Hà Tĩnh cất cánh tầm cao mới

Thứ ba - 06/06/2017 14:44
Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 trong cả nước (sau Ninh Thuận) chính thức công bố quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 do Tập đoàn Monitor (Mỹ) thực hiện. Chương trình mang tầm vĩ mô này là bước đột phá hứa hẹn tạo nên một cuộc cách mạng đối với bức tranh toàn cảnh nền kinh tế - xã hội – văn hóa Hà Tĩnh trong một tương lai không xa.

"Mời anh về Hà Tĩnh"

“Mời anh về Hà Tĩnh đi dọc đường cái quan/Vào tận Đèo Ngang rồi vòng lên Rú Lệ/Trên đường xuôi xuống bể ghé Đức Thọ, Hương Sơn/Can Lộc vào Cẩm Xuyên, Thạch Hà ra Hồng Lĩnh”, những ca từ mà nhạc sỹ Trần Hoàn đã viết luôn lắng đọng mãi trong mỗi người dân trong và ngoài nước khi đến với Hà Tĩnh.

Nằm trên dải đất miền Trung khắc nghiệt, dù chỉ vẻn vẹn hơn 6.000 km2 nhưng nơi đây hội tụ đủ núi, sông, đồng bằng và biển. Suốt những năm tháng chiến tranh, Hà Tĩnh được xem là điểm trung chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược chi viện cho miền Nam với bao thế hệ anh hùng đã không tiếc máu xương ngã xuống vì màu cờ Tổ quốc. Hòa bình lập lại, người Hà Tĩnh lại vượt qua muôn vàn khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên để hôm nay xây dựng Hà Tĩnh trở thành một tỉnh tiềm năng, sánh vai với các tỉnh trong khu vực và trên cả nước.

Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “Hình ảnh về một vùng quê nghèo đang dần lùi xa, Hà Tĩnh hôm nay trong con mắt của các nhà đầu tư là điểm đến giàu tiềm năng về tài nguyên, nguồn lực và những lợi thế giao thương”.


Lãnh đạo TW và tỉnh chứng kiến lễ ký kết đầu tư các doanh nghiệp vào Hà Tĩnh

Đúng như lời Chủ tịch Cự chia sẻ, Hà Tĩnh hôm nay được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là tỉnh có vị trí chiến lược trong phát triển KT – XH mang tầm quốc gia. Đó là QL1A, đường Hồ Chí Minh và đường sắt Bắc Nam chạy qua. Toàn tỉnh có 145 km đường biên giới, thông thương với nước bạn Lào, qua Thái Lan, Mianma. Nguồn tài nguyên thiên nhiên từ rừng cho đến dưới biển phong phú, đa dạng và vẫn chưa được khai thác nhiều.

Đặc biệt, hiện nay Hà Tĩnh đã và đang xây dựng, phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm với tổng diện tích gần 80.000 ha: phía nam trọng tâm là KKT Vũng Áng (Kỳ Anh); tây bắc có KKT Cửa khẩu Cầu Treo là một trong 8 KKT trọng điểm quốc gia và vùng trung tâm tỉnh là KCN mỏ sắt Thạch Khê gắn với TP Hà Tĩnh. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế mau lẹ (giai đoạn 2005 – 2010 đạt trên 10%/năm); đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của người dân có bước tiến rõ nét; nguồn nhân lực dồi dào và ngày càng được trẻ hóa. Tất cả tạo thành một bức tranh tiềm năng để Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư.

Điểm đến của các nhà đầu tư

Tính đến tháng 4/2013, Hà Tĩnh xếp thứ 6 cả nước về thu hút FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh đến nay đạt trên 17 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn của các Tập đoàn kinh tế Đài Loan, Nhật Bản… đã và đang triển khai như dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương đầu tư giai đoạn 1 gần 10 tỷ USD; hơn 300 dự án tầm cỡ quốc gia cũng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Ông Thái Chi Pháp – Trưởng đại diện Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp FORMOSA cho biết: “Từ những ngày đầu triển khai dự án đến nay, Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh đã tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp chúng tôi hoàn thành giai đoạn I dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và cảng nước sâu Sơn Dương công suất 30 triệu tấn/năm. Trong giai đoạn II chúng tôi tiếp tục đầu tư thêm 8 tỷ USD để xây dựng nhà máy lọc hóa dầu, nâng công suất nhà máy thép lên gấp đôi, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 30 ngàn lao động. Tập đoàn FORMOSA đánh giá cao tiềm năng phát triển KT-XH và cơ chế thông thoáng trong thu hút đầu tư của Hà Tĩnh”.


