Ở ngoài mỏ, kiếm sống trong mỏ
Thạch Đỉnh là xã bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất bởi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, vì xã này có một diện tích lớn nằm trong khu vực mỏ. Theo chính quyền xã này, có 96 hộ dân phải di dời, 331ha đất nông nghiệp và đất ở bị thu hồi để phục vụ dự án.
Năm 2010, việc giải tỏa gần 100 hộ dân xóm 1 xã Thạch Đỉnh ra khỏi khu vực quy hoạch mỏ sắt được bắt đầu, đến năm 2013 thì hoàn thành.
Sau khi về nơi tái định cư, rất nhiều gia đình đã rơi vào cảnh “ăn không ngồi rồi” vì không có đất canh tác, không có việc làm, bởi trước đó họ chỉ bám vào ruộng vườn để sinh sống.
Ông Bùi Quang Đào (52 tuổi) phải di dời cả gia đình 6 người từ xóm 1 về khu tái định cư thôn Trường Xuân (xã Thạch Đỉnh), cứ nghe hỏi đến nghề nghiệp và thu nhập là ông lại thở dài thườn thượt.
“Chúng tôi được cấp 300m2 ở đây để xây nhà ở, khi về đây đã dồn tiền đền bù để xây căn nhà kiên cố, còn lại thì lo sắm sửa cho cuộc sống mới. Ở đây không có ruộng đất để sản xuất nên không biết làm gì, nghề nghiệp cũng không có nên ai có sức khỏe thì đi làm thuê đủ kiểu theo thời vụ.
Nhưng rồi trong khó khăn cũng phải tự tìm đường sống. Hằng ngày chúng tôi quay về ngôi nhà cũ trong mỏ sắt để trồng ngô, khoai, lạc và nuôi gà vịt. Ngày thì vợ về đó để làm, tối thì tôi về để canh giữ tài sản”, ông Đào chia sẻ.
Ông Đào kể về cuộc sống thê thảm của mình
Mặc dù theo kế hoạch di dời thì những hộ dân nằm trong khu mỏ phải dọn đi hết, nhưng do quá trình khai thác mỏ sắt bị gián đoạn, hiện nay đang tạm ngừng, nên nhiều hộ dân từ khu tái định cư lại quay về vườn cũ để canh tác. Bên phía bảo vệ mỏ sắt vì thấy mỏ không hoạt động và dân về chăn nuôi không ảnh hưởng gì nên cũng để cho họ vào ra làm ăn. Những ai may mắn mà căn nhà cũ chưa bị đập phá thì còn chỗ ở và chuồng trại cũ để chăn nuôi.
Ông Nguyễn Duy Hước (thôn Trường Xuân) cho biết: “Chúng tôi trước đây ở xóm cũ chỉ có nghề trồng trọt và chăn nuôi, bây giờ về đây không có đất, nếu không quay lại vườn cũ để cày cuốc thì biết lấy gì mà ăn. Chú nhìn xem mấy nhà trong xóm đó, tất cả đóng cửa là vì họ về nhà cũ để chăn nuôi, trồng hoa màu rồi tối lại về đây”.
Bà Phạm Thị Tìu (65 tuổi) cười một cách chua chát: “Về đây sướng chú ạ, chỉ có ăn rồi đi chơi thôi, không có việc gì làm cả. Tuổi như tôi mà ở xóm cũ thì cũng còn chăm được con gà, con lợn hay trồng vạt rau, chứ về đây chỉ biết ngồi không, đất đai thì nhiễm phèn, thiếu nước nên muốn trồng cây rau cũng chịu”.
Bà Tìu cười chua chát
Trường hợp gia đình ông Phạm Công Báu (xóm 1 xã Thạch Đỉnh) thì lại khác. Gia đình này đã nhận tiền đền bù, đã được cấp đất tái định cư nhưng vẫn không di dời với lý do ra ở chỗ mới sẽ không biết làm gì để sống.
“Gia đình đông con nên nhận tiền đền bù chia cho mỗi đứa một phần, không còn tiền để xây nhà ở đất tái định cư. Giờ vợ chồng tôi ở lại đây khi nào mỏ sắt họ đuổi thì đi”, ông Báu nói.
Ông Phạm Văn Ngọc, Bí thư xã Thạch Đỉnh rất thấu hiểu với tình cảnh của những hộ dân này. Ông nói: “Chính quyền cũng thông cảm với cái khó của dân, nên để cho họ về sản xuất trên đất đã bị thu hồi. Mặc dù phải đi xa nhưng vì kế sinh nhai nên họ vẫn hằng ngày đi về xóm giải tỏa để chăn nuôi và trồng trọt”.
Nhiều thế hệ sống trong một căn nhà
Theo kế hoạch ban đầu, xã Thạch Hải là xã phải di dời 100% dân để giải phóng mặt bằng cho mỏ sắt Thạch Khê. Tuy nhiên, do mỏ sắt đang tạm ngừng hoạt động từ năm 2011 nên việc di dời chưa được thực hiện.
Ông Bùi Đình Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Hải cho biết: “Từ khi có chủ trương khai thác mỏ sắt, xã phải thực hiện quy định cấm cấp đất ở cho con em và xây dựng công trình kiên cố. Nhưng từ năm 2014, do mỏ sắt “đứng yên” nên tỉnh đã cho thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và cho cấp đất ở xen dặm trong các thôn nhưng phải xét rất khắt khe. Vì vậy tình trạng thiếu đất ở và đất canh tác rất trầm trọng”.
“Vì con em trong xã lớn lên ít đi khỏi địa phương nên họ lập gia đình rồi nhu cầu tách hộ rất cao. Mấy năm gần đây, có năm có đến 70 cặp vợ chồng kết hôn, chỉ vài năm thôi cũng có hàng trăm cặp lập gia đình. Tuy nhiên do quy định cấm cấp đất ở, không có nhà riêng để tách hộ, nên nhiều gia đình phải ở chung trong một nhà có 3-4 thế hệ”.
Chỗ ở chật chội, đất canh tác không có, nhiều hộ dân ở xã Thạch Hải rơi vào tình thế khó khăn “đi không được, ở không xong”.
Những ruộng lúa mà người dân trồng “chui” dưới chân núi đất thải của mỏ sắt
Những ngôi nhà bị giải tỏa trong khu vực mỏ sắt có thể được sử dụng trở lại để mưu sinh trong vùng mỏ
Họ không đi nơi khác được là vì kế hoạch giải tỏa của mỏ sắt đang dừng lại, khu tái định cư vì vậy cũng chưa được đầu tư xây dựng, việc đền bù cũng chưa triển khai, nên người dân không biết lấy cái gì để ra đi.
Nhưng ở lại thì họ lại vướng vào vòng luẩn quẩn. Đất canh tác thì đã bị thu hồi và bị khô hạn do tụt nước ngầm không thể trồng trọt, nghề nghiệp để mưu sinh tại chỗ thì không có. Thêm nữa, không biết rồi đây mỏ sắt có khởi động lại hay không, nên không có gia đình nào dám đầu tư xây nhà cửa để mở dịch vụ làm ăn lâu dài. Vì lỡ nếu đầu tư rồi mỏ sắt hoạt động thì lại phải vứt bỏ ra đi mà không được đền bù vì xây dựng trong thời gian cấm.
Dưới hồ nước này là mỏ sắt đang tạm ngừng khai thác nhưng đã gây ra bao hệ lụy cho người dân sống trên quanh vùng đất này
“Một phần thì lo lắng bệnh tật do nguồn nước nhiễm sắt, một phần thì loay hoay về sinh kế lâu dài, người dân xã này đang sống thấp thỏm từng ngày mà không có một phương hướng nào rõ ràng”, Phó chủ tịch xã này nói.
(Bài 1: Điêu đứng vì không có nước sạch)
Quang Cường
Theo Một thế giới