Nỗi niềm nhân viên hợp đồng
Chị Nguyễn Hồng Lam - kế toán tại Trường mầm non Đức Châu, xã Đức Châu - chia sẻ: “Sắp tới đây, chúng tôi phải ‘ra đường’, chẳng biết rồi sẽ đi đâu, về đâu. Lương tháng được hơn 2 triệu đồng, trong khi đó mốc đóng tiền bảo hiểm gần 2.850.000 đồng/tháng. Vậy là mỗi giáo viên hợp đồng phải bù vào khoảng 700.000 đồng/tháng”.
“Vợ chồng em có hai con nhỏ, một 5 tuổi, một 3 tuổi. Chi tiêu hàng tháng phải trông chờ vào đồng lương công nhân của chồng…”, kể tới đây chị Lam rơi nước mắt.
Cùng chung tâm trạng, chị Lê Thị Kim Oanh - nhân viên y tế học đường - nói trong ngậm ngùi: “Tôi mới sinh con, cháu chỉ mới được 1,5 tuổi, giờ ly hôn với chồng, một mình phải nuôi con nhỏ, cùng với món nợ ngân hàng 150 triệu đồng vay để xây nhà, rồi đây không biết bám víu vào đâu để lo cho cuộc sống 2 mẹ con và trả nợ ngân hàng”.
Còn chị Võ Thị Ngọc Giang bộc bạch: “Tôi làm kế toán tại Trường mầm non Đức Lạng, là địa phương thuộc diện 135, nhưng không hề được hưởng chế độ này. Ngoài ra, tôi thuộc đối tượng con thương binh, nhiều năm công tác vẫn không được xét biên chế".
Chế độ chưa tương xứng với công sức bỏ ra
Tiếp xúc với những nhân viên này, chúng tôi cảm nhận được những lo lắng, băn khoăn, phiền muộn hiện rõ trên nét mặt của mỗi người.
Dù đồng lương ít ỏi, nhưng họ luôn tận tâm với nghề, không những hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn mà còn kiêm hết từ văn thư, phụ bếp đến cho bé ăn…
Mong muốn nếu tiếp tục được công tác thì phải cho hưởng lương theo bằng cấp, còn không thì các ban ngành cần xem xét có mức hỗ trợ phù hợp.
Năm 2010, UBND huyện Đức Thọ, Phòng giáo dục xét tuyển ký HĐLĐ với 56 người thuộc các trường mầm non trên địa bàn.
Tháng 1.2013 được UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định 240/QĐ – UBND ngày 18.1.2013 cho hưởng lương theo hệ số 1.0, được đóng bảo hiểm xã hội theo hệ số lương cơ bản. Tuy nhiên, từ đó đến nay, họ vẫn không được tăng hệ số. Trong số 56 người, có đến 26 người nguy cơ “ra đường” đợt này.
Trao đổi với PV Lao Động về vấn đề này,ông Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng nội vụ huyện Đức Thọ cho hay:
“Đến thời điểm hiện tại tỉnh đang bàn hướng giải quyết, theo đó giao cho các huyện bố trí những kế toán có đủ điều kiện đi đào tạo lại để về làm cô nuôi tại trường, còn nhân viên y tế thì chuyển về các trạm y tế xã đối với những trường hợp đã vào biên chế. Chúng tôi đang chờ chủ trương của tỉnh”.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài huyện Đức Thọ, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có hàng trăm người nằm trong diện HĐLĐ kể trên.
Mong rằng tỉnh Hà Tĩnh sớm có quyết sách phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Tác giả bài viết: Anh Đức
Nguồn tin: Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn