Phát huy vai trò tổ tư vấn tâm lý là một giải pháp tìm hiểu tâm tư học sinh, sớm ngăn chặn bạo lực học đường.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An vừa có văn bản gửi đến các cơ sở giáo dục chỉ đạo tăng cường biện pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Văn bản ban hành sau khi trên địa bàn liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực có học sinh tham gia, tai nạn, thương tích, đuối nước... Gần đây nhất là vụ nữ sinh đánh nhau tại huyện Con Cuông, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn... Các vụ bạo lực chủ yếu xảy ra do mâu thuẫn cá nhân, diễn ra ngoài nhà trường, nhưng đã gây tổn thận về tinh thần, sức khỏe đối với cả học sinh, gia đình. Đồng thời ảnh hưởng đến an ninh trường học.
Để đảm bảo an ninh trường học, an toàn đối với trẻ em, học sinh, Giám đốc Sở yêu cầu trưởng các cơ sở giáo dục quán triệt, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước. Phòng chống xâm hại, bạo lực học đường, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh, an toàn trường học.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch, đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Giám đốc Sở cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho học sinh, nhà giáo, nhân viên... tuân thủ các quy định về an toàn khi tham gia các hoạt động trong đời sống hàng ngày. Thực hành nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử, phát huy hiệu quả tổ tư vấn tâm lý nhà trường.
Sớm phát hiện mâu thuẫn trong học sinh để tư vấn, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra các vụ việc bạo lực trong và ngoài nhà trường đối với học sinh.
Đặc biệt lưu ý công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh qua môi trường mạng Internet. Quán triệt, nhắc nhở học sinh không đưa các video, clip có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh, an toàn của nhà trường lên mạng xã hội. Chấm dứt tình trạng học sinh phát sinh mâu thuẫn trên mạng dẫn đến bạo lực học đường.
Hiệu trưởng nhà trường, giáo viên phụ trách Đoàn, Đội, giáo viên chủ nhiệm lớp cũng phải dành thời gian nhất định trong các tiết chào cờ, tiết sinh hoạt lớp hay các tiết hoạt động giáo dục khác để quán triệt, nhắc nhở nội dung phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng chống bạo lực học đường, đề cao văn hóa ứng xử.
Sở GD&ĐT sẽ hạ bậc thi đua, hoặc không xem xét thi đua đối với các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc không nghiêm túc triển khai thực hiện, để xảy ra nhiều vụ việc tai nạn, thương tích, đuối nước hay các vụ bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.
Hồ Lài
Theo giaoducthoidai.vn
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nghe-an-ha-bac-thi-dua-voi-phong-gd-neu-de-xay-ra-nhieu-bao-luc-hoc-duong-zglxsClMR.html