Nhìn đôi mắt chồng lim dim, toàn bộ tóc đã rụng trắng đầu, khuôn mặt người vợ trẻ thất thần, hoảng sợ. Hết lấy tay, Hiền lại ghé sát tai lên ngực để nghe từng nhịp tim của chồng. Chốc lát Hiền ngoảnh sang nói với anh trai của chồng, “Anh ấy yếu lắm rồi anh ạ. Nhịp tim đập yếu hơn mấy ngày trước. Em lo quá”. Nói đoạn Hiền ghé sát tai chồng van xin: “Anh ơi, xin ảnh tỉnh lại đi, đừng bỏ mẹ con em, anh đừng chết, anh hãy sống để về với con đi anh”.
Tôi cầm tấm phim chụp Xquang ghi rõ tên bệnh nhân Phạm Bá Ninh (24 tuổi, quê quán Mai Phụ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) mà người nhà cung cấp sang phòng bác sỹ nằm đối diện. Cầm tấm phim, Bác sỹ Đào Quang Hùng, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Ninh thông tin khiến tôi thực sự ái ngại. “Tình trạng của bệnh nhân Ninh là rất nặng. Bệnh nhân bị tái phát ung thư Ulympho non Hodgkin và đã di căn ra hạch cổ, tổn thương đến phổi. Thường những trường hợp đã đưa vào đây thì quá nguy kịch rồi, chỉ còn điều trị triệu chứng, kéo dài thời gian, mà kinh phí hết sức tốn kém”- bác sỹ Hùng cho biết.
Chồng Hiền bị chứng ung thư Ulympho non Hodgkin, đã xạ trị rất nhiều lần, nhưng sự sống hiện rất mong manh.
Quay trở lại phòng điều trị, người vợ trẻ thất thần, miệng mếu máo: “Anh ơi, bác sỹ nói ra sao anh? Chồng em có ổn không anh? Em sốt ruột quá. Anh ấy mà bỏ mẹ con em đi lúc này, chắc mẹ con em cũng quỵ ngã mất”.
“Chồng em ổn thôi, không sao đâu. Bác sỹ nói mọi thứ rồi sẽ tốt lên thôi em”, tôi động viên Hiền vì tôi sợ nói ra sự thật sẽ khiến cô bị sốc.
Đang thất thần về tình cảnh của chồng, điện thoại cầm tay đổ chuông. Đầu giây bên kia giọng người phụ nữ là mẹ ruột của Hiền thúc giục rõ mồn một: “Con về tranh thủ cho con bú tí, cháu nó khóc suốt vì đói, vì thèm sữa mẹ. Mẹ dỗ cháu mãi mà cháu không nín cho, con về nhanh lên con ơi”.
Tiếng mẹ dứt, Hiền nhìn chồng lớm rớm nước mắt. Cô không muốn xa chồng trong những giây phút đầy lo lắng như thế này, nhưng cô phải về vì đứa con trai 10 tháng tuổi đang chờ mẹ ở phòng trọ. “Nhờ o (người cô ruột của chồng) trông anh Ninh thay con, con về cho con bú, xong con lên ngay. Hôm nay thứ 7, con tranh thủ dậy sớm đi phụ giúp cho người ta kiếm thêm chút ít, chắc giờ cháu đói lắm rồi”- Hiền dặn cô ruột của chồng rồi vội vã rời phòng bệnh.
Tôi theo chân Hiền về phòng trọ của vợ chồng em. Không có điều kiện, vợ chồng Hiền phải thuê lại căn phòng xập xệ, tồi tàn ở khu tập thể của một xí nghiệp thời bao cấp để lại nằm sâu trong hẻm ở phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Căn phòng hơn chục m2, ẩm mốc, chỉ có mỗi cái giường cưới là có giá trị. Thương tình cảnh của người cha quằn quại vì bệnh tật ở bệnh viện bao nhiêu, tôi lại càng thắt ruột khi nhìn thấy bé Phạm Bá Nam Phong, con trai bé bỏng của vợ chồng Hiền.
10 tháng tuổi, Nam Phong chưa bao giờ được sống trọn vẹn trong niềm yêu thương, hơi ấm chăm sóc của cả bố và mẹ. Bố cháu bị ung thư đi xạ trị hết lần này đến lần khác, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Còn mẹ phải vật lộn, quần quật làm thuê kiếm tiền lo sữa, lo cháo cho chồng. Nam Phong vì thế ngày ngày cứ phải lăn lê với bà ngoại ở phòng trọ.
Chỉ kịp lấy khăn lau vội mồ hôi Hiền bế con từ tay bà ngoại. Cô bù đắp cho con trai bằng liên tiếp những nụ hôn của tình mẫu tử thiêng liêng vào đôi má của con. “Nào ngoan nào. Mẹ xin lỗi con nha. Mẹ xin lỗi con nhiều. Con phải ngoan thì mẹ mới có sức để chăm bố, đưa bố yêu về với con chứ”.
Dứt những nụ hôn cưng nựng, âu yếm con, Hiền lẩy áo cho con bú, nhưng chỉ chốc lát con trai lại khóc thét, dừng không bú nữa. Thì ra cậu bé nút mãi, nhưng bầu vú mẹ không có đủ nguồn sữa mát lành cho cụ cậu bú. “Mẹ cháu có ăn uống được gì đâu, suốt ngày lo làm lụng để nuôi chồng, nuôi con nên thiếu dinh dưỡng, sức khỏe không đảm bảo. Mẹ không có sữa nên cháu nó thường bú tí như thế rồi thôi, phải ăn sữa ngoài”- bà ngoại của cậu bé nhìn hai mẹ cháu tội nghiệp thương đứt ruột, buồn bã nói với tôi.
Đặt con xuống nền nhà, Hiền lấy bình pha sữa cho con. Thật ái ngại khi hộp sữa cuối cùng trong nhà cũng đã sắp hết trong khi tiền đã cạn kiệt. Hiền vét từng muỗng sữa ít ỏi còn lại pha cho con trai uống mà đôi tay cứ run rẫy, đôi mắt cứ cúi sầm xuống. Hiền làm vậy, vì cô muốn giấu đi khuôn mặt, không muốn người con trai thơ bé thiếu thốn của mình phải nhìn mẹ trong nỗi tuyệt vọng. “Em thấy có lỗi với cháu. Biết thế này em đã không sinh cháu ra cho đỡ tội nghiệp. Giờ là thế, mai kia ba cháu bệnh nặng hơn, cần tiền nhiều hơn chắc cháu phải ăn nước cháo, nước cơm thôi anh ạ”- Hiền lớm rớm nói với tôi.
Khi cuộc đời rơi vào cảnh éo le nhất, người ta thường bấu víu, nương tựa vào người thân. Nhưng với Hiền, đây là lúc cô cảm nhận được nỗi bất hạnh, cuộc đời sao quá bất công với cô. Chồng cô là một người mồ côi cha mẹ từ khi còn chập chững bước đi, mấy anh em bên nội ngoại ai cũng nghèo khó, ngoài tinh thần thì không giúp đỡ được gì nhiều. Hơn 100 triệu đồng tiền vay mượn đưa chồng đi xả trị mấy lần đang treo lơ lửng trên đầu, chưa biết bao giờ trả được.
Chia tay tôi, Hiền đau đớn trong tuyệt vọng: “Em bất lực rồi anh ạ. Giờ chỉ cần ai chỉ vẽ cho làm thế nào để chồng em nơi bệnh viện được khỏe lại, con em không sớm phải chịu cảnh mồ côi cha, con em có thêm sức sống để làm nguồn động viên cho em, bất luận phải trả cái giá lớn đến mấy, kể cả phải hi sinh cả tính mạng em cũng cam chịu. Em vẫn có sức đi được, chạy được, vậy mà vẫn phải nhìn cảnh chồng con như này, em đau đớn qua đi anh ạ. Có lẽ rồi em cũng gục ngã mất thôi”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn