Cụ thể, trong 12 nhóm ngành hàng bán lẻ có 11 nhóm hàng có sức mua tăng so với cùng kỳ năm trước (trừ nhóm hàng hóa ô tô con giảm 7%). Một số nhóm hàng sức mua tăng mạnh như: Lương thực, thực phẩm ước đạt 2.228 tỷ đồng (tăng 24,3%); đá quý, kim loại quý ước đạt 83,3 tỷ đồng (tăng 63,5%); hàng may mặc ước đạt 304 tỷ đồng (tăng 82%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 538,5 tỷ đồng (tăng 60%)...
Mặc dù sức mua tăng nhưng thị trường hàng hóa cũng được đánh giá là diễn ra ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân không xảy ra tình trạng đột biến về giá cả, thiếu hụt hàng hóa.
Theo đánh giá của ngành chức năng, tháng 1-2023 là tháng cao điểm mua sắm Tết nên sức mua tăng mạnh. Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng và đưa ra nhiều chương trình, hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút khách hàng.
Thị trường hàng hóa tập trung vào các mặt hàng phục vụ cho dịp Tết như: Lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình...
Theo dự báo, hoạt động kinh doanh thương mại tiếp tục tăng trưởng tốt, các hoạt động du lịch vào mùa sẽ góp phần kích cầu hoạt động mua sắm trên địa bàn tỉnh trong những tháng tới.
Theo Tiến Hoàng/KTDU