Hà Tĩnh trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư

Còn ông Nguyễn Xuân Sơn – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng khẳng định: “Sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thể hiện sự năng động, sáng tạo trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay”.

Được biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện đã hoàn thành dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I với tổng mức đầu tư gần 1,6 tỷ USD, công suất thiết kế 1.200MW, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2013.

Bệ phóng Monitor

Để tận dụng hết nguồn lực thiên nhiên ban tặng, năm 2011, Chính phủ cho phép Hà Tĩnh thuê Tập đoàn Monitor (Mỹ) lập quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH đến năm 2020, tầm nhìn 2050. Trên cơ sở tìm hiểu, khảo sát, tính toán, dự báo phát triển và đóng góp ý kiến của các cơ quan, ban ngành địa phương, Tập đoàn Monitor với đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới đã xác lập tổng thể quy hoạch phát triển KT – XH từ mục tiêu, quan điểm, định hướng đến các tổ giải pháp cụ thể lộ trình từ nay đến 2020 và xa hơn nữa.

Theo đó, Hà Tĩnh xác định nhu cầu nguồn vốn dự kiến đến năm 2020 khoảng 539 nghìn tỷ đồng. Tập trung phát triển theo 3 hướng chủ đạo gồm: hiện đại hóa nông nghiệp; phát triển các ngành sắt – thép, năng lượng và thương mại, kinh tế đối ngoại. Quy hoạch cũng xây dựng lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn từ 2011 – 2015 và từ 2016 – 2020.

Ông Chirs Malome, Giám đốc Tập đoàn Monitor phụ trách tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy ở Hà Tĩnh vị trí chiến lược quan trọng của quốc gia với nhiều tiềm năng phong phú đa dạng. Trên cơ sở khảo sát từ thực thế chúng tôi đã xây dựng các đề án đầu tư vào Hà Tĩnh, đặc biệt khai thác triệt để các tiềm năng khoáng sản, tiềm năng biển và nông nghiệp. Chúng tôi tin rằng bằng sự năng động sáng tạo của chính quyền cũng như nhân dân địa phương, quy hoạch tổng thể sẽ thực sự đi vào cuộc sống”.

Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Hà Tĩnh vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Những năm qua, Hà Tĩnh đã có bước phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực KT - XH, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khá cao. Riêng năm 2012 đạt 14%, là một trong số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; thu ngân sách tăng 3 lần so với năm 2010.

Hà Tĩnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 – 2020 đạt 18,4%; GDP bình quân đầu người 35 triệu đồng (năm 2015) và 97,7 triệu đồng (năm 2020); cơ cấu kinh tế đến năm 2020 nông nghiệp chiếm 13,1%, công nghiệp 54,7%, dịch vụ 32,2%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 – 4 %/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 70%.

“Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Hà Tĩnh đã đạt được. Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch đề ra, thời gian tới Hà Tĩnh cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành, lĩnh vực để đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH của tỉnh; cụ thể hóa các mục tiêu của quy hoạch bằng các chương trình, kế hoạch 5 năm và hàng năm để triển khai thực hiện. Đồng thời, quan tâm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đặc biệt là phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Cùng với việc công bố quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH, tại hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 27/4, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trao 6 giấy chứng nhận đầu tư, ký cam kết với 4 nhà đầu tư trong nước, quốc tế với tổng vốn đăng ký hơn 55,4 nghìn tỷ đồng.

Một tỷ phú phát triển ngành thủy sản ở TP Hồ Chí Minh cảm nhận: “Tôi đã đi, đã đến và đầu tư rất nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài nước, nhưng tôi cảm nhận chưa có nơi nào quý mến khách như người Hà Tĩnh”.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây