Mở đường để nông sản Hà Tĩnh vươn xa

Thứ tư - 01/02/2023 07:53
Hà Tĩnh không phải là nơi có thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng nhưng nơi đây vẫn quy tụ nhiều đặc sản nổi tiếng. Trong xu thế mới, những sản phẩm này không chỉ mang ý nghĩa văn hoá mà còn chứa đựng tiềm năng thương mại lớn.

Phát huy hiệu quả thế mạnh
 
D2023013104
Bưởi Phúc Trạch là đặc sản nổi tiếng của Hà Tĩnh  
 
Hà Tĩnh có khí hậu khắc nghiệt khiến nơi đây được mệnh danh là vùng đất “chảo lửa, túi mưa”, nhưng chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên lại là phép thử, là động lực cho con người Hà Tĩnh kiên cường, vượt khó. Cũng vì thế mà nông sản Hà Tĩnh không kém phong phú so với những tỉnh thành khác trên cả nước. Biến bất lợi thành lợi thế, người dân Hà Tĩnh ngày càng phát triển những tiềm năng sẵn có để tạo ra những đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm nên đặc sản vùng miền càng có cơ hội trở thành sản phẩm hàng hoá. Trong xu thế đó, các sản phẩm đặc sản Hà Tĩnh ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và tìm mua.

Một trong những đặc sản đầu tiên được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý ở Hà Tĩnh là bưởi Phúc Trạch. Bưởi Phúc Trạch được xem là “Đệ nhất danh quả” của huyện miền núi Hương Khê, là một trong những đặc sản nổi tiếng của Hà Tĩnh được vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, khu vực địa lý gồm 19 xã thuộc địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Đây cũng là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ từ ngày 1/8/2020 và Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục đặc sản bưởi Phúc Trạch.

Với vị ngọt thanh và mùi thơm nhẹ tự nhiên đặc trưng, bưởi Phúc Trạch nổi tiếng là giống bưởi đặc sản của Hà Tĩnh và là một trong những giống bưởi ngon nhất của Việt Nam. Để hỗ trợ người dân quảng bá thương hiệu, các cơ quan chức năng đã tổ chức kết nối với các nhà phân phối, các siêu thị về huyện Hương Khê khảo sát, nắm bắt số lượng, chất lượng sản phẩm để đưa bưởi Phúc Trạch vào hệ thống siêu thị, lên sàn thương mại điện tử.

Được biết, toàn huyện Hương Khê có 122 tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch với hơn 730 ha đạt tiêu chuẩn VietGap, 1 tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Trái bưởi Phúc Trạch, Hương Khê Hà Tĩnh đã có mặt tại các hệ thống phân phối lớn như siêu thị Big C, Vinmart, Co.op mart và chuỗi Nông sản sạch tại Hà Nội, Quảng Ninh. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đang tích cực xúc tiến các thủ tục để đủ điều kiện xuất khẩu bưởi sang các thị trường EU, Hoa Kỳ.

Từ năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số xây dựng các gian hàng bưởi Phúc Trạch - Hà Tĩnh trên các sàn thương mại điện tử. Bưởi Phúc Trạch hiện được bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Tiki… và các kênh trực tuyến khác.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP mở đường
 
D2023013104a
Sản phẩm OCOP ‘mở đường’ cho nông sản Hà Tĩnh vươn xa  
 
Tại Hà Tĩnh, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và nâng tầm nông sản chủ lực của địa phương.

Là một trong 6 sản phẩm đầu tiên được tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn tham gia Chương trình OCOP từ năm 2018, đến nay Hợp tác xã thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và sản phẩm nước mắm đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Chị Lê Thị Khương, Giám đốc Hợp tác xã Thu mua và chế biến thủy hải sản Phú Khương cho biết: “Cơ sở chúng tôi hiện có thông qua các kênh bán hàng tại các cửa hàng sản phẩm sạch trên toàn quốc và các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là qua kênh bán hàng của Bưu điện tỉnh, sản lượng bán ra của các sản phẩm OCOP rất cao vì đã có thương hiệu và được người tiêu dùng tin tưởng. Mỗi năm cơ sở tiêu thụ 400 tấn cá cho ngư dân, sản xuất 300.000 lít nước mắm, doanh thu đạt 20 tỷ đồng”.

Ông Lê Văn Duẩn, Giám đốc hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm cho biết, ban đầu cơ sở sản xuất bánh đa của anh chỉ cung cấp số lượng nhỏ cho các nhà hàng, quán ăn tại khu vực xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng dồi dào, anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. Đúng thời điểm đó, tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện chủ trương ưu tiên, khuyến khích các hộ dân, đơn vị sản xuất tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), anh Duẩn cùng các xã viên của mình đã nắm lấy thời cơ, đăng ký tham gia tập huấn, sản xuất, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.

Anh Duẩn chia sẻ: “Tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng để mua máy móc công nghệ mới, dựa trên nguồn nguyên liệu sạch, sẵn có của địa phương, sản phẩm chất lượng đồng đều, mẫu mã đẹp hơn. Từ sản lượng mỗi năm 900.000 bánh/ năm 2019, sau khi tham gia chương trình OCOP, năm 2021 sản phẩm được quảng bá trên các kênh sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, hợp tác xã đã bán ra gần 2.000.000 bánh, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng”. Không chỉ thị trường trong nước, cuối năm 2021, bánh đa vừng Nguyên Lâm còn được xuất khẩu sang Nhật Bản vào cuối năm 2021 với số lượng 64.000 tệp, trị giá lô hàng là 326 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Nguyễn Thanh Hải cho biết: Sau khi sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm khẳng định được chất lượng và đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, địa phương đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của tỉnh giới thiệu, quảng bá trên các kênh thông tin chính thống của tỉnh, huyện và các nền tảng số. Đồng thời, kết nối với các đơn vị phân phối nước ngoài, đưa sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm “xuất ngoại”. Từ thành công của lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang Nhật Bản trong năm 2021, Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm đang tiếp tục hoàn tất quy trình, thủ tục để đưa lô hàng tiếp theo sang chinh phục thị trường Nhật Bản. Về lâu dài, sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm sẽ hướng đến các thị trường khác như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các cơ sở OCOP có khả năng phát triển để mở rộng quy mô sản xuất, đạt tiêu chuẩn đủ điều kiện để xuất khẩu. Khơi dậy sự sáng tạo trong nhân dân để tiếp tục phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chế biến, chế biến sâu. Rà soát, lựa chọn một số sản phẩm tiêu biểu, lợi thế của tỉnh để củng cố, nâng cấp các sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao, như: Nhung Hươu Hương Sơn, Trầm hương Phúc Trạch...

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại trên các nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ người sản xuất mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới có tiềm năng để giới thiệu, bán sản phẩm OCOP Hà Tĩnh. Kết nối, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vào hệ thống siêu thị hoặc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng OCOP.

Sản phẩm OCOP ở Hà Tĩnh không đơn thuần chỉ là để thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” mà phía sau đó là những câu chuyện về văn hóa vùng miền, về những con người với tình yêu và khát vọng đưa sản phẩm truyền thống của quê hương lên tầm cao mới.

Hoài Anh
Theo Kinhtedouong.vn

Link gốc:  Mở đường để nông sản Hà Tĩnh vươn xa (kinhtedouong.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây