“Thầy Cả” của điểm trường Nóc Ông Ruộng
 
Nóc Ông Ruộng nằm cheo leo trên đỉnh đông Trường Sơn, là nơi sinh sống của 72 hộ dân người dân tộc Ca Dong,  xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Xã Trà Vân cách trung tâm huyện Nam Trà My 12km, đèo dốc khó đi. Trường tiểu học Trà Vân có 7 điểm trường lẻ. Điểm trường lẻ Nóc Ông Ruộng thuộc Thôn 3 cách điểm trường chính khoảng 16 km.  Điểm trường ở đây có 3 phòng học dành cho lớp 1 đến lớp 3. Thầy Lưu Văn Hóa cùng hai cô giáo trẻ  phụ trách 3 lớp học này. Cuộc sống của những người Ca Dong  còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nên các thầy cô cũng rất khó khăn. Nơi đây không điện lưới, không trạm y tế, không có chợ. Nên hàng ngày, thầy cô cũng như người dân không có gì để mua bán. Nguồn nước sạch ở đây cũng  phụ thuộc vào trời. 
 
Nếu muốn nhàn nhã, có lẽ không nên chọn nghề giáo - ảnh 1
 
 
Thầy Lưu Văn Hóa
 
 
Thầy Lưu Văn Hóa sinh năm 1966, quê quán huyện Thăng Bình - Quảng Nam. Thầy gắn bó với nghề giáo và với điểm trường Nóc Ông Ruộng đã hơn 20 năm. Thầy Lưu Văn Hóa cho biết, thầy là con út trong gia đình, các anh chị đều đã lên ông lên bà nhưng thầy vẫn chưa tìm được hạnh phúc riêng. Ba mẹ đã mất, niềm vui của thầy hiện nay là công việc dạy học, là tiếng cười, tiếng nói véo von của học trò mỗi sớm mai. 
 
“Nói chung cũng có những cô thương yêu mình,  nhưng rồi cũng không biết vì sao thương nhau rồi xa nhau. Niềm vui chính bây giờ là đi dạy thôi” - thầy Lưu Văn Hóa tâm sự. Cả điểm trường lẻ chỉ có duy nhất 1 phòng công vụ nên cả hai cô và thầy ở chung 1 chỗ.  Ngăn cách giữa thầy và hai cô chỉ là tấm vách mỏng. Mỗi khi nghe các cô tâm sự chuyện riêng, chạnh lòng, thầy thường tìm cách lảng đi chỗ khác. 
 
Ngoài công việc dạy học, những hôm trời mưa, đường đến trường bị sạt lở, học sinh đi lại khó khăn, thầy Hóa tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm thêm nhiệm vụ của người công nhân sửa đường. “Đường ở đây dễ sạt lở. Vì vậy, để học sinh đi lại không bị trơn trượt, không ngã cần phải được san sửa sau mỗi trận mưa” - thày Hóa nói. Các cô giáo ở điểm trường Nóc Ông Ruộng nói riêng và giáo viên ở trường Trà Vân đều gọi thầy với cái tên rất thân thương: Cả, Thầy Cả. Sự khâm phục, tôn trọng một đồng nghiệp gương mẫu, tận tụy; tình cảm thân thương với một người anh luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người trong trường đã khiến thầy Hóa có tên như vậy. Và gia đình lớn trong nhà trường cùng những đứa con là học sinh hồn nhiên, tinh nghịch đã khiến thầy Hóa thêm ấm lòng mỗi ngày đến trường, đến lớp.
 
Cái duyên với trẻ khuyết tật
 
Tốt nghiệp CĐ sư phạm ngành tiếng Anh, cô Nông Thị Thảo Trang đến với trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật của tỉnh Bắc Kạn như một cái duyên.  Là giáo viên dạy tiếng Anh, khi trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Bắc Kạn được thành lập (năm 2006), cô  Thảo Trang đến tìm hiểu. “Môi trường giáo dục trẻ khuyết tật không chỉ  là giáo dục mà còn mang nhiều ý nghĩa khác nên tôi tò mò, muốn được khám phá” - cô Thảo Trang nói. Trước đó cô cũng đã tham gia khóa bồi dưỡng chăm sóc trẻ khuyết tật nên ban đầu, cô chuyển sang trung tâm chỉ để hợp thức hóa gia đình.
 
 
Nhưng khi vào trung tâm làm việc thấy hoàn cảnh của học sinh nơi đây nên thấy yêu nghề, thấy gắn bó nên đi học 2 năm để có bằng ĐH giáo dục đặc biệt. Chính vì vậy, 2 năm đầu tiên, cô làm công việc quản sinh ở bộ phận hành chính của trung tâm. Công việc chính là trông nom, chăm sóc, tắm rửa cho học sinh ở trường ban ngày, buổi tối. Vì học sinh ở nội trú. Thương những đứa trẻ thiệt thòi nên cô quyết tâm đi học để trở thành giáo viên, có điều kiện vừa chăm sóc, vừa dạy tri thức cho các em. 
 
“Nếu nói không vất vả thì là nói dối nhưng bây giờ quen rồi. Những ngày đầu tiên khi làm quản sinh, chưa có kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật nên rất khó khăn. Học sinh khiếm thính mình không biết làm thế nào để giao tiếp. Với trẻ tự kỷ tăng động, mình cũng không biết có biện pháp gì để tác động vào các em ấy để các em ấy tiến bộ được. Khó khăn nữa là các em không thể tự phục vụ được, phải có bàn tay chăm sóc của các cô ở trường. Một số em khiếm thính, nhẹ hơn thì có thể tự phục vụ. Còn lại 100% các em đều phụ thuộc vào người lớn” - cô Trang chia sẻ.
 
Nói về ngày 20/11, cô cho biết mình không buồn nhưng chạnh lòng. Cũng  là thầy cô giáo, nhưng ở trung tâm, đa số là học sinh nội trú, có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu vùng xa đến. Ngày 20/11, các thầy cô tự tổ chức, liên hoan vui thôi còn các con thì không biết chúc gì đâu.

Cô Nông Thị Thảo Trang và thầy Lưu Văn Hóa là hai trong số những tấm gương nhà giáo tiêu biểu được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen vừa qua. Họ xứng đáng với những gì mà mình đã cống hiến cho ngành.