Trên đường đi xe khách từ Hà Nội lên thị trấn Cao Lộc, thầy Đức hiệu trưởng liên tục gọi cho tôi để cập nhật tình hình. Có lúc thầy lo ngại bảo: “Trên này trời đang mưa, chưa chắc em đã vào được đâu”. May sao, lên đến thị trấn Cao Lộc thì trời tạnh ráo.
Tôi chọn một xe ôm bản xứ để vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tiểu học & THCS Mẫu Sơn, xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Chạy xe ôm gần 20 năm, đã đi mòn con đường này, thỉnh thoảng lại gật đầu chào vài người quen trên đường, nhưng ông thú thực: “Từ bản Gianh vào trong trường đấy, tôi chưa đi bao giờ”.
Đoạn đường 4km cuối cùng để vào trường vẫn được các thầy cô gọi vui là “đường 2 chiều”. Nhìn một cách trực quan, nó đúng là đường 2 chiều với 2 bên lề đường được lát bê-tông, nhưng phần giữa vẫn là… đường đất. Nhìn tận mắt con đường, tôi mới hiểu tại sao một cán bộ phòng giáo dục đã cảnh báo tôi rằng ô tô 7 chỗ thì có thể đi được, 4 chỗ thì chưa chắc.
4 km “đường 2 chiều” với 90% là lên dốc khiến chiếc xe máy không ít lần chết máy, trượt vào làn đường đất.
Nếu như đoạn đường 30km lúc trước đầy ổ gà, ổ voi nhưng thi thoảng còn thấy bóng dáng một ngôi nhà, thì đoạn đường này tuyệt nhiên không có thứ gì mang hình dáng sự sống. Nhưng một điều chắc chắn là bên trong kia vẫn có hơn 100 học sinh và 30 cán bộ, giáo viên đang làm việc, học tập mỗi ngày.
Trường Tiểu học & THCS Mẫu Sơn có tất cả 107 học sinh ở cả hai cấp – 57 học sinh tiểu học chia thành 5 lớp, 50 học sinh THCS chia thành 4 lớp. Gần như 100% học sinh của trường là người dân tộc Dao, một vài em dân tộc Nùng. Có em nhà xa nhất cách trường 21km.
5 điểm lẻ của trường mới được gom về điểm chính từ năm ngoái. Trước đó, điểm lẻ xa nhất cách điểm chính 19km, điểm gần nhất cũng tới 10km. Đường lên đây nếu so sánh với các điểm lẻ thì có thể gọi là đường “VIP”.
Hiện tại, có 86 học sinh đang ở nội trú tại trường từ đầu tuần tới cuối tuần mới về nhà. Chính vì thế, công việc của các thầy cô không chỉ là dạy học, mà còn phải chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các em.
Điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, 86 học sinh nội trú ăn ngủ trong 2 căn phòng, mỗi phòng chưa đầy 30m2. Mỗi phòng được bố trí 10 chiếc giường tầng, nghĩa là mỗi giường phải nằm 4-5 em.
Cũng ngần ấy đứa trẻ phải tắm rửa ở một nơi khó có thể gọi là phòng tắm. Chỗ này có vẻ từng là một căn bếp củi, bây giờ không còn sử dụng nữa. Không cánh cửa, không có thiết bị gì. Duy nhất một vòi nước. Xung quanh lỉnh kỉnh đồ đạc, trong đó có chiếc máy giặt lớn được tài trợ bởi một đơn vị thiện nguyện.
Hầu hết 30 cán bộ, giáo viên của trường đều ăn ngủ ở khu nhà công vụ, mỗi tuần chỉ về 1, 2 lần.
Nói là nhà công vụ cho oai, căn phòng mà các thầy cô đang ở chưa chắc đã được người thành phố gọi là phòng. Có tất cả 7 căn phòng như thế cho khoảng hơn 22 giáo viên.
Chiếc giường kê trong phòng của cô Chỏi và cô Vấn thực ra chỉ là tấm phản kê lên mấy viên gạch. Bên cạnh giường là tấm phản dành để để đồ đạc. Một góc khác là chạn bếp, chỗ nấu ăn. Không gian giữa phòng – nơi duy nhất còn trống - là chỗ đặt bàn ăn và mấy chiếc ghế. Phòng cô Chỏi cũng là nơi nấu ăn chung của các thầy phòng bên cạnh. Cả thầy hiệu trưởng và cô hiệu phó cũng thường ăn cơm chung ở đây.
Mỗi khi cần làm việc, cô Chỏi phải nằm nhoài ra giường vì phòng không đủ chỗ kê bàn làm việc. Phòng bên cạnh của thầy Thuỵ do không phải nấu ăn nên kê được một chiếc bàn nhỏ. Phòng có 2 chiếc giường tầng thì 3 thầy mỗi thầy một tầng, còn 1 tầng để dành cất đồ đạc, chăn chiếu.
Gần chục thầy cô ăn uống nhờ chiếc bếp ga đơn và bộ bát đĩa sơ sài trong chạn bếp.
Một cô giáo mới lên đã chia sẻ rằng, ngày đầu tiên đi dạy phải nhịn đói đứng lớp vì tưởng trường nằm ở trung tâm xã thì chắc cũng có chợ, hay hàng quán.
Gọi là trung tâm bởi vì ngay phía sau trường là uỷ ban và trạm y tế xã Mẫu Sơn. Sát cổng trường có duy nhất một nhà dân bán vài chiếc kẹo, mấy gói mì tôm. Ngoài ra, chẳng có gì khác.
Thầy hiệu trưởng Đức nói với tôi rằng, trong bán kính 1km tính từ trường chắc chỉ có 10-12 nhà dân. Còn xa hơn, mỗi quả đồi chỉ có 2-3 hộ dân.
Chính vì thế, các thầy cô lên trường thường mua thức ăn từ đầu tuần, để tủ lạnh ăn dần, hiếm khi được ăn đồ tươi. Chiếc tủ lạnh cất đồ ăn cũng là để nhờ tủ dành cho học sinh nội trú. Riêng thức ăn của các em thì hằng ngày có người giao lên tận nơi.
Tất cả 20 thầy cô dùng chung một nhà vệ sinh chưa đầy 10m2 chia thành 2 phòng nam nữ và cũng là nơi tắm rửa luôn. May mắn, trường được các mạnh thường quân đầu tư cho chiếc bình nóng lạnh dùng cho mùa đông nên thầy cô không phải lịch kịch đun nước mỗi ngày.
Từ phía phòng cô Chỏi, thầy Thuỵ đi xuống là dãy 3 căn phòng, trong đó có phòng cô Mười, cô Tám. Phòng nào cũng có một cái bệ bê-tông rất to chiếm gần nữa phòng. Hỏi ra mới biết, những bệ bê-tông ấy chính là chân móng của nhà ăn phía trên. Trước kia, trường dự kiến quây vào để làm chuồng gà, nhưng chỗ ăn ở của các thầy cô bí quá nên xây tường bao quanh chân trụ làm thành 3 căn phòng, mỗi phòng chưa đầy 10m2.
Phòng của cô Mười kê một chiếc giường tầng. Tầng trên để đồ đạc. Tầng dưới, để rộng hơn cho 2 người nằm, các cô kê thêm phản vào phía trong, cơi nới được thêm 20cm. Chiếc giường sau khi cơi nới rộng chừng 1,2m.
Sát tường là chiếc bàn gỗ kiểu ngày xưa đã quá cũ kỹ, bọc ngoài là tấm nilon hoa xanh, vừa làm bàn nước, vừa để làm việc.
Không đủ chỗ để đặt thêm bất cứ thứ gì, các cô dùng chiếc sào bắc ngang để treo quần áo. Cánh cửa gỗ tạm bợ chắc được ai đó đóng vội.
Từ phòng cô Mười hay thầy Thuỵ nhìn ra xung quanh chỉ toàn là núi và mây. Lần đầu tiên dắt lên thăm phòng, thầy Thuỵ hào hứng khoe mây ở đây đẹp lắm.
Cô Chỏi là giáo viên lâu năm nhất ở Mẫu Sơn. Cô lên đây từ khi đứa thứ hai vừa tròn 2 tuổi. Năm nay nó đã 15.
Cô Chỏi vẫn còn nhớ như in những ngày đầu tiên lên Mẫu Sơn, phải cuốc bộ, gánh gồng 20kg đồ đạc vào điểm lẻ dạy học. Hôm ấy con cô ốm. Điểm lẻ chưa có điện đóm, đường sá gì nên gánh đồ của cô có cả chiếc đèn dầu.
Có điểm trường xa xôi, đi từ 3 giờ sáng thì 6 giờ mới lên đến nơi. Đường vắng, dốc, nhiều khi sợ, cô Chỏi lại chạy. “Lớp học cũng là nơi ăn ngủ của cô giáo. Sương mù lúc nào cũng vào tận trong phòng” - cô Chỏi kể.
Cách đây 2 năm - khi Mẫu Sơn vẫn còn điểm lẻ, các thầy cô vẫn còn lặn lội vào dạy như thế. Với cô Chỏi, điều kiện đi lại và sinh hoạt như bây giờ đã là quá sung sướng so với những ngày đi điểm lẻ, chẳng mong gì hơn.
Khi được hỏi, cô Chỏi không kể nhiều về những khó khăn, vất vả của mình, mà chỉ thấy xót xa cho hoàn cảnh của những đứa trẻ sinh ra đã phải chịu khổ.
Có em, nhà không có lấy nổi một cái giường. Giường là mấy cây tre dựng lên. Nhà chỉ có 2 cái nồi thì 1 cái không có quai.
Hỏi “sao không đi học?”, em bảo bố mẹ đi làm Trung Quốc, em phải nghỉ ở nhà nuôi lợn, nuôi gà. Mà lợn thì không phải lợn của mình. Người ta đưa về cho nuôi, đến Tết thì trả công bằng nửa con lợn.
Một lần đi vận động học sinh, gia đình quý lắm mới nấu được bát cơm và đĩa măng xào mời cô giáo. Còn ngày thường chỉ có cháo không.
Điều trăn trở nhất của cô Chỏi là học sinh Mẫu Sơn tiếp thu chậm hơn rất nhiều so với học sinh dưới xuôi, nên cả cô cả trò đều phải vất vả, nỗ lực gấp nhiều lần.
Nguyên nhân phần lớn do các em không có cơ hội tiếp xúc với xã hội bên ngoài, không có sự quan tâm, hướng dẫn của cha mẹ vì “trình độ của các em cao nhất nhà” – theo lời thầy hiệu trưởng Đức.
Nhiều gia đình phó mặc cho thầy cô từ đầu tuần tới cuối tuần. Có những ngày rét buốt, giục phụ huynh mang áo rét lên cho con cũng không thấy đâu. Các cô lại phải tìm quần áo cũ cho các con mặc.
Vì thế, ước mơ lớn nhất của cô Chỏi chỉ đơn giản là học sinh đi học đầy đủ, cô giảng hiểu bài.
Thầy Bảo sinh năm 1996, là thầy giáo trẻ nhất của Mẫu Sơn.
Thầy Bảo dùng từ “may mắn” khi nói về việc được đi dạy ở đây, so với nhiều bạn bè cùng lứa vẫn còn đang thất nghiệp hoặc phải chọn làm công việc khác.
Sinh ra và lớn lên ở huyện Lộc Bình - cách Mẫu Sơn hơn 100km, Bảo không nề hà lao vào những vùng khó khăn nhất của tỉnh, miễn là được đứng trên bục giảng.
Hơn 1 năm chưa xin được việc, Bảo ở nhà cạo dầu thông, lên rừng bẫy thú, đào thêm cây rừng về trồng… để trang trải cuộc sống.
Vào Mẫu Sơn được 3 tháng, thầy Bảo được phân công dạy các môn Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Kỹ thuật, Thủ công cho toàn bộ học sinh tiểu học. Bao nhiêu náo nức, nhiệt huyết của một thầy giáo mới ra trường được gửi gắm cả vào những bài giảng vẫn còn mới tinh những kiến thức, phương pháp giảng dạy mới.
Nếu bỏ qua hình ảnh những đứa trẻ ngồi tạm bợ ở khoảng sân có mái che trước khu nhà nội trú, mà chỉ lắng nghe tiết giảng phụ đạo môn Văn hoá đọc vào mỗi buổi chiều của thầy Bảo, sẽ không thấy có gì khác những giờ giảng của giáo viên thành phố.
Thầy Bảo yêu cầu các em kể lại câu chuyện bằng cách hoá thân vào nhân vật, diễn lại câu chuyện bằng trí tưởng tượng của mình. Trước những đứa trẻ vùng cao vốn nhút nhát, công việc này của thầy giáo trẻ không hề dễ dàng.
Vừa đi dạy vừa học liên thông lên đại học, những tháng đầu tiên, số tiền lương ít ỏi của thầy Bảo không đủ chi tiêu, tháng nào cũng phải xin thêm bố mẹ. Nhưng Bảo không hề nản chí và khẳng định chắc chắn rằng “em không hối hận khi học ngành sư phạm”.
“Em thấy thương học sinh của mình, có lẽ một phần vì em cũng là người dân tộc thiểu số, cũng từng sinh ra trong khó khăn, vất vả để có được con chữ”.
Nhưng Bảo nói, em vẫn còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ ở đây, vì bố mẹ em biết được giá trị của con chữ, biết được tầm quan trọng của việc học.
Nhỏ tuổi nhất trường nên Bảo hay gọi các thầy cô lớn tuổi bằng “bác”. Thầy giáo 22 tuổi tâm sự: “Ngày đầu tiên vào đây, em được thầy hiệu trưởng đưa vào tận nơi. Mới dạy được 3 tháng, các thầy cô giúp đỡ, ủng hộ em nhiều. Mọi người sống với nhau rất vui. Nhưng dịp cuối tuần mọi người về hết, chỉ có mình em thì hơi buồn. Nhìn xung quanh chỉ có 2 quả đồi…”
Phải đến lúc ra về, qua một thầy giáo, tôi mới biết chồng cô hiện đang mắc ung thư giai đoạn cuối. Một mình cô Mười cáng đáng cả gia đình với 2 đứa con. Sẽ không ai nhận ra sự bất hạnh của cô giáo tiếng Anh người dân tộc Nùng khi nhìn vào cách nói chuyện vui vẻ, cởi mở và lúc nào cũng tràn đầy lạc quan.
Đi dạy được 18 năm, Mẫu Sơn là ngôi trường thứ 4 cô Mười được phân công về công tác. Đây cũng là ngôi trường xa nhà và khó khăn nhất mà cô từng dạy.
Cô rớm nước mắt khi nhớ lại câu nói của cậu con trai học lớp 5: “Mẹ người ta đi làm lúc trời sáng. Mẹ mình đi làm lúc Trăng sáng”.
Lần nào mẹ dậy sớm vào trường, cậu bé cũng tỉnh giấc, rồi chạy ra chặn cửa không cho mẹ đi.
“Lần đầu tiên vào trường, mình toàn đi chệch ra khỏi làn bê-tông. Hết nửa học kỳ mới quen đường”.
Có lần mua thức ăn mang lên, đi đường nhiều ổ gà quá nên lên đến nơi chỉ còn quai túi. Thức ăn rơi dọc đường bao giờ không biết.
“Những ngày đầu lên đây, nếu nói là không ‘sốc’ thì không đúng. Mẫu Sơn khác rất nhiều so với những trường trước kia mình từng dạy. Có lên đây mới hiểu được các anh chị đã làm ở đây lâu năm đã phải nỗ lực như thế nào”.
Với học sinh Mẫu Sơn, dạy tiếng Việt đã khó. Dạy tiếng Anh quả là một thách thức với các cô.
Nguồn động viên lớn nhất của cô Mười là những học trò ngoan. Nhiều lúc cô bận, các em xúm vào giúp cô nhặt rau, nấu cơm. Thỉnh thoảng, cô lại mua vài củ khoai, cái kẹo cho các em.
“Học sinh ở đây thiệt thòi đủ đường. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn đã đành, các em còn không có cơ hội tiếp cận với thông tin đại chúng, không có tivi mà xem. Thế nên, nhiều khi trong bài giảng, mình cũng muốn mang những câu chuyện thời sự đến với các em”.
Thầy Tô Minh Đức – hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Mẫu Sơn cho biết tôi lên thăm trường đúng thời điểm chỉ còn 3 ngày nữa toàn bộ khu phòng học sẽ được tháo dỡ để xây mới với 8 phòng học chia thành 2 tầng. 5 phòng học hiện tại đã được xây từ năm 1997.
Dự kiến tháng 8 năm sau, khu phòng học này mới hoàn thành. Trong gần 1 năm tới, các thầy cô sẽ phải “di tản” sang phòng bảo vệ, phòng họp, ở ghép đông hơn để nhường phòng ở công vụ cho học sinh.
Điều kiện sinh hoạt của các thầy cô đã bất tiện nay lại càng khó khăn hơn. Nhưng đó cũng là một niềm vui lớn khi chỉ còn gần 1 năm nữa, các thầy cô và học sinh Mẫu Sơn sẽ được học trong những phòng học mới khang trang, sạch sẽ hơn.
“Còn 2 phòng nội trú của học sinh, theo kế hoạch, 2 năm nữa khu này sẽ được xây mới lên 8 phòng theo dự án THCS đối với các trường khó khăn. Với các phòng công vụ của thầy cô, nhà trường cũng từng đề xuất nhưng vì mới xây năm 2005 nên chưa có kế hoạch. Hiện tại, trường cũng chưa có các phòng chức năng như thư viện, phòng máy, sân đa năng… Chúng tôi vừa mới làm tờ trình UBND huyện xin thêm quỹ đất” – Hiệu trưởng Đức cho biết.
Khi được hỏi về tỷ lệ giáo viên xin chuyển trường sau khi hoàn thành nhiệm vụ 3 năm công tác vùng khó, hiệu trưởng Đức thành thật chia sẻ, số lượng thầy cô xin đi rất ít. Hầu như các thầy cô đều cố gắng lưu lại, một phần nhờ chế độ công tác tốt hơn vùng xuôi một chút, tạo động lực cho các thầy cô. Song những nỗ lực của thầy cô ở đây không ai có thể phủ nhận.
Tất cả các lớp học sáng đèn đến 8 giờ 30 phút tối
Cứ 6 giờ 30 phút tối, tất cả các lớp học sáng đèn đến 8 giờ 30 phút. Dù mỗi lớp chỉ học chính khoá một buổi sáng hoặc chiều, song các cô giáo, đặc biệt là cấp tiểu học, vẫn tập hợp các em học và ôn bài đủ 3 buổi sáng, chiều, tối.
Thiếu lớp học, các thầy cô tận dụng tất cả khoảng sân trước phòng nội trú, phòng công vụ, bậc thềm… để đặt bàn ghế cho những giờ học tăng cường.
Khó khăn cơ sở vật chất là vậy, nhưng khi được hỏi, mong mỏi lớn nhất của các thầy cô lại không phải là xây trường to, nhà công vụ đẹp. Như thầy giáo trẻ Đặng Phúc Bảo chia sẻ giản dị: “Chỉ mong học sinh dân tộc ngày càng giỏi hơn, cuộc sống người dân khá giả hơn”.
Được đồng nghiệp nhận xét là một giáo viên tâm huyết và cần mẫn, cô Chỏi nói: “Không có ai bắt buộc các cô phải lên lớp ngoài giờ. Các cô cũng không được hưởng chế độ gì thêm. Chỉ vì cảm thấy học sinh của mình còn yếu thì mình phải làm thế nào cho các em đọc thông viết thạo”.
Còn cô Mười, khi hỏi về ngày 20/11, vẫn là câu trả lời không gây ngạc nhiên: “Cũng yên ắng như bao ngày khác. Nhưng không phải vì thế mà mình buồn”.
Mỗi ngày trôi qua dưới chân núi Mẫu Sơn, những người thầy ấy vẫn đang dốc hết tình yêu nghề, yêu trẻ chỉ với hi vọng những đứa trẻ vùng khó đọc thông viết thạo, lớn lên và trưởng thành để quay lại giúp người thân của chúng thoát cảnh nghèo, cảnh khổ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn