Tin ở những giấc mơ

Thứ năm - 12/07/2018 17:22
Mỗi người đều có cách thể hiện tình yêu với cuộc sống. Với những họa sĩ khuyết tật, dù bị giới hạn bởi khiếm khuyết của cơ thể, nhưng những giấc mơ hòa nhập và khẳng định bản thân thì luôn cháy bỏng.

Qua hội họa, họ đã thể hiện tình yêu của mình. Vừa qua, 4 họa sĩ khuyết tật đã hội ngộ nhau trong triển lãm “Ngày mới 2018” tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Các họa sĩ trong triển lãm tại Huế

Cố gắng gấp ba lần

Bốn họa sĩ là Nguyễn Tấn Hiền (đến từ Đà Nẵng); Lê Quang Lĩnh (từ Hà Tĩnh); Lê Thị Mỹ Bình (Yên Bái) và Phạm Đình Thái (Thừa Thiên – Huế). Đây là một triển lãm ấn tượng không chỉ đối với người xem, mà cả giới chuyên môn, báo giới. Vì sao mỗi người một vùng miền, cùng khuyết tật lại có thể cùng “nói”, giao tiếp với đời sống bằng tranh? Ý tưởng chung là, dù mỗi người một hoàn cảnh, số phận, nhưng chung khát vọng hội họa.

Tại triển lãm “Ngày mới 2018”, 22 bức tranh đã được trưng bày, được thể hiện trên nhiều chất liệu: sơn mài, sơn dầu, acrylic, tổng hợp. Họ gửi vào những bức tranh cảm nghiệm đời sống bằng sự khiếm khuyết của cơ thể và một tâm hồn trong sáng, lung linh. Tinh thần đam mê nghệ thuật, vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường và mở ra “một cánh cửa khác” của một đời sống giàu ý nghĩa.

Qua chia sẻ, được biết, 4 họa sĩ này đã từng hội tụ ở “Ngày mới 2013”. Các bức tranh của các họa sĩ đã thể hiện rõ nét tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi truyền thống gia đình, vẻ đẹp người phụ nữ, đặc biệt là những khát vọng cống hiến, vượt lên trên hoàn cảnh. Tôi đã không ít lần chứng kiến họa sĩ khuyết tật vẽ và làm triển lãm. Cách làm của họ luôn khiến tôi nể phục, đó là sự cầu thị, tinh thần lạc quan và nhất là họ luôn có cách để giúp mình vượt qua khó khăn, ngăn trở.

Nhiều họa sĩ khuyết tật cho rằng, để có thể thực hiện được đam mê thì ngoài học hỏi, họ phải vượt qua những khó khăn của cuộc sống để có thể tiệm cận với màu sắc và nghệ thuật. Thậm chí có người nói, người bình thường phải cố gắng một thì người khuyết tật cố gắng ba.

Họa sĩ Lê Quang Lĩnh cho hay: “Nếu như “Ngày mới 2013” mở đầu cho giấc mơ được đưa cái đẹp đến với cuộc đời, thì “Ngày mới 2018” là những hy vọng mới của các họa sĩ về ngày mai đầy nhân hậu và ấm áp tình người. Ở đó chúng ta sẽ chứng kiến sự tỉ mẩn tuyệt vời để có các bức tranh sơn mài của Phạm Đình Thái, có vẻ lãng mạn những nét và chấm mầu vẽ theo dạng doodling đã tạo ra một sân chơi của Lê Mỹ Bình, toàn bộ màu nước về phong cảnh sông nước chính mình của Nguyễn Tấn Hiền.

Còn tôi có những nét vẽ hồn nhiên”. Còn họa sĩ Lê Thị Mỹ Bình, nói: “Dù đôi chân tôi không thể đi lại được, nhưng hội họa đã giúp tôi khám phá sắc màu, khám phá thế giới, hội họa cũng là giấc mơ đẹp giúp tôi đi qua những chặng đường khó khăn của cuộc sống”.

Những câu chuyện đẹp

Tôi biết họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền từ lâu và cũng nể câu chuyện tình đẹp của anh. Hiền quê gốc ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, sau khi hoàn thành 3 năm nghĩa vụ quân sự, anh ước mơ trở thành một nhà giáo. Năm 2002, trong một buổi tối đi học về bằng xe đạp, vì tránh chiếc xe tải rọi đèn lóa mắt ngược chiều anh đã rơi xuống hố ga không nắp và bất tỉnh. Anh bị gẫy đốt sống cổ và chấn thương nặng cột sống, động vào dây thần kinh sinh ra liệt người. Đầu năm 2006 anh được đưa ra Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Đà Nẵng tập phục hồi chức năng.

Có người chăm sóc, nhưng anh nghĩ là không bao giờ đi lại được nữa và đã xác định cả đời sẽ ngồi xe lăn. Anh đã cố gắng tự chăm sóc bản thân để mẹ khỏi lo lắng, khỏi phải vất vả vì mình. Hiền nghĩ nên làm việc gì đó cho đỡ buồn, anh đã học viết và vẽ. Nhờ vào một người bạn ở cùng phòng từng học kiến trúc chỉ bảo, tư vấn, Hiền đã được tiếp thêm quyết tâm. Thế rồi Nguyễn Tấn Hiền là người đã bấu víu vào nghệ thuật hội họa để sống.

Cũng từ đó anh đã có được tình yêu. Người con gái yêu Hiền là Nguyễn Thị Lý, quê ở Huế ra Đà Nẵng học, hiện công tác tại bệnh viện Đa khoa Bình Dân Đà Nẵng. Hiền kể rằng, năm đó Lý đến nơi anh điều trị thực tập. Lý là nữ nên cô thường chăm sóc phụ nữ, một lần tình cờ bắt gặp, chị đã thấy “xao xuyến” trước ánh mắt của một chàng trai ngồi xe lăn. Sau một số lần nói chuyện, hai người có tình cảm với nhau và yêu nhau. Họ đã cưới nhau và có một con trai. Tình yêu và hội họa đã giúp anh tự tin và thấy cuộc đời thật đáng sống.

Còn Phạm Đình Thái, sinh năm 1988, bị khiếm thính từ nhỏ. Anh theo đuổi dòng tranh sơn mài. Các tác phẩm “Phố”, “Chiều vàng”, “Sen”, “Tĩnh vật”… của anh tham gia triển lãm có sự mộc mạc, bình dị của cảnh sắc. Lê Quang Lĩnh sinh ra ở làng quê nghèo.

Tuy nhiên, khi chưa hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc ấy, thì gia đình của Lĩnh đã bị một cú sốc tinh thần khủng khiếp khi cậu con trai càng lớn chân tay co quắp, không biết ngồi, đứng bình thường như những đứa trẻ khác. Đưa con đi khám thì bố mẹ Lĩnh nhận được kết quả điếng người là đứa con trai bé bỏng vừa đầy tuổi bị bệnh bại não. Càng lớn, Lĩnh càng phải giấu đi cảm xúc của người thiệt thòi để tiếp tục sống, thực hiện ước mơ của mình.

Anh cho biết, mình đã tìm được người bạn tri kỷ, đó là sắc màu. Lê Quang Lĩnh có nhiều đêm thức trắng để vẽ. Say sưa đối thoại cùng những tâm tư và ước nguyện thời tuổi trẻ của mình. Nhiều lần đang ở quán nước cùng bè bạn, ý tưởng ập đến, Lĩnh tất tả về nhà ngồi xuống bên giá vẽ. Trước tấm toan trắng, Lĩnh hân hoan đối diện với nỗi đam mê và sự quyết liệt. Khi vẽ, Lĩnh quên tất thảy mọi thứ xung quanh. Chỉ còn đó, bên giá vẽ một “tôi với cuộc đời đang được bắt đầu”.

Họa sĩ Lê Thị Mỹ Bình sinh năm 1981 tại miền quê của huyện Lục Yên (Yên Bái), lớn lên tại thành phố Yên Bái. Năm lên lớp 6, căn bệnh viêm tủy cắt ngang đã khiến đôi chân của chị bị liệt hoàn toàn, không thể đứng và đi lại được. Từ năm 1998, chị bắt đầu vẽ thuê và dạy vẽ. Từ năm 2013 cho đến nay, chị đã tham gia nhiều cuộc triển lãm. Hiện tại chị là tình nguyện viên dạy vẽ miễn phí tại câu lạc bộ “Thắp sáng ước mơ” ở Yên Bái.

Triển lãm “Ngày mới 2018” là tiếng nói của 4 họa sĩ giàu nghị lực và khát vọng. Họ đã không cam chịu số phận, dù đi chậm nhưng dứt khoát không chịu dừng lại. Họ đã mơ, đã tin và thành công. Tinh thần lao động nghệ thuật của các họa sĩ khiến đông đảo người thưởng lãm dành trọn sự trân quý.

Tác giả bài viết: Thúy Khanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây