Dịch vụ ứng tiền nhanh đã giúp người sử dụng điện thoại di động “thoát hiểm” khi đang liên lạc mà hết tiền đột xuất. Song mức phí 10-30% của dịch vụ này được cho là quá cao, không khác nào lợi dụng tình thế bí bách của khách để trục lợi!
Đành chấp nhận giá “cắt cổ”
Phản ánh với PV Báo Giao thông, anh Quốc Việt (Gia Lâm, Hà Nội), thuê bao trả trước của mạng di động MobiFone, cho biết, khi điện thoại bị hết tiền, anh nhận được tin nhắn từ tổng đài 9015 đề nghị cho ứng trước số tiền 37.500 đồng với mức phí 11.250 đồng được trừ trong lần nạp tiền sau. “Mặc dù thấy nhà mạng thu phí gần bằng 1/3 số tiền ứng trước nhưng trong lúc quá cần liên lạc tôi đành chấp nhận”, anh Việt chia sẻ.
Tương tự, anh Hoàng (Nguyên Hồng, Hà Nội) khách hàng của Viettel cũng được tổng đài 9118 gửi tin nhắn mời dùng dụng dịch vụ ứng tiền từ 5 nghìn đồng với phí dịch vụ tương đương 30% số tiền đã ứng. Sử dụng dịch vụ xong, bị trừ tiền tài khoản, anh Hoàng nhẩm tính mới thấy phí khá cao.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, mức phí cho một lần ứng tiền được Viettel, Vinaphone công bố công khai dao động 10-30%. Dịch vụ Fast Credit của Mobifonecũng cho khách hàng ứng tiền từ 5-50 nghìn đồng, song mức phí dịch vụ sẽ thông báo cụ thể cho thuê bao trong tin nhắn.
Trả lời Báo Giao thông, đại diện của Mobifone cho hay, doanh nghiệp mới cung cấp dịch vụ này thời gian gần đây. Trả lời câu hỏi về mức phí, vị này cho biết chung chung là được áp dụng tùy theo thời gian và mức độ tiêu dùng của khách hàng. Cụ thể, hệ thống sẽ phân tích và sắp xếp thuê bao dùng dịch vụ theo ba mức đánh giá khác nhau từ thấp đến trung bình và cao. Căn cứ trên thang điểm, nếu khách hàng được đánh giá sử dụng ở mức cao thì phí chi trả sẽ thấp và ngược lại.
Đại diện nhà mạng Viettel cho rằng, đây là dịch vụ giá trị gia tăng để hỗ trợ khách hàng chứ không phải dịch vụ cho vay tính lãi. ”Chúng tôi không bắt buộc khách hàng sử dụng dịch vụ mà đề nghị chỉ có hiệu lực khi được sự xác nhận và đồng ý thành công từ phía khách hàng”, đại diện Viettel nói.
Lãi suất ngang tín dụng đen?
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các nhà mạng gọi là phí dịch vụ nhưng thực chất đó là một hình thức cho vay có tính lãi. Mức phí dịch vụ từ 10%-30% cho một lần ứng, không giới hạn ngày trả, song với điều kiện là thuê bao đã hoạt động một thời gian nhất định. Trong trường hợp đó, chủ thuê bao thay đổi số là rất hiếm. Vì thế, nhà mạng khá an toàn khi cho những khách hàng thân thiết này vay!
Bên cạnh đó, với thói quen sử dụng di động như hiện nay, rất ít khách hàng để quá một tuần hay 10 ngày mới nạp tiền. Thậm chí phần nhiều nạp tiền luôn trong ngày, hoặc sau một ngày. Nếu tính theo mức phí áp dụng thấp nhất cho thuê bao ứng tiền trong ngày là 10%, thì mức lãi suất tháng cũng lên đến 300%, còn với mức phí 30%, lãi suất tháng sẽ gấp ba lần! “Đây là mức lãi suất khủng, thậm chí cao hơn cả mức lãi suất tín dụng đen”, ông Hiếu nhận xét.
Theo ông Hiếu, nếu doanh nghiệp thu phí thì chỉ nên để ở mức 3-5%, bằng không sẽ thành lợi dụng tình thế “chẳng đặng đừng” của khách hàng để thu lợi. “ Hiện tại, nhà mạng nào cũng có tới vài chục triệu thuê bao, mỗi ngày chỉ cần 3-5% số thuê bao này ứng tiền thì số tiền thu lợi sẽ lên đến hàng trăm triệu đồng”, ông Hiếu nhẩm tính.
Đồng tình ý kiến của ông Hiếu, luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng cho rằng, đây là hình thức nhà mạng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của khách hàng để áp mức phí, hay cho vay với lãi suất cao. Tuy nhiên, mức phí dịch vụ đã được nhà mạng cho thuê bao biết trước có thể được coi là hai bên tự thỏa thuận với nhau nên về mặt pháp lý nhà mạng không sai.
“Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp xem trọng khách hàng, thì nên coi việc ứng tiền là một dịch vụ giúp khách hàng “thoát hiểm”, chứ không nên lợi dụng thời cơ để trục lợi”, Luật sư Hưng bình luận.
Theo Huy Tuấn/ Báo Giao thông
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn