Ngày 16-2, tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị "Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên", với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế và 19 địa phương ở khu vực này. Hội nghị nhằm thúc đẩy sự liên kết để đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế ở miền Trung - Tây Nguyên.
Từng bước thành mũi nhọn
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cho biết năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến miền Trung và Tây Nguyên đạt 58 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 9,5 triệu lượt; tổng doanh thu từ du lịch là 120.000 tỉ đồng. Điều này khẳng định du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực.
Tuy nhiên, ông Thọ khẳng định du lịch miền Trung - Tây Nguyên thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng thông qua khai thác thô tài nguyên; sự phát triển chưa tương xứng vị thế và tiềm năng. Trong đó, nổi lên những tồn tại về tính liên kết, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và trong hoạt động xúc tiến, quảng bá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các địa phương trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp. Ảnh: QUANG NHẬT
Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khẳng định khu vực này tồn tại nhiều vấn đề như hạ tầng kết nối, du lịch tàu biển có nhiều lợi thế nhưng chưa có cảng du lịch chuyên dụng, sự chênh lệch trong khai thác các cảng hàng không, năng lực quảng bá chưa tới tầm...
Ông Thiện đề nghị các địa phương trong khu vực cần hoàn thiện cơ chế chính sách trong phát triển du lịch, đẩy mạnh xây dựng kế hoạch, thực hiện các nghị quyết của trung ương về chiến lược phát triển du lịch, xây dựng để thực hiện đề án cơ cấu lại ngành du lịch. Bảo đảm môi trường du lịch, tập trung phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao quảng bá. Đặc biệt, phải đề cao tính liên kết, phát huy trong từng cụm như Quảng Bình - Quảng Trị