Ngày 8/3, Vũ Thị Loan (32 tuổi, ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) ôm 2 con gái đi tự tử tại sông Ninh Cơ, đoạn thuộc địa phận xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng. Sự việc khiến 2 cháu nhỏ tử vong, còn người phụ nữ này may mắn thoát chết. Ngày 10/3, Loan bị khởi tố về tội Giết người.
Theo hồ sơ bệnh án, tháng 12/2022, Loan bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn thần cấp và nhất thời. Do không đồng ý điều trị nội trú, Loan được bác sĩ kê thuốc điều trị tại nhà và hẹn khám lại sau 10 ngày. Thấy bệnh giảm dần sau khi dùng thuốc, người này không quay lại gặp bác sĩ.
Với việc có tiền sử bị trầm cảm, Loan có thể được miễn trách nhiệm hình sự không?
Luật sư Trần Đình Dũng - Đoàn Luật sư TP.HCM
Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người bị buộc tội bắt buộc phải được tiến hành trưng cầu giám định tâm thần khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ. Ngoài ra, người làm chứng hoặc bị hại cũng phải được giám định tâm thần nếu có sự nghi ngờ về nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án.
Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, hoặc khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, trưng cầu giám định tâm thần là bước quan trọng, ảnh hưởng tới quá trình tố tụng cũng như số phận pháp lý của người bị buộc tội. Nếu kết quả giám định cho thấy họ bị bệnh ở mức độ nặng, gây mất nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, những người này không phải chịu trách nhiệm hình sự, theo Điều 21 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp họ bị bệnh ở mức độ nhẹ, có ảnh hưởng nhưng không tới mức mất năng lực trách nhiệm hình sự, họ vẫn có thể bị truy cứu. Tuy nhiên, những người này có thể thuộc trường hợp có nhược điểm về tâm thần và sẽ được áp dụng các biện pháp ưu tiên trong tố tụng như bắt buộc phải có luật sư trong các buổi hỏi cung; được chỉ định luật sư trong trường hợp không có luật sư bào chữa, hoặc được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự...
Ngoài ra, theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, họ còn có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là người phạm tội có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Đối với vụ việc xảy ra ở Nam Định, theo thông tin hiện có, Loan có tiền sử trầm cảm nhưng đã được kê thuốc điều trị và bệnh tình diễn biến theo chiều hướng tích cực. Do đó, yếu tố mấu chốt là cần trưng cầu giám định tâm thần để xác định ở thời điểm phạm tội, bệnh tình có tái phát, trở nặng tới mức làm mất năng lực nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi hay không.
Nếu kết quả trưng cầu cho thấy Loan bị bệnh nhưng chưa tới mức mất năng lực trách nhiệm hình sự, người phụ nữ này vẫn có thể chịu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ được áp dụng các biện pháp ưu tiên cũng như tình tiết giảm nhẹ theo quy định.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…
Hoàng Linh
Theo zingnews.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/om-2-con-tu-tu-me-co-duoc-mien-trach-nhiem-hinh-su-neu-bi-tram-cam-post1411369.html