Giọng nói dịu dàng, dễ mến là ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp cô giáo Hoàng Thị Nhung tại Trung tâm Giáo dục trẻ em "Ngày mới" (TP Hà Tĩnh). Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, nhận thấy có nhiều trẻ tự kỷ không đủ điều kiện hỗ trợ can thiệp sớm, cô Nhung học thêm khóa đào tạo về chuyên dạy trẻ tự kỷ, chậm nói, chậm phát triển trí tuệ. Sau khi tốt nghiệp, Nhung vào làm việc tại Trung tâm Giáo dục trẻ em "Ngày mới".
"Ngoài những yếu tố cần có như kiến thức, được đào tạo bài bản, sự kiên trì, tình yêu nghề, yêu trẻ thì giáo viên dạy trẻ tự kỷ cần có sự thấu cảm" - cô Hoàng Thị Nhung chia sẻ.
Dù được đào tạo, nhưng khi tiếp xúc với những trẻ tự kỷ, cô giáo Nhung gặp phải không ít khó khăn. Đến giờ, cô vẫn còn nhớ như in những ngày đầu dạy cho trẻ tự kỷ. Đó là khi cô tiếp xúc với cậu bé 4 tuổi nhưng thường xuyên la hét, những ngày đầu chỉ trốn vào góc, nếu cô đến gần, bé sẽ chạy vòng quanh nhà hoặc bột phát cơn giận dữ. Hơn 1 tháng, trẻ mới chịu giao tiếp với cô và phải mất 3 tháng trời, cô mới dạy bé biết nói từ đầu tiên “ạ”.
“Dẫu bé chỉ nói được 1 từ nhưng em mừng lắm khi biết mình đã áp dụng thành công chương trình, giáo án. Từ đó, cứ mỗi ngày, bé lại có nhiều tiến triển tốt” - Nhung chia sẻ.
Dạy trẻ tự kỷ học cách nghe, nhìn mặt đối mặt, bắt chước tạo ra âm thanh, dạy các từ có ý nghĩa gắn với tình huống… để từng bước giúp trẻ giao tiếp.
Cô Nhung cho biết, dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp, giáo viên cần có giáo án cụ thể, chi tiết về nội dung. Đặc biệt, mỗi giáo viên phải quan sát các em thật kỹ lưỡng để hiểu rõ hơn sở thích, yêu, ghét của trẻ, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mỗi em, từ đó, lựa chọn phương pháp phù hợp, giúp trẻ cảm thấy thích thú với việc học.
“Đến với trẻ đặc biệt không chỉ bằng tình thương, mà còn như một duyên nợ. Càng gắn bó với các bé, em càng thấy cuộc sống ý nghĩa hơn” - cô Nhung trải lòng.
Giờ học của nhóm trẻ em tự kỷ tại Trung tâm Giáo dục trẻ em "Ngày mới"
Dạy trẻ mắc chứng tự kỷ, các cô giáo đều thừa nhận, chính bọn trẻ giúp mình rèn luyện sự kiên trì và nhẫn nại. Tuy vất vả, mệt mỏi nhưng hầu hết cô giáo ở trung tâm đều yêu thương, kiên trì với học trò vì họ biết rằng, mình đang chia sẻ thiệt thòi với các cháu, nỗi đau của các bậc cha mẹ.
“Nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi lắm nhưng khi thấy các cháu tiến bộ là mình cảm thấy rất hạnh phúc. Có hôm, phụ huynh chỉ cần khoe con mình nói được 2 từ “cảm ơn” mà mình vui mừng đến phát khóc”, cô giáo Trần Thị Ngọc - giáo viên Trung tâm Giáo dục trẻ em “Ngày mới” chia sẻ.
Sự tiến bộ của các em đã tạo động lực để các cô tiếp tục gắn bó với nghề
Theo thầy giáo Hoàng Văn Quyết - Giám đốc Trung tâm Giáo dục trẻ em "Ngày mới", dạy trẻ tự kỷ thực sự là một chặng đường không hề đơn giản. Thầy cô giáo phải cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi, cùng học với các bé. Không những thế còn phải nắm vững kiến thức chuyên môn vì mỗi bé là một giáo trình, tùy theo từng biểu hiện nặng nhẹ khác nhau mà có những phương pháp can thiệp khác nhau. Đó là một hành trình nhiều nước mắt, đầy khó khăn và muôn vàn thử thách, hành trình ấy phải luôn có sự xúc tác từ tâm sức và tình yêu thương xuất phát từ gia đình và từ chính các giáo viên dạy trẻ.
Thầy Quyết cho rằng, các bậc phụ huynh không nên giấu khi phát hiện con mình có dấu hiệu tự kỷ mà nên sớm phối hợp với các cơ sở và giáo viên để giúp trẻ điều chỉnh hành vi, hòa nhập với cộng đồng. Không điều gì có thể giúp trẻ hiệu quả hơn bằng việc chấp nhận và yêu thương con bạn vô điều kiện.
Tác giả bài viết: Nam Giang
Nguồn tin: (Baohatinh.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn