|
Dự án nạo vét sông Đáy bị đội vốn thêm hơn 7.600 tỷ đồng, tính trung bình, để nạo vét 1km tiêu tốn hết khoảng 126 tỷ đồng (Ảnh: Thái Bá/Dân trí) |
Dự án do Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư, với vốn thực hiện ban đầu là 2.078 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thời gian triển khai từ năm 2010 đến năm 2015.
Dự án này được UBND tỉnh Ninh Bình giao chỉ định thầu cho Tập đoàn Xuân Thành Ninh Bình thực hiện, mặc dù theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2012, dự án Nạo vét sông Đáy không được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Luật Đấu thầu và Nghị định 58 (2008).
Ngoài ra, dự án này còn được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt khi chưa có báo cáo kết quả thẩm định.
Kết quả là, chỉ sau 2 năm thực hiện, dự án đã đội vốn từ hơn 2.000 tỷ ban đầu lên 9.720 tỷ. Với tổng chiều dài 77 km, có thể thấy nạo vét 1km sông Đáy sẽ tốn khoảng 126 tỷ đồng.
So sánh với bối cảnh hiện nay, với chủ trương xã hội hoá cho các doanh nghiệp nạo vét tận thu cát sỏi mà Cục Đường thuỷ Nội địa (Bộ GTVT) đang thực hiện tại nhiều địa phương thì dự án nạo vét sông Đáy sẽ không tiêu tốn nhiều nghìn tỷ đồng của Nhà nước đến thế.
Thậm chí, theo một số chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực nạo vét luồng lạch tại các con sông ở các tỉnh phía Bắc: với chủ trương xã hội hoá hiện nay của Bộ GTVT cho doanh nghiệp tận thu vật liệu, thì Nhà nước sẽ không phải tiêu tốn ngân sách. Việc bán vật liệu tận thu sẽ đủ kinh phí để chi trả nhân công máy móc thực hiện việc nạo vét.
Quay trở lại với các dự án đội vốn tại Ninh Bình, Kết luận của Thanh tra Chính phủ (năm 2012) về công tác quản lý đầu tư các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn vay và tài trợ của nước ngoài trong giai đoạn 2005 – 2011 cho thấy, ngoài dự án đội vốn ‘khủng’ nói trên, còn có 9 dự án khác đều đồng loạt đội vốn từ hàng chục đến hàng nghìn tỷ đồng.
Đơn cử như dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 (đội vốn hơn 850 tỷ), dự án Xây dựng nâng cấp đường tỉnh ĐT477B (đội vốn hơn 1.100 tỷ), dự án Nâng cấp đê hữu sông Hoàng Long và sông Đáy đoạn từ Bái Đính đi Kim Sơn (đội vốn hơn 2.150 tỷ), dự án Nâng cấp đê hữu Hoàng Long, đê Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân (đội vốn hơn 560 tỷ), dự án Nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long (đội vốn hơn 430 tỷ đồng)…
Được biết, Tập đoàn Xuân Thành (đổi tên thành Thaigroup từ năm 2015) là nhà thầu lớn ở Ninh Bình, đã trúng thầu nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh này với mức đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng.
Chỉ trong vài năm, tập đoàn tư nhân này đã thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp đê Hữu Đáy đoạn qua TP Ninh Bình (từ K8+380 đến K32+400) với số vốn hơn 3.550 tỷ đồng, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Ninh Bình với số vốn hơn 2.670 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xử lý cấp bách hệ thống chống ngập lụt TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư với số vốn là hơn 1.699 tỷ đồng, Dự án Quản lý và xử lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình với số vốn hơn 1.198 tỷ đồng, Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình với số vốn trên 1.400 tỷ đồng…
Nam Hồng