Xót xa chồng bế con nhỏ ở cửa bệnh viện xin tiền cho vợ chữa bệnh
Mối tình muộn mằn của cặp đôi hoàn cảnh.
Những ngày vừa qua các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại bệnh viện HNĐK Nghệ An đều xót thương trước hình ảnh người đàn ông khắc khổ, tần tảo, nghèo rớt khố tay bế hai đứa con thơ dại ngồi nơi cửa ra vào để xin tiền nhập viện cho vợ.
Người chồng, người cha khốn khổ mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là anh Nguyễn Hữu Tuấn (SN 1971) có vợ là chị Nguyễn Thị Bảy (SN 1975) trú tại xóm 2, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Anh Tuấn sinh ra trong gia đình nghèo khó ở mảnh đất Thanh Chương vốn nhiều khó khăn. Từ nhỏ anh đã phải đi làm thuê kiếm cái ăn qua ngày. Vốn không được nhanh nhẹn hoạt bát như những người khác nên anh cũng chỉ biết đi làm phụ hồ, cắt cỏ thuê để mưu sinh.
Cũng vì thế mà phải đến gần 40 tuổi anh mới có được “mối tình đầu”. Một lần theo nhóm thợ trong làng ngược lên huyện Tân Kỳ làm thuê, anh quen và đem lòng yêu chị Nguyễn Thị Bảy - vợ anh bây giờ. Cùng cái cảnh nghèo khó, cùng ở cái tuổi quá lứa lỡ thì nên hai anh chị đến với nhau như một sự sắp đặt của số phận.
Năm 2010, mối tình muộn mằn giữa anh chị nên duyên vợ chồng. Ngày lễ vu quy của họ đơn sơ, không mâm cao cỗ đầy, không rước dâu…mà chỉ là bữa cơm giữa hai gia đình ngồi lại với nhau.
Chẳng bao lâu sau ngày cưới, thì niềm vui như vỡ òa khi chị Bảy biết tin mình mang thai đứa con đầu lòng. Biết mình sắp được làm cha, anh Tuấn lại càng vui mừng gấp bội. Anh cố gắng làm lụng không quản ngày đêm chỉ mong sao có thêm chút tiền để lo cho vợ và đứa con đầu lòng của mình.
Nhưng trong quá trình mang thai đến thời kỳ chuẩn bị sinh thì chị Bảy không may bị ngộ độc thức ăn phải nhập viện cấp cứu. Lúc chị được chuyển đến bệnh viện thì các bác sĩ phải mổ đẻ cho chị vì tình hình quá nguy cấp.
Lúc đón đứa con đầu lòng anh như chết lặng khi các bác sĩ thông báo vợ anh bị bệnh suy tim, gan to ... cần phải điều trị, phẫu thuật mới có thể đảm bảo được sức khỏe. Nếu không được phẫu thuật thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bế hai con nhỏ xin tiền chữa bệnh cho vợ
Cũng vì cái nghèo cái khó, anh đành đưa vợ về nhà điều trị bằng thuốc chứ không dám để lại bệnh viện chữa trị vì chi phí điều trị quá cao.
“Về nhà điều trị tiền thuốc cũng hết gần 800.000 đồng/1 tháng. Nhà có khi không có gạo ăn nhưng anh ấy vẫn đi vay mượn tiền để mua thuốc cho tôi. Nói các anh không tin chứ nhiều lần tôi phải nhịn không uống thuốc để anh lấy tiền mua gạo cho các con ăn”, chị Bảy nghẹn ngào.
Cũng từ đó mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào những ngày công đi làm thuê của anh Tuấn. Tiền thuốc cho vợ, cái ăn cái mặc trong gia đình đều một tay anh lo liệu. Bữa trưa chưa qua anh lại chạy đi lo cái ăn cho bữa tối.
Trong quãng thời gian này, chị Bảy căn bệnh có đỡ đi chút ít nên có thêm hai con nữa. Đứa lớn là Nguyễn Thị Châu (5 tuổi), hai đứa sau Nguyễn Thị Loan (2 tuổi) và Nguyễn Hữu Lâm (7 tháng tuổi). Thêm hai đứa con càng khiến gia đình anh lâm rơi vào cảnh túng quẫn trăm bề. Một mình chị Bảy ở nhà chăm sóc cho các con, còn anh Tuấn thì bươn chải khắp nơi để kiếm cái ăn qua ngày.
Rồi sóng gió lại một lần nữa đổ xuống mái ấm của đôi vợ chồng nghèo khó đến khốn cùng. Chị Bảy lại lên cơn đau tim, khó thở, tức ngực chị được chuyển thẳng xuống bệnh viện HNĐK Nghệ An cấp cứu. Lúc này khi chuyến xe dừng trước cổng bệnh viện cũng là lúc trong người anh Tuấn không còn một đồng nào.
Vợ được cấp cứu xong, các bác sĩ yêu cầu nhập viện để điều trị. Thế nhưng, anh lắc đầu ngao ngán bảo với bác sĩ chắc phải đưa vợ về quê để nuôi, chứ ở bệnh viện thì không có tiền mà chữa trị.
Hai tay anh bế theo hai đứa con nhỏ là cháu Nguyễn Thị Loan (2 tuổi) và Nguyễn Hữu Lâm (7 tháng tuổi) và bắt đầu anh lục trong “tư trang” của mình là chiếc bao tải đựng phích nước, ít quần áo cũ, lô gạo ... mà không có lấy một xu dính túi để nhập viện cho vợ.
Nhưng suy đi tính lại, lỡ đưa vợ xuống viện rồi về cũng không có tiền mà về. Rồi đến bước đường cùng anh đành phải bế theo hai con ra cửa ra vào để xin tiền nhập viện cho vợ.
Trước hoàn cảnh của anh, nhiều người đã chung tay giúp đỡ để anh có đủ tiền nhập viện cho vợ. Tại đây khi đưa người nhà đến bệnh viện thì hầu hết các gia đình đều lâm vào cảnh khó khăn thiếu thốn, đến như anh bảo vệ, cô y tá, điều dưỡng cũng góp chút tiền lương của mình để giúp đỡ anh và gia đình.
Nhiều người không có thì về nhà lấy ít quần áo cũ để giúp cho các con của anh. Người đàn ông chai sạm trước nắng gió cuộc đời đã bật khóc khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người.
Khi vợ được nhập viện, anh nuốt nước mắt để hai đứa con thơ ở lại bệnh viện với vợ để trở về nhà lo cho đứa con gái đầu mới lên 5 đang gửi ở nhà hàng xóm. Chị Bảy một mình ở lại bệnh viện vừa lo cho bản thân và hai đứa con thơ mà không có một người nhà nào chăm sóc.
“Gia đình hai bên cũng không còn anh em, nên khi đưa em xuống viện anh ấy phải gửi con gái đầu ở nhà cho hàng xóm. Anh bảo về đi vay tiền rồi sẽ bế con xuống mà đến bây giờ vẫn chưa thấy anh quay lại. Có lẽ anh vẫn chưa vay được tiền”, chị Bảy nói trong nước mắt.
Hiện tại chị Bảy và hai con ở bệnh viện sống bằng những suất cơm, cháo tình thương của bệnh viện hỗ trợ. Thương chị một mình ở bệnh viện lại một nách hai con thơ nên người nhà bệnh nhân tại đây cũng thay phiên nhau giúp chị lo cho các con. Người bớt cho chị ổ bánh mì, người giúp cho đứa trẻ thơ hộp sữa. Đêm đêm khi chúng khóc thì họ lại giúp chị giỗ dành các con.
“Chúng tôi đi viện đã thấy khổ trăm bề rồi mà nhìn nó “chị Bảy - PV) mà không cầm nổi nước mắt. Nếu không được cho quần áo thì hai đứa con cũng không có nổi cái tã để mà thay. Trong khoa này ai cũng thương, cũng chung tay giúp nó một phần. Cũng là cái tình cái nghĩa con người với nhau. Chúng tôi cũng cùng cái cảnh nghèo khổ cả nên chỉ giúp được bấy nhiêu thôi. Cũng mong các nhà hảo tâm rộng tay giúp đỡ để nó có thể được điều trị để sống mà chăm sóc cho mấy đứa con thơ nữa”, bà Trần Thị Thanh (SN 1956) người nhà một bệnh nhân trong phòng chia sẻ.
Nhìn hai đứa trẻ thơ ngoan ngoãn ăn từng thìa cơm, bát cháo tình thương một cách ngon lành, chúng hồn nhiên, ngoan ngoãn như biết mẹ chúng đang đau nên không dám quấy khóc. Người mẹ nhường cho con ăn suất cơm, chờ đến khi nó ăn no rồi chị mới dám ăn. Khi mẹ đang ăn, đứa lớn bi bô hỏi: Mẹ ơi bố đâu rồi! Thấy mẹ lặng lẽ không trả lời nó cũng chẳng dám hỏi gì thêm. Mẹ nó lòng cũng như có lửa đốt vì hai hôm nay không có tin tức gì của chồng.
Hiện tại chị Bảy đang được điều trị tại phòng 612, khoa Tim mạch bệnh viện HNĐK Nghệ An. Bệnh tình của chị đang chờ được các bác sĩ hội chẩn mới có phương án điều trị tiếp theo.
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Hữu Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương cho biết: Hoàn cảnh của gia đình anh Tuấn, chị Bảy thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Anh Tuấn cũng không được nhanh nhẹn như người bình thường, chị Bảy thì thường xuyên đau ốm nên cuộc sống rất khó khăn. Chúng tôi cũng đang tạo mọi điều kiện để cố gắng giúp đỡ gia đình như ưu tiên hưởng các chế độ chính sách, hộ nghèo, khi chị Bảy đi chữa bệnh ...
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn