Thời gian qua, có khá nhiều các dự án đầu tư trong đó, có nguồn vốn nhà nước bị đội vốn lên con số khá lớn, gây lãng phí, bức xúc dư luận. Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính. Ảnh:VGP/Huy Thắng |
Trong đó, đối với các nguyên nhân chủ quan, cần có phân tích đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm.
Tuy nhiên, nguyên nhân chung là do chất lượng khâu lập dự án ban đầu kém, dự án được lập sơ sài, thiếu thực tế. Chất lượng thẩm định không cao hay như khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian (có thể do giải phóng mặt bằng chậm, vốn bố trí không đủ, nhà thầu không đủ năng lực, thi công kéo dài, hay thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện).
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian gần đây có các dự án đầu tư công đội vốn nghìn tỷ. Điển hình như dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình được điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng. Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) ban đầu chỉ có mức đầu tư 1.850 tỷ đồng nhưng sau một thời gian thì đội thêm hơn 2.500 tỷ đồng, lên 4.400 tỷ đồng thế nhưng dự án vẫn thi công ì ạch và liên tiếp xin gia hạn.
Việc đội vốn khủng đã khiến cho ngân sách nhà nước vốn eo hẹp càng chịu áp lực lớn hơn trong bối cảnh các nguồn vốn đi vay nợ nước ngoài cũng dần phải tiến tới cơ chế trả lãi theo thị trường.
Ông Lê Tuấn Anh khẳng định pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng) đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng đã quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án.
“Do đó, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh, “đội vốn” không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cần phải tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn quyết định đầu tư. Giám sát, kiểm tra nghiêm túc, chế tài xử lý mạnh và ngay các dự án đội vốn”, ông Lê Tuấn Anh nêu giải pháp.
Theo số liệu Bộ Tài chính vừa công bố, 4 tháng đầu năm, thu ngân sách ước đạt 446,4 nghìn tỷ đồng, tổng chi khoảng 410 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi thường xuyên chiếm tới 73,5% tổng chi. Trong khi đó, theo dự toán chi NSNN năm 2018, cơ cấu chi đầu tư phát triển chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39%, chi thường xuyên chiếm 61,76%.
“Về cơ bản, tình hình quản lý chi thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực.Tuy nhiên, tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề xã hội bức xúc”, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước nói.
Một trong những giải pháp kiểm soát chi mà Bộ Tài chính đưa ra và tiên phong thời gian qua đó là khoán xe công, quản lý trụ sở công.
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết có khá nhiều Bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước thực hiện phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, như Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng…
Trong đó, có một số Bộ, địa phương áp dụng khoán mở rộng cho nhiều đối tượng như Bộ Tài chính, UBND TPHCM, Hà Nội…
"Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công, giảm kinh phí, số lượng nhân viên lái xe, giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính, nhưng các công việc, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và các chức danh thực hiện khoán được thực hiện bình thường”, ông Trần Đức Thắng khẳng định.
Nguồn tin: VGP
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn