Nguồn vật liệu dồi dào đang bị “bỏ quên”?
Chương trình phát triển xây dựng NTM ở tỉnh Hà Tĩnh đang đi vào giai đoạn quyết liệt và lan tỏa. Nếu như Hà Tĩnh muốn 100% xã về đích nông thôn mới như mục tiêu đã đề ra thì tỉnh này cần một biện pháp tối ưu hơn cho nguồn vật liệu thay thế với giá thành rẻ, chất lượng tương đương để xây dựng hạ tầng.
Theo một nhà thầu cho hay, nếu tính toán về mặt kinh tế, mỗi chuyến đất để san lấp mặt bằng có giá từ 80 - 100 nghìn, thì xỉ than đáy lò chỉ mất khoảng 10 - 20 nghìn đồng. Còn nếu tính về mặt bảo đảm môi trường, hiện khoa học đã chứng minh nguồn vật liệu này hoàn toàn đảm bảo. Cụ thể, ngày 31/7/2018, xỉ đáy lò của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng được Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn. Phù hợp với Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6882:2016 là sản phẩm làm phụ gia khoáng cho xi măng.
Giấy chứng nhận hợp chuẩn của Viện VLXD (Bộ Xây dựng)
Tương tự, sản phẩm tro bay của Nhà máy đã được Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng cấp giấy chứng chất lượng phù hợp với Quy chuẩn Việt Nam QCVN 16:2014/BXD số 241/2016VKH ngày 16/12/2016. Đây là sản phẩm dùng làm phụ gia tro bay hoạt tính, dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng, vật liệu xây dựng, gạch không nung…
Không những thế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23/09/2014 quy định về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Quyết định chỉ rõ: Xử lý tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm diện tích đất dùng làm bãi chứa chất thải, góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên làm vật liệu xây dựng, bảo đảm phát triển bền vững.
Mặc dù đã có sẵn “chiếc gậy” pháp lý trong tay, Hà Tĩnh lại có lợi thế về nguồn nguyên liệu tro xỉ ở ngay trong tỉnh. Thế nhưng, tỉnh này vẫn chậm chạp trong quá trình đưa vật liệu thay thế vào xây dựng nông thôn mới và san lấp hạ tầng kỹ thuật ở các dự án trọng điểm. Trong khi mỗi năm, địa phương này đào bới hàng triệu khối đất, cát khiến tài nguyên thất thoát, ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy khác.
Ông Nguyễn Trọng Thạch- Phó Giám đốc Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh cho biết: Sản phẩm phụ gia hoạt tính tro bay, xỉ đáy lò của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 vừa qua đã được nhiều công ty, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trong và ngoài tỉnh tin dung, sử dụng vào việc sản xuất vật liệu xây dựng. Theo ông Thạch, việc tái sử dụng xỉ đáy lò, tro bay từ các nhà máy nhiệt điện để làm phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng và làm đường giao thông được nhiều nước trên thế giới thực hiện, đem lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, nhiều bãi xỉ, tro của nhà máy nhiệt điện than tại Nhật Bản, Hàn Quốc gần như trống trơn ngay khi bị thải ra do các đối tác tiêu thụ rất nhanh. Trong khi đó ở Hà Tĩnh, các loại xỉ, tro nhiệt điện được xem là rác thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
“Ở Việt Nam điển hình Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, mỗi ngày đều đặn những chiếc xe bồn của 4 đơn vị thầu bao tiêu mua gom tro xỉ của nhà máy túc trực chờ chở tro xỉ nhà máy này thải ra”, ông Thạch chia sẻ thông tin
Được biết mới đây, tại Thành phố Hà Tĩnh, nhiều công trình hạ tầng giao thông của các phường bắt đầu sử dụng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện về làm nền đường thay cho các loại vật liệu khác và đang rất hiệu quả. Cụ thể, Phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh đã mạnh dạn sử dụng gần 200 tấn tro xỉ từ nhà máy về làm nền đường trên địa bàn phường.
Khi sử dụng, có những đoạn dày hơn 60cm, sau khi lu lèn, kỹ thuật đo kiểm định cho thấy độ nén đảm bảo chất lượng. Nhiều phường, tổ dân phố khác trên địa bàn TP. Hà Tĩnh cũng đã sử dụng loại vật liệu này thay thế cho các loại vật liệu thông dụng, đảm bảo chất lượng, giảm giá thành.
Tương tự, Nhà máy Sản xuất Vật liệu xây dựng Trần Châu (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) đang sử dụng 17 - 20% chất phụ gia là tro bay, tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 sản xuất sản phẩm gạch, ngói không nung. Đây là vật liệu được các chuyên gia Nhật Bản, CHLB Đức khuyến khích đưa vào sử dụng bởi đảm bảo độ bền cao và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, sử dụng phụ gia này cũng làm giảm đáng kể giá thành sản phẩm.
Tỉnh chưa“mặn mà”,“tài nguyên” quý… bị tuồn ra ngoài
Những năm về trước, Hà Tĩnh là tỉnh có chính sách cấp mỏ rầm rộ. Chỉ tính riêng về đất đá, đã có gần 100 mỏ đất đá được cấp phép hoạt động, bên cạnh đó tình trạng đất, cát tặc ngang nhiên hoạt động khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Chính vì những chính sách mở, cộng thêm sự thiếu quyết liệt trong công tác quản lý của chính quyền địa phương cho nên nguồn tài nguyên bị thất thoát, lãng phí.
Theo thông tin từ cơ sở, mỗi ngày trên dòng sông La ( địa bàn các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân) có không dưới chục địa điểm khai thác cát hợp pháp; chưa kể đội ngũ tàu thuyền khai thác cát lậu xuyên đêm trên dòng sông này. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Hương Khê cũng có hàng chục điểm khai thác cát lậu gây thất thoát lớn nguồn tài nguyên. Còn tại các huyện Can Lộc,Thạch Hà, trong thời điểm tháng 3 - 4/2018, các cơ quan thông tin đại chúng đã phản ảnh có gần chục điểm khai thác đất “lậu”. Tuy nhiên, chính quyền sở tại cũng chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở, hoặc phạt hành chính nên không đủ sức răn đe.
Trong khi Hà Tĩnh đang “chần chừ” với nguồn tài nguyên dồi dào này thì nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất VLXD các địa phương khác như: Nhà máy xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Công ty Mi Sơn (Hải Phòng), NMXM Sông Gianh (Quảng Bình) đã nhanh tay ký kết hợp đồng với Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh để thu mua nguồn vật liệu giá rẻ này. Thậm chí, ngay cả quốc gia láng giềng như Lào cũng đã đặt mua 3 triệu tấn với giá thành 68 USD/tấn.
Ông Dương Tất Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: hiện nay, Hà Tĩnh đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng NTM, đô thị văn minh... do đó nhu cầu làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, cứng hóa các tuyến đường đô thị để phục vụ cho việc đi lại, sản xuất của nhân dân đòi hỏi một nguồn vật liệu khá lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại vật liệu: đất, đá, cát, sỏi làm nền đường khiến hao tổn nguồn tài nguyên khoáng sản, đẩy giá thành lên cao. Đây là bài toán khó đối với nhiều địa phương. Nếu vận dụng nguồn nguyên liệu từ tro bay, xỉ đáy lò sẽ hạn chế sử dụng tài nguyên khoáng sản và nhiều lợi thế kép từ hai phía.
Như vậy, có thể khẳng định nguồn xỉ, tro bay, rác thải từ Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh là vật liệu thay thế rất tốt cho các loại vật liệu khác. Quan trọng hơn, giá thành rất rẻ, thậm chí là 0 đồng. Vậy đâu là lý do mà Hà Tĩnh vẫn còn bỏ ngỏ nguồn vật liệu này?
Thiết nghĩ, đã đến lúc tỉnh Hà Tĩnh phải nhận thức được bài toán thay thế các vật liệu khác. Quan trọng hơn phải có những biện pháp tuyên truyền đến với người dân, có như vậy Hà Tĩnh mới được hưởng lợi từ vật liệu tốt, giá rẻ sẵn có.
Ngân Nga