Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Hãy dấn thân làm nông nghiệp bền vững và trách nhiệm

Chủ nhật - 22/01/2023 09:49
Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ với Tạp chí Kinh doanh (VnBusiness) về một năm đã qua và cả những kỳ vọng cho năm mới. Đặc biệt, "Tư lệnh" ngành Nông nghiệp đã gửi đi thông điệp năm 2023 tới nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, đó là hãy bắt đầu dấn thân cho hành trình thay đổi để phát triển nông nghiệp bền vững và trách nhiệm.
D20230122012 1
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Thưa Bộ trưởng, nhìn lại một năm 2022 với quá nhiều thách thức hiển hiện như dịch bệnh, xung đột quân sự, lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn… Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã vượt qua thách thức và gặt hái được những thành công ra sao?

Mở đầu cho những nhận định đánh giá, tôi muốn nêu ra một quan điểm đó là: “Thay đổi một suy nghĩ, một cách tiếp cận thì chúng ta thay đổi được hành trình”.

Theo đó, để kết lại một năm 2022 thì dù còn nhiều khó khăn như dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng cung cầu, chi phí logistics tăng cao… Kết quả đến thời điểm này là thành quả đáng tự hào, tự hào không chỉ nằm ở con số, mà còn là sự đánh giá rất cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong bối cảnh bất định, biến động phức tạp, làm rõ vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế. Sứ mệnh của nông nghiệp không chỉ giải quyết tăng trưởng mà còn giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động nông thôn.

Cùng với đó, rõ ràng tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, bén rễ vào suy nghĩ của nông dân, doanh nghiệp, HTX... không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy sản lượng làm mục tiêu hướng đến mà chuyển sang tư duy tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế quốc tế.

Vai trò định vị thị trường quan trọng hơn đầu ra, vai trò kiến tạo của một ngành nông nghiệp, kiến tạo không gian thị trường phát triển trong năm 2022 được thể hiện rõ ràng. Ngành nông nghiệp mở cửa được rất nhiều thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chứng minh nông sản Việt có thể đảm bảo yêu cầu của thị trường khó tính nhất.

Những mô hình nông nghiệp mới như lúa tôm, lúa rươi, phát triển du lịch nông nghiệp… ra đời gợi mở cho Bộ NN&PTNT rất nhiều ý tưởng về việc nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Đó là giá trị liên kết giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; giữa Nhà nước với bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp. Đó là giá trị bao trùm trong năm 2022.

Vậy, đâu là nền tảng quan trọng để ngành nông nghiệp gặt hái thành tựu thưa Bộ trưởng?

Tôi xin khẳng định, khó khăn thách thức luôn luôn bám theo ngành nông nghiệp, bởi đây là ngành nhạy cảm, xuống giống thì vài tháng đến cả năm mới thu hoạch. Hay nói cách khác là câu chuyện được mùa mất giá như lời nguyền mãi mãi đi theo.

Ngành nông nghiệp phải xây dựng chuỗi, trong đó có sự hợp tác của người sản xuất với nhau, hợp tác của doanh nghiệp, hình thành tư duy hợp tác và tư duy liên kết. Nếu không hình thành tổ chức chuỗi, ngành hàng thì không có thông tin về thị trường, sản xuất theo kiểu “đánh bài, đánh cược”.

Tôi hay nói với chính quyền địa phương rằng, làm sao để người nông dân phải hợp tác với nhau như mô hình “Hội quán Đồng Tháp, ngôi nhà trí tuệ của Hà Tĩnh… Dần dần hình thành tổ chức kinh tế tập thể, HTX”.
 
D20230122012 2
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (giữa) cùng lãnh đạo tỉnh Yên Bái thăm vườn chè cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái).

Chúng ta cần nhìn lại cách tổ chức, vận hành ngành hàng, từ đó giúp ngành nông nghiệp chống chịu vượt qua rủi ro thị trường. Câu chuyện bà con đốn cây trồng khác để trồng sầu riêng là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp, quản lý kinh tế thị trường không có quyền áp đặt bà con không trồng sầu riêng mà phải thông tin thị trường nhiều nhất để bà con hiểu rõ, đừng chuyển rủi ro ngành này sang ngành hàng khác, xây dựng ngành hàng quy mô lớn để bảo quản, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm hơn.

Ví dụ, Bộ NN&PTNT đang làm triển khai chương trình xây dựng vùng nguyên liệu lớn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX. Đồng thời, hỗ trợ nông dân thông qua HTX để nâng cao chuỗi giá trị, đa dạng hóa sản phẩm hơn, giá trị gia tăng lúc đó mới cao hơn bán nông sản thô, đỡ sức ép mùa vụ, rủi ro thị trường.

Bộ trưởng có nhấn mạnh tới tư duy liên kết, hợp tác. Vậy, Bộ trưởng có thể chia sẻ nhiều hơn về làm thế nào để HTX phát huy thêm sức mạnh?

Thực tế cho thấy các HTX cần phải liên kết thành Liên hiệp HTX để đảm nhiệm các công việc bảo quản, sơ chế, chế biến, thay vì chỉ dừng lại ở việc thu gom sản phẩm cuối cùng để bán cho doanh nghiệp.

Tôi kỳ vọng các HTX nông nghiệp của Việt Nam sẽ hướng tới việc chuyên môn hóa như chuyên về cung cấp thiết bị, công cụ sản xuất cho nhiều HTX khác. HTX phải hoạt động đúng nghĩa, tập hợp được nhiều người sản xuất.

Chúng ta bắt đầu bước sang nền kinh tế chia sẻ, tôi đi nhiều nơi và thấy rằng nhiều HTX bày tỏ mong muốn cần nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, rõ ràng Nhà nước sẽ cùng doanh nghiệp đầu tư nhưng không thể đầu tư từng HTX nhỏ lẻ mà phải có từng cụm liên kết ngành hàng theo từng cấp huyện.
 
D20230122012 3
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khảo sát chợ đầu mối Bình Điền lúc rạng sáng.

Vì vậy, chính các HTX phải ngồi lại, liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh. Chúng ta cần có cách nào đó dẫn dắt câu chuyện hình thành liên kết giữa các HTX với nhau. Đơn cử như ở Thái Lan, nguyên một huyện chỉ có 1 HTX nhưng với quy mô rất lớn. HTX đó xây nhà kho trữ thóc, đa dạng sản phẩm chế biến... Với quy mô như thế sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng chuỗi ngành hàng, tạo ra nhiều việc làm nông thôn.

Năm 2023 đã đến, Bộ trưởng muốn gửi đi thông điệp gì tới bà con nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp về câu chuyện chuyển đổi để xây dựng ngành nông nghiệp hài hòa, bền vững, đa giá trị?

Những kết quả đạt được trong năm 2022 rất vui, nhưng chúng ta cũng cần xác định tư duy lúc nào cũng khó khăn. Năm 2023 có thể sẽ khó khăn hơn, lạm phát toàn cầu thẩm thấu, lan tỏa. Thế giới thay đổi không thể nào chúng ta bắt họ đứng yên mà phải có kế hoạch chủ động thích ứng, để đáp ứng quy chuẩn thị trường ngày càng khắt khe hơn.

Người châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ chú trọng truy xuất nguồn gốc, họ mua hàng không chỉ tiếp nhận giá cả, chất lượng mà còn là quy trình canh tác không tác động tới môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học. Thẻ vàng IUU là minh chứng, tiêu dùng hải sản không phải là độ ngon của tôm, mực mà còn quan tâm đánh bắt có vi phạm pháp luật quốc tế, tác động tới thiên nhiên hay không; cà phê và hạt điều truy xuất nguồn gốc trồng ở đâu… Đó là những sức ép thay đổi. Đứng trước sức ép thay đổi, chúng ta phải chủ động thay đổi sẽ đỡ rủi ro hơn, đây cũng chính là định vị nền nông nghiệp bền vững, thay đổi không phải cho người ta mà cho chính mình.

Do vậy, tôi muốn gửi đi thông điệp năm 2023 đó là mọi thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn nữa, tôi mong cộng đồng nông dân, HTX, doanh nghiệp cần bắt đầu dấn thân hành trình thay đổi.

Chính phủ cam kết, nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm. Những thông điệp này cần được chuyển hóa bằng hành động cụ thể, mọi quyết tâm chính trị được kiểm hóa bằng thực tiễn sản xuất của nông dân, HTX, doanh nghiệp. Vấn đề là nông dân, HTX, doanh nghiệp phải mạnh dạn dấn thân, thay đổi cho hành trình xây dựng nền nông nghiệp bền vững và có trách nhiệm.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lê Thúy thực hiện
Nguồn Tạp chí Kinh doanh

Link gốc: https://vnbusiness.vn/viet-nam/bo-truong-bo-nn-amp-ptnt-hay-dan-than-lam-nong-nghiep-ben-vung-va-trach-nhiem-1090014.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây