Hà Tĩnh mạnh bạo giao đất rừng cho dân làm chủ

Thứ hai - 28/05/2018 17:25
Từng nổi tiếng với rất nhiều vụ việc phá rừng động trời nhưng sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, miền rừng Hà Tĩnh đã yên, đặc biệt, 27.000 hộ dân gần rừng đã có thể sống khỏe nhờ rừng mà hoàn toàn không vi phạm pháp luật.

* Trên 70.000ha đất lâm nghiệp được giao cho 27.000 hộ tự chủ sản xuất  

Giao hơn 70.000ha đất lâm nghiệp

Trước năm 2013, hàng loạt vụ việc phá rừng quy mô lớn, có tổ chức xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh. Những cánh rừng nguyên sinh ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang... lần lượt tứa máu vì lâm tặc. Nhiều vụ việc được cơ quan chức năng phanh phui, không ít đối tượng phải ngồi bóc lịch trong nhà lao nhưng cũng rất nhiều vụ việc bị chìm vào quên lãng.

10-33-22_3
Số vụ phá rừng và cháy rừng giảm theo từng năm nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Kiểm lâm

Điển hình là vụ phá rừng “khủng” xảy ra tại địa bàn xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn bị phanh phui vào tháng 6/2012. Thông qua sự tiếp tay của cán bộ bảo vệ rừng, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, lâm tặc đã khai thác, vận chuyển hơn 716m3 gỗ từ nhóm III - VIII đi tiêu thụ. Ngay sau đó, 15 đối tượng gồm cả những cán bộ bảo vệ rừng bị đưa ra xét xử trước vành móng ngựa về các tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng, vi phạm các quy định về quản lý rừng và tội đưa, nhận hối lộ.

Sau vụ phá rừng động trời trên, năm 2013 thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc, xây dựng kế hoạch tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng, bảo vệ rừng tại gốc. Đặc biệt, để giảm áp lực vào rừng, ngày 6/12/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3952 phê duyệt Đề án “giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh Hà Tĩnh”. Đề án này ra đời đã thay đổi hoàn toàn cục diện lĩnh vực lâm nghiệp Hà Tĩnh. Riêng người dân sống gần rừng vô cùng phấn khởi, họ bắt đầu phát triển kinh tế trang trại, vườn đồi, nâng cao sinh kế, từ đó gia tăng ý thức bảo vệ rừng bền vững.

Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho hay, mục đích của việc giao đất, giao rừng là trao cho người dân “cần câu” thay vì “con cá”. Khi bà con có tư liệu sản xuất họ sẽ hạn chế vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã. Theo đó, trong thời gian 4 năm (2014 - 2017), toàn tỉnh đã giao được 42.372ha đất lâm nghiệp và cấp giấy CNQSDĐ lâu dài cho 15.968 hộ, cộng đồng trên địa bàn 138 xã/12 huyện, đưa tổng diện tích giao cho hộ gia đình, cá nhân lên đạt 71.410 ha/gần 27.000 hộ. “Đề án giao đất, giao rừng đã mang lại hiệu quả về mặt xã hội và kinh tế rất lớn. Nhiều địa phương như Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Can Lộc... đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển hơn 570 mô hình sản xuất nông lâm kết hợp trên đất lâm nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, 46 mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng; 79 mô hình doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng”, ông Huấn nhấn mạnh.  

Triệu phú, tỷ phú rừng trồng

Song song với thực hiện đề án giao đất, giao rừng, để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, trong 5 năm qua (2013 - 2017) toàn tỉnh Hà Tĩnh đã nâng cấp, hình thành 5 cơ sở sản xuất giống lâm nghiệp đạt loại A, đảm bảo cung ứng trên 12 triệu cây giống chất lượng/năm; góp phần phát triển hơn 23.300ha rừng nguyên liệu thâm canh; trồng mới 2.250ha rừng gỗ lớn; đưa năng suất rừng trồng từ 70 m3/ha (năm 2013) lên 85 m3/ha (năm 2017); sản lượng gỗ khai tháng hằng năm từ 285.000m3 lên 420.000m3.

10-33-22_1
Đầu tư nâng cấp, xây dựng các cơ sở cung cấp giống là một trong những giải pháp Hà Tĩnh đã và đang thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp

Trước đây khi rừng còn giàu, người dân chỉ chăm chăm vào khai thác gỗ, diện tích đất trống đồi núi trọc tại các địa phương bỏ hoang nhan nhản. Tuy nhiên, sau chủ trương đóng cửa rừng, công tác bảo vệ rừng được siết chặt thì đất lâm nghiệp trở thành “đất vàng”. Nhà nhà cần đất, người người cần đất trồng rừng. Riêng với 27.000 hộ được giao đất theo Đề án 3952, sau khi nhận đất hầu hết đều sản xuất hiệu quả diện tích được giao, có những hộ trở thành triệu phú, tỷ phú miền biên viễn. Hộ ông Trần Xuân Lý ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn là một ví dụ.

Năm 2014 ông Lý được giao 4ha đất rừng giang nứa, lau lách ở vùng Làng Tròn, giáp con sông Ngàn Phố. Sau khi nhận đất, ông làm đơn gửi lên chính quyền và cơ quan chức năng xin chuyển đổi, sẻ phát trồng keo nguyên liệu. Hiện tại, toàn bộ diện tích keo đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến khoảng 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch. “Vì gia đình tôi đông người, nhân công không phải thuê nên mỗi ha đầu tư chỉ hết khoảng 15 triệu đồng, vài năm nữa thu hoạch ước đạt trên 200 triệu, sau khi trừ chi phí ít nhất chúng tôi cũng cầm chắc trong tay hơn 100 triệu. Nếu so sánh với sản xuất các cây trồng, vật nuôi khác thì không có gì lãi bằng trồng rừng. Vừa khỏe, vừa lợi nhuận cao”, ông Lý chia sẻ.

Khác với ông Lý, anh Lê Khánh Toàn ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang vừa trồng rừng vừa sản xuất kinh tế trang trại tổng hợp với đủ các loại cây, con.

Năm 19 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa tìm cách “ly hương” để thoát nghèo thì Toàn vẫn quyết tâm bám trụ làng quê, đồi núi, mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Lấy sức trẻ làm vốn liếng, năm 2001, Toàn bắt đầu đầu tư đồng vốn ít ỏi trồng cây ngắn ngày như mía, sắn, nuôi gà trên 3ha đất. Cứ thế, lấy ngắn nuôi dài, có thêm chút vốn nào anh lại lặn lội đến các trung tâm giống mua cam về trồng; đồng thời nuôi thêm trâu, bò, gà. Quy mô sản xuất nâng lên theo từng năm. Hiện anh Lê Khánh Toàn đang sở hữu 9ha đất trang trại; trong đó 3ha cam với gần 1.000 gốc, mỗi năm cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng; 2ha cam đang thời kỳ kiến thiết cơ bản; 2ha keo; 2ha trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Theo anh Toàn, tính sơ sơ, bình quân mỗi năm thu nhập từ trang trại đạt vài tỷ đồng.

10-33-22_4
Hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn Hà Tĩnh trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ trồng rừng kết hợp phát triển kinh tế trang trại

Như vậy, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp, phải khẳng định đề án 3952 của tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần rất lớn thay đổi nhận thức của người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ rừng cũng như quyền lợi mà họ được thụ hưởng từ rừng, từng bước hạn chế tối đa những tác động tiêu cực vào rừng.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GTSX) lĩnh vực lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2017 đạt 7,2%/năm; tổng GTSX năm 2017 đạt 1.275 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2013; độ che phủ rừng đạt 52%. Từ nay đến 2020 Hà Tĩnh đặt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng GTSX đạt trên 10%/năm; tỷ trọng các sản phẩm gỗ nguyên liệu, cao su/GTSX ngành lâm nghiệp trên 80%; độ che phủ rừng đạt trên 56%.

Tác giả bài viết: THANH NGA

Nguồn tin: Ngâ

 Từ khóa: đất rừng, hà tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây