NSƯT Tố Nga (phải) và Hoa Trần trong MV “Cúc ơi!”(ảnh nghệ sĩ cung cấp).
Cảm giác như được phù hộ
Là một người con của mảnh đất Hà Tĩnh, từ năm 2006, NSƯT Tố Nga đã đến viếng mộ 10 nữ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc. “Tôi luôn đau đáu làm một sản phẩm âm nhạc để tri ân các chị từ ngày đó mà không hiểu sao mãi không thực hiện được. Tôi vẫn đến Ngã ba Đồng Lộc dâng hương hàng năm, mỗi lần đến đó đầu tôi như bị xóa trắng, không nhớ gì về những dự định âm nhạc muốn làm của mình, khi trở về mới lại thấy trăn trở về dự định. Cứ như thế, loay hoay mãi 12 năm tôi không hoàn thành được tâm nguyện của mình. Đến năm nay, đúng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, như có điều gì đó đã thôi thúc tôi từng ngày để tôi làm sản phẩm. Đây thực sự là nhân duyên, ca khúc “Cúc ơi!” mà tôi chọn không chỉ là vì ca khúc hay mà bài hát còn đặc biệt bởi được sang tác từ nhà thơ Yến Thanh - là bạn chiến đấu của bố tôi khi hai cụ đi thanh niên xung phong”, NSƯT Tố Nga nói.
Trong suốt quá trình quay, không biết có phải là bởi vì được phù hộ hay không mà nghệ sĩ Tố Nga cảm giác như mình được định sẵn quá nhiều việc. Theo dự tính, ê-kíp sẽ cần 2 ngày quay để hoàn thành MV, nhưng đoàn phim đã phải kéo dài đến 4 ngày vì thời tiết đổ mưa. Khi đó, NSƯT Tố Nga và đoàn phim buồn vì Trời không chiều lòng người, nhưng sau đó chị giật mình nghĩ lại thấy Trời luôn mưa… đúng lúc cần. Nhờ đó mà MV có những cảnh quay dưới mưa, khi NSƯT Tố Nga thả hoa trên sông, khi chị Cúc hồi nhỏ đứng nhìn theo mẹ đi lấy chồng, những hạt mưa đã làm câu chuyện sâu hơn, xúc động hơn.
Ngay cả cảnh quay gây ấn tượng trong MV là cảnh NSƯT Tố Nga ngồi thả hoa cúc trên sông gọi người em “Cúc ơi!”. Đúng thời điểm đó, nước sông rút khiến chồi cát trên sông lộ ra giúp NSƯT Tố Nga có được góc ngồi rất đẹp để thả hoa. Ngay sau thời điểm đó, nước sông dâng lên suốt mấy ngày mấp mé bờ sông, có muốn thực hiện lại cảnh này cũng không được nữa.
Một điều khiến nữ ca sĩ rất xúc động là khi biết chị quay MV về các nữ thanh niên xung phong, rất nhiều người đã gọi đến hỗ trợ chị từ chuyện ăn uống đến việc lưu trú, rồi các công tác hậu cần cho đoàn phim. Chưa bao giờ, NSƯT Tố Nga thấy mình được sống trong ân tình nhiều đến thế. Như khi quay cảnh chiến tranh, đoàn phim đã đốt hết 100 chiếc lốp, nhưng đến phút cuối cảnh chưa xong mà đã không còn lốp để đốt. Giữa đồng không mông quạnh, bất ngờ, một người dân đứng xem bên cạnh bảo: “Để tôi đi lấy cho”. Thế là 30 phút sau, người đó mang về 4-5 chiếc lốp lớn, đủ để hoàn thiện các cảnh quay còn lại.
Dù là thực hiện MV ca nhạc nhưng khi xem, người ta có cảm giác rất gần với một bộ phim điện ảnh. NSƯT Tố Nga đã rất tin tưởng giao cho nữ đạo diễn trẻ Lam Hạ - người cũng vừa mới “chân ướt chân ráo” bước vào lĩnh vực đạo diễn MV ca nhạc. Đây là dự án MV lớn nhất được giao vào tay Lam Hạ, đồng thời cũng là sản phẩm đầu tiên cô làm về chiến tranh. Sự áp lực đã được Lam Hạ “ứng phó” đầy khôn ngoan, khi chọn cách kể đầy tính điện ảnh, song vẫn giữ được sự mới mẻ dù câu chuyện đã quá cũ. May mắn với Lam Hạ là cô được thỏa sức trong việc thực hiện các cảnh quay, kể cả tốn kém nhất.
“Cũng có lúc Lam Hạ muốn tiết kiệm tiền cho tôi nên đề xuất các phương án thay thế. Nhưng tôi hỏi ngược lại rằng “nếu làm thế thì có đáp ứng được cảnh quay không? Nếu không thì em cứ làm hết những gì em muốn, mọi cái chị sẽ lo”, NSƯT Tố Nga tâm sự về dự án được cho là lớn nhất trong sự nghiệp của mình tính đến nay.
Diễn xuất ấn tượng của Hoa Trần
Một yếu tố góp phần làm nên thành công không nhỏ cho MV xúc động “Cúc ơi!” chính là yếu tố Hoa Trần - người hóa thân thành cô Cúc. Chi tiết thú vị khá tương đồng là, nếu như người sáng tác nên bài thơ “Cúc ơi!” - tác giả Yến Thanh vốn là cán bộ phụ trách kỹ thuật của ngành giao thông vận tải có mặt lúc đó đã nghẹn ngào viết lên bài thơ này thì Hoa Trần cũng không phải là diễn viên chuyên nghiệp (cô vốn là MC và gần đây lấn sân ca hát cùng chồng là NSƯT Việt Hoàn - PV) và nhận vai trong một hoàn cảnh rất bột phát.
Hoa Trần kể: “Tôi và NSƯT Tố Nga rất thân thiết ngoài đời nên biết tâm tư của chị muốn thực hiện MV này từ lâu rồi. Nhưng bây giờ chị mới thực hiện được, có lẽ là phải chờ hội đủ thời khắc tâm linh. Hai chị em nói chuyện với nhau và rồi chị bảo tôi tham gia một vai. Tôi buột miệng: “Thế em đóng vai Cúc nhé?”. Tôi cứ nghĩ sẽ như những lần trước thôi. Ai ngờ lần này làm được thật, mà mọi thứ cứ trơn tru từ đầu đến cuối”.
Hỏi về việc khai thác chất liệu nào để hóa thân “mượt” như thế, Hoa Trần tâm sự: “Thực ra lúc đầu tôi cũng lo lắm. Tôi đã dành thời gian nghiên cứ lịch sử để hóa thân thành cô Cúc. Khi đọc thì hình tượng của cô Cúc càng hiện rõ, nhưng mỗi khi quay, ê-kíp thắp hương cho các cô, tôi lại thầm nói trong đầu để mong được hóa thân đúng với tính cách của các cô ở độ tuổi xuân xanh nhất. Ngoài đời, tôi là người hồn nhiên, hay cười nên việc đó không khó lắm. Nhưng với một hình tượng anh hùng thì điều quan trọng nhất là phải lột tả được sự hiên ngang, bất khuất của các cô. Trong lúc diễn, chính cách hát, cách nhấn tha thiết của chị Tố Nga đã tác động rất mạnh đến cảm xúc diễn của tôi. Lúc đó, tôi cảm giác như mình không phải là Hoa Trần nữa mà cảm giác như mình chính là nhân vật. Nước mắt cứ ầng ậc mà không được phép khóc, vì như thế sẽ hỏng hết. Làm thế nào để không khóc, đó mới là cảnh khó nhất với tôi”.
Để thực hiện MV “Cúc ơi!”, dựng lại hình ảnh thời chiến tranh với những nữ thanh niên xung phong hăng hái ngày đêm san đường, lấp hố bom giữ thông tuyến đường chiến đấu, đoàn phim đã phải huy động đến 200 diễn viên quần chúng là các chiến sĩ bộ đội và các học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Tĩnh. Tỉnh đội Hà Tĩnh cũng đã giúp đỡ NSƯT Tố Nga một cách đặc biệt khi ngoài việc cử chiến sĩ trẻ tham gia quay MV, Tỉnh đội còn huy động cả xe quân đội và cố vấn đặc biệt hỗ trợ đoàn phim quay cảnh chiến tranh. Đạo diễn Lam Hạ đã sử dụng bom mìn thật với cố vấn bên quân đội để có những cảnh quay chân thực nhất.
Tác giả bài viết: Minh Nhật
Nguồn tin: Gia đình & xã hội
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn