỉ là một thị trấn nhỏ nằm sát rìa đảo, hẻo lánh và do vậy, điều kiện cứu trợ rất khó khăn. 

Ngoài ra, cũng phải kể đến một hệ quả khác của động đất lần này là hiện tượng đất hóa lỏng tại khu vực trung tâm và chung quanh thành phố Palu, mà theo số liệu của báo The Star, đã nhấn chìm 1.747 ngôi nhà chỉ riêng tại ngôi làng Balaroa nằm tại ven Palu. Trong số 2.000 cư dân của ngôi làng này, được biết là đã có 600 người chết và khoảng một ngàn người còn mất tích.

Đất hóa lỏng là hiện tượng cát bão hòa, bùn bị mất cường độ và sức trở kháng, xảy ra trong quá trình rung lắc dữ dội của động đất mà theo các chuyên gia về địa động học, đây là một hiện tượng khá phổ biến. Ngược thời gian, trận động đất kéo theo tình trạng đất hóa lỏng đã từng xảy ra tại Alaska năm 1964, tại Christchurch (New Zealand) năm 2010, tại thành phố Urayasu, phía đông Nhật Bản năm 2011.

Riêng tại Urayasu, là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất với 86 % diện tích bị hóa lỏng mà phải mất tới 6 năm sau, thành phố này mới sửa chữa được tất cả hệ thống ngầm, nước và khí gas bị hư hại. Theo PGS. Mark Quigley, Khoa Động đất học tại Đại học Melbourne (Australia), điều kiện dẫn đến đất hóa lỏng có thể tìm thấy ở Indonesia và trên khắp châu Á.

Bài học gì từ thảm họa Indonesia?

Tuy nhiên, thảm họa xảy ra thì đã xảy ra. Bản thân Indonesia phải nỗ lực khắc phục hậu quả mà trước mắt là giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm cho người dân tại vùng thiên tai. Kèm theo đó là vấn đề vệ sinh và an sinh xã hội. Dĩ nhiên là rất khó khăn do vì là địa phương xa xôi cách trở, đất nước toàn núi đồi, lại thêm bị chia cắt vì động đất. 

Vậy thì, chúng ta rút được bài học gì từ thảm họa Indonesia? Đừng quên, đất nước ta cũng nằm không xa mấy với Vành đai lửa Thái Bình Dương, và mới đây, tại Hà Nội đã có sự rung lắc nhẹ tuy chỉ trong vài giây nhưng cũng đủ làm cho nhiều người lo sợ, nhất là các cư dân tại các cao ốc.

Bài học nào từ thảm họa động đất và sóng thần tại Indonesia? - 3

Hiện tượng đất hóa lỏng lan tràn như sóng nước.

- Cảnh báo đúng và cảnh báo sớm là điều rất cần thiết. Được biết, ngay sau khi động đất xảy ra, Cơ quan Địa Vật lý Indonesia (BMKG) đã phát ngay cảnh báo sóng thần nhưng rồi lại dỡ bỏ ngay sau đó chỉ... nửa tiếng đồng hồ. Khi báo chí phỏng vấn, người đứng đầu Trung tâm Sóng thần và Động đất thuộc BMKG, Rahmat Triyono, khẳng định đã tuân thủ đúng các quy định và dỡ bỏ cảnh báo sóng thần dựa trên các dữ liệu thu được từ cảm biến thủy triều gần nhất, nằm cách Palu khoảng... 200 km.

Ông cho biết, "Chúng tôi không có các dữ liệu quan sát tại Palu, do vậy phải sử dụng dữ liệu sẵn có và dỡ bỏ cảnh báo cũng là dựa trên nó. Thiết bị theo dõi thủy triều gần nhất, chuyên đo những thay đổi trong mực nước biển, chỉ đo được sóng cao 6 cm và không phát hiện những con sóng lớn gần Palu". Vậy là yếu tố quan trọng ở đây chính là thiết bị lạc hậu.

- Duy trì, bảo dưỡng tốt thiết bị từ đầu nguồn tới đầu cuối. Theo ông Joern Lauterjung, Giám đốc Dịch vụ Địa chất tại Trung tâm Nghiên cứu về Địa chất Đức (GFZ), Đức đã cung cấp một hệ thống cảnh báo do GFZ phát triển tới Indonesia sau thảm họa sóng thần tàn khốc cướp đi sinh mạng của 226.000 người năm 2004. Hệ thống này đã hoạt động và dự đoán sóng thần cao tới 3 m khi động đất xảy ra.

Bài học nào từ thảm họa động đất và sóng thần tại Indonesia? - 4

Một cây cầu bắc ngang cửa biển tại thành phố Palu đã bị phá hủy hoàn toàn sau đợt thảm họa kép động đất - sóng thần ngày 28/9 ở miền trung đảo Sulawesi, đảo lớn thứ 4 của Indonesia. Ảnh: Reuters.

Ông cho biết: "Nếu nhìn vào toàn bộ tiến trình hoạt động từ việc tạo ra tín hiệu cảnh báo cho tới chặng cuối cùng, tức là tới những cư dân địa phương sắp bị đe dọa, chúng ta thấy hé lộ ra một vấn đề, chẳng hạn, có vẻ như còi báo động đã không hoạt động và không có cảnh báo qua loa phóng thanh từ cảnh sát tới người dân địa phương". Vậy là yếu tố quan trọng ở đây chính là tiến trình cảnh báo bị "đứt" mất đầu cuối.

Ắt hẳn cũng còn không ít vấn đề khác nữa, nhưng có lẽ chỉ cần hai điều trên cùng với lượng nhân sự phục vụ thật tốt, âu cũng đã đủ.

 

Tác giả bài viết: Bùi Kim Sơn

Nguồn tin: Khám phá

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây