Kỳ vọng từ cây đàn hương

Thứ tư - 11/01/2023 06:46
Loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này hứa hẹn mang lại sự thay đổi lớn cho người nông dân nhiều địa phương trong xu hướng thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình
Vài năm trở lại đây, việc chuyển đổi cây trồng từ những cây kém hiệu quả sang những loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao hơn đang là hướng đi của nhiều địa phương. Cây đàn hương là một trong những loại cây có giá trị được người nông dân nhiều nơi chọn trồng thử nghiệm và thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cây "hoàng kim của rừng xanh"

Đàn hương có tên khoa học là Santalum album L, họ đàn hương (santalaceae). Cây có nguồn gốc ở Đông Timor, phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam), Indonesia. Tại Việt Nam, cây đàn hương đã được đưa ra nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công ở một số diện tích thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bình Định.

Gia đình bà Nguyễn Thị Biên, thuộc xóm Hồng Bình, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An có gần 1,5 ha đất vườn trước đây trồng cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2020, qua tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, gia đình bà thấy cây đàn hương được ví là "hoàng kim của rừng xanh" bởi giá trị kinh tế cao nên mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.
 
D2023011107 1
Cây đàn hương con Ảnh: HUY NHƯỜNG

Biết được cây đàn hương phù hợp trồng xen với nhiều loại cây ăn trái khác, nhất là với cây ổi, nên gia đình bà Liên mạnh dạn trồng thực nghiệm. Toàn bộ diện tích gần 1,5 ha được quy hoạch bài bản, trồng hơn 300 cây đàn hương kết hợp với 600 cây ổi Đài Loan (Trung Quốc). "Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cây đàn hương phát triển tốt. Mô hình xen canh ổi với cây đàn hương là mô hình lấy ngắn nuôi dài, ổi nhanh cho thu hoạch, giá bán tương đối cao nên hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần cây cam, quýt. Mô hình này vừa tận dụng được công bón phân, phun thuốc, công chăm sóc. Ngoài ra, khi trồng xen canh cây ổi với cây đàn hương, bóng râm của cây này có thể giúp cây ổi không bị nám lá và cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây ổi. Đó là cái hay của mô hình trồng xen" - bà Liên đúc kết.

Ông Trần Nên (ở thôn 7, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) biết cây đàn hương thích hợp trồng trên đất phẳng có độ dốc nhẹ, đất có lõi đá, sỏi nên quyết định đưa giống cây đàn hương về trồng thử trên đất nhà. Cuối năm 2021, gia đình ông bắt đầu thu hoạch lá đàn hương vụ đầu tiên, đem phối trộn lá với hoa tam thất, sao chế ra loại trà thảo dược đàn hương tam thất, có công dụng bảo vệ gan, giảm nguy cơ về tim mạch cho người bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Trà do ông Nên làm ra mang thương hiệu Ánh Nên, được thị trường trong nước tiêu thụ hết.

Còn anh Nguyễn Quang Tòa (ngụ xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) liên kết với Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm Việt Nam (gọi tắt là Viện Đàn hương - PV) để mua giống chất lượng và trồng thử nghiệm trong vườn nhà mình. Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng khá thích hợp, đến nay, lứa cây đàn hương đầu tiên của gia đình anh sinh trưởng, phát triển rất tốt đã cho thu hoạch lá và quả cung ứng lại cho Viện Đàn hương. Anh Tòa cho biết cây đàn hương sinh trưởng và phát triển rất tốt trên vùng đất Tây Nguyên, có kết quả bất ngờ vì tạo lõi gỗ nhanh chỉ sau 3 năm (đạt vanh từ 40 - 60 cm, có độ cao từ 4,5 - 7 m). Các chuyên gia Ấn Độ cũng phải ngỡ ngàng vì tốc độ phát triển của cây đàn hương tại Việt Nam.

Đàn hương có nhiều giá trị sử dụng. Lõi gỗ được dùng để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, hàng nội thất cao cấp; sản xuất mỹ phẩm dưỡng da. Rễ cây được nghiền ra lấy bột sử dụng nhiều trong công nghệ làm đẹp, sản xuất các mỹ phẩm cao cấp, dưỡng da tự nhiên. Giác gỗ và cành nhỏ được nghiền lấy bột sử dụng trong ngành mỹ phẩm, chăm sóc da, làm đẹp. Lá cây được chế biến thành trà, nước uống cao cấp. Quả và hạt được dùng để ăn, chiết xuất tinh dầu…
 
D2023011107 2
Cây đàn hương trưởng thành Ảnh: HUY NHƯỜNG

Đàn hương là cây gỗ dễ trồng, ít phải chăm sóc. Sau 8 - 10 năm, cây sẽ cho khai thác, mật độ trồng 1.000 - 1.500 cây/ha, thu được lõi 30 kg/cây; hiện nay có giá bán khá cao, tùy thời điểm. Nhưng từ năm thứ tư, cây đã cho nguồn thu từ lá để làm trà cao cấp và hạt dùng để chiết xuất tinh dầu.

Tiến sĩ Vũ Văn Thoại, Viện Đàn hương, cho biết: "Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm đã liên kết với Công ty Sao Thái Dương để sản xuất một số loại kem dưỡng da từ hạt đàn hương và trà từ lá cây đàn hương, có tác dụng thải chất độc trong máu. Do đó, các sản phẩm từ cây đàn hương hiện đang được viện bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm canh tác loại cây này. Để có vùng nguyên liệu cung ứng cho kế hoạch sản xuất sản phẩm từ đàn hương, viện đang lên kế hoạch liên kết với nông dân trồng khoảng 4.000 ha cây đàn hương. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, viện nghiên cứu ở Ấn Độ để bảo đảm nguồn giống, từ đó nhân giống bằng các phương pháp khác như nuôi cấy mô cho ra những giống cây thuần chủng, sạch bệnh". 
Trên thị trường Ấn Độ hiện nay, 1 kg lõi gỗ đàn hương có giá 350 USD, về đến Việt Nam nó có giá 450 USD, sang tới thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Arab giá khoảng 600 USD. Trong công nghệ sản xuất mỹ phẩm, giá mỗi ký cành đàn hương tại thị trường Việt Nam hiện nay khoảng 3 triệu đồng, rễ cây đàn hương có chứa rất nhiều tinh dầu, loại tinh dầu đa năng được ví như “giọt vàng”, có giá khoảng 4.500 USD/kg.
Mộc Lan
Theo  Nld.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây