Dự án ODA đến Hà Tĩnh - Khi nhà đầu tư có niềm tin

Thứ ba - 06/06/2017 14:42
Năm 2009, Hà Tĩnh đứng vị trí thứ 6 toàn quốc về thu hút các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA. Hiện tại, vị trí này đã thay đổi nhưng Hà Tĩnh vẫn nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu. Được đầu tư bằng nguồn ODA, tỉnh, thành nào cũng mong muốn, chỉ có điều để được nhà đầu tư “gật đầu” không phải địa phương nào cũng làm được.

Giải ngân 500 tỷ đồng/năm

Trưởng phòng Quản lý các dự án ODA (Sở KH&ĐT) Lê Đức Anh nói rằng: “Hiện đã có 30 dự án đầu tư nước ngoài đã và đang triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh. Tiến độ giải ngân hàng năm 500 tỷ đồng trong vòng 5 năm lại nay”. Trong cơn “bĩ cực” do bối cảnh suy giảm kinh tế, tiến độ giải ngân 500 tỷ đồng/năm từ nguồn ODA thực sự là một kỳ tích khiến nhiều địa phương mơ ước; đồng thời là “cứu cánh” thắp lên nhiều hy vọng cho sự phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Các nhà tài trợ kiểm tra việc triển khai các dự án đầu tư tại Hà Tĩnh

Với tổng mức đầu tư 13.153.340 USD, trong đó 10.500.000 USD do quỹ OPEC tài trợ và 2.653.340 USD vốn đối ứng, dự án phát triển hệ thống thủy lợi quy mô nhỏ cho các xã nghèo đã được triển khai từ năm 2009 và đến tháng 6/2013 sẽ hoàn thành đã và đang phát huy rõ hiệu quả. Sự thành công của dự án đã thuyết phục được các nhà tài trợ để triển khai các dự án tiếp theo...

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến tỉnh lộ, huyện lộ khu vực miền Trung (ADB5) do Sở GTVT - đại diện cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2006, đến nay hoàn thành được khối lượng gồm 41 km ở 5 tuyến đường, 5 cầu với 153 tỷ đồng, đã giải ngân được 100% nguồn vốn. Tương tự, dự án GTNT3 cũng đã giải ngân nguồn vốn ký kết theo Hiệp định gốc là 194 tỷ đồng và đang thực hiện tiếp hiệp định bổ sung trị giá 62 tỷ đồng...

Trong các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA, ngành nông nghiệp được coi là sáng giá nhất với khoảng 2.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là tiểu dự án hệ thống thủy lợi nâng cấp Kẻ Gỗ và đầu mối được triển khai từ năm 2004 đến nay đã giải ngân được 100% nguồn vốn (490 tỷ đồng). Dự án nâng cấp đê Phúc - Long - Nhượng dài 11,6 km với nguồn vốn 260 tỷ đồng hiện đang trong thời kỳ hoàn thiện hồ sơ và nếu không có sự thay đổi đột xuất, tháng 4 năm nay, dự án sẽ được triển khai bằng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Cũng theo nhận định của người trong cuộc, WB7 đầu tư xây dựng hệ thống kênh Nam và Bắc Hà Tĩnh với tổng nguồn vốn 34 triệu USD do Sở NN & PTNT làm chủ đầu tư cũng đã được các nhà đầu tư “để mắt” và sẽ được triển khai trong một ngày gần nhất. Không chỉ “nhắm” vào đối tượng nghèo vùng nông thôn mà các dự án đầu tư củng cố, xây dựng hạ tầng thành phố như dự án cải thiện môi trường đô thị Miền Trung, với 17,5 triệu USD đã khiến diện mạo thành phố đổi thay khá nhiều.

Năng lực thu hút đầu tư

Có được những kết quả ấn tượng đó, Hà Tĩnh đã thuyết phục được các nhà đầu tư bằng tất cả sự quyết tâm, sự vào cuộc một cách quyết liệt, trong đó chữ tín được tạo dựng không chỉ bằng những lời hứa mà bằng những việc làm thiết thực. Dự án cũ chưa xong nhưng dự án mới được triển khai đã minh chứng rõ nét cho sự hài lòng của những vị khách khó tính luôn lấy hiệu quả làm thước đo cho sự thành công. HIRDP, IFAD là một trong số đó.

Các công trình thủy lợi được xây dựng từ nguồn ODA, NGO đang phát huy hiệu quả

“Nếu nói thu nhập của tỉnh Hà Tĩnh thấp hơn so với mức thu nhập bình quân chung của cả nước, chắc hẳn không xa lạ với người nước ngoài nhưng từ những bức ảnh, những thước phim tái hiện chân thực về mức độ tàn phá của thiên nhiên nơi vùng đất “chảo lửa túi mưa” đã khiến nhà đầu tư không thể thờ ơ” - Giám đốc 3 dự án, trong đó có HIRDP Trần Việt Hà cho biết.

Bên cạnh vai trò của lãnh đạo tỉnh đối với quá trình lập và thực hiện dự án, đội ngũ cán bộ dự án phải biết kiên trì tổ chức các buổi làm việc với BQL dự án ODA, Văn phòng Chính phủ, các cấp bộ, ngành. Ngoài ra, phải có tính chuyên nghiệp cao - chuyên nghiệp từ khi bắt tay vào xây dựng dự án, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, phải xem xét những công trình mang tính cấp bách; đồng thời thuê các đơn vị tư vấn có “đẳng cấp”; xây dựng hồ sơ thuyết trình ngắn gọn, súc tích, đặc biệt nhấn mạnh về hiệu quả kinh tế gắn với đảm bảo công tác vệ sinh môi trường...

Vấn đề thực chất của việc kêu gọi dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA là phải đảm bảo sự công tâm và hơn thế là phải gắn lợi ích của cả cộng đồng vào sự phát triển chung. “Tâm” và “Tầm” chính là những yếu tố tiên quyết. Khi hội tụ đủ và có sự kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố này, số lượng cũng như chất lượng các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA vào Hà Tĩnh sẽ không chỉ dừng lại như thời điểm hiện tại.

Theo Hoài Nam (Báo Hà Tĩnh)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây