Làng nghề hàng mã tất bật ngày giáp Tết

Thứ tư - 07/06/2017 16:24
- Vào những ngày giáp tết Nguyên đán, mặc cho mưa phùn giá rét, các làng nghề làm hàng mã ở Nghi Xuân, (Hà Tĩnh) lại tất bật, hối hả với việc xếp đôla, tiền âm phủ, cắt giấy may áo người âm để kịp giao cho khách đặt hàng.
 

Làng nghề vàng mã ở Nghi Xuân đang hối hả vào vụ sản xuất phục vụ Tết

Những chú ngựa có kích thước giống ngựa thật được hoàn thành để chuẩn bị để giao cho khách.

Nghề làm hàng mã đã giải quyết việc làm cho nhiều người dân Nghi Xuân.

Hàng mã, nghề gia truyền

Nằm ở phía Bắc thành phố Hà Tĩnh, Nghi Xuân được biết đến với những làng nghề truyền thống chuyên sản xuất hàng mã như Xuân Hải, Xuân Phổ, Tiên Điền, Xuân Mỹ, Xuân Hồng, mỗi làng nghề nơi đây có hàng chục hộ gia đình theo nghề.

Anh Đậu Văn Quang (xã Xuân Hải) - một trong những hộ làm nghề hàng mã - cho biết: Người dân làng nghề nơi đây chủ yếu làm quần, áo giấy của người cõi âm, đồ cúng táo quân, thổ công, thổ địa, thần thánh. Còn những mặt hàng cao cấp như nhà lầu, xe hơi, ngựa quan,… thường được làm theo nhu cầu từ đơn đặt hàng của khách.

Nguyên liệu sản xuất hàng mã thường được làm xương bằng gỗ, nứa dán giấy thô, giấy màu rất bắt mắt. Tất cả các công đoạn sản xuất đều được làm hoàn toàn bằng thủ công, từ đan khung đến dán giấy thô, giấy màu và hoàn thiện các chi tiết đều do đôi bàn tay khéo léo, sự tỉ mẩn của người thợ.

Sản phẩm được làm quanh năm nhưng chạy nhất vẫn là vào dịp tết và rằm tháng bảy. Giá cả hàng mã vào dịp tết thường cao hơn so với ngày thường, giá một con ngựa có kích cỡ lớn được bán từ 300 đến 500 nghìn đồng, một bộ nhà đời mới kèm theo đồ chia của là 3,5 triệu đồng, nhà đời cũ 4 triệu đồng. Vậy mà khách vẫn sẵn sàng đặt hàng mà không tiếc tiền.

Đang đan nứa, tạo khuôn ngựa, chị Hoàng Thị Huyền, (thôn Hải Hồng, xã Xuân Hải) cho hay: Gia đình chị làm nghề hàng mã đã hơn 40 năm nay, từ đời ông đến bố mẹ giờ rồi truyền sang đời chị. Lúc trước đời ông bà chỉ làm các mặt hàng vàng vụn, vàng lá, hia, mũ quan, lãi không cao. Nhưng đến đời chị ngoài những mặt hàng trên thì chị còn chuyên sản xuất các mặt hàng cao cấp như nhà lầu, ngựa, hổ, tòa sơn trang, kiệu, tàu thuyền,… những mặt hàng này tuy dày công nhưng tính ra cũng lãi hơn nhiều.

Hàng mã không lo ế

Đặc biệt, tại khu vực dưới chân đền Chợ Củi, phát triển thành làng nghề thủ công chuyên sản xuất hàng mã quanh năm, nhưng nóng nhất vào dịp tết nguyên đán. Dân làng nghề đã quen mẫu mã, đầu vào, đầu ra của sản phẩm, họ không những sản xuất hàng bình dân, mà còn làm hàng cao cấp như ngựa, hổ, tòa sơn trang, kiệu, tàu thuyền.

Anh Đậu Văn Tiến (thôn 8, xã Xuân Phổ) - một trong những hộ chuyên sản xuất hàng mã cao cấp - cho biết: Nghề này do anh đi bộ đội học nghề ở Huế rồi đưa về quê để giúp vợ con, người già, thanh niên trong làng có việc làm thêm. Nghề hàng mã do anh Tiến đưa từ Huế về, đã tạo việc làm cho một số thanh niên, người già, những người khuyết tật,...

Việc đốt hàng mã trong dịp tết, rằm, lễ hội là một phong tục cổ truyền, từ bao đời nay nhân dân hương khói phụng thờ, tưởng nhớ người đã khuất. Nghề làm hàng mã đã giải quyết việc làm cho nhiều người dân . Cũng nhờ nghề này mà nhiều hộ dân khá giả, giàu có. Đầu vào, đầu ra rất ổn định đảm bảo có lãi, thu nhập cao.

Tuy nhiên, hiện nay trào lưu đốt vàng mã cũng gây ra những câu chuyện buồn, phiền toái, người ta đốt tràn lan vàng mã, gây lãng phí tiền của và nhiều hệ lụy khác như cháy nổ, ô nhiễm môi trường…

Ông Nguyễn Ban, nguyên trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Xuân, cho biết: “Đốt vàng mã là một vấn đề tâm linh có từ lâu đời của người dân Việt Nam. Nghề vàng mã giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, người dân nên cần hạn chế việc đốt vàng mã tràn lan, đốt đúng chỗ và không tuyên truyền, quảng bá mê tín dị đoan trong việc đốt vàng mã”

Theo GD&TĐ

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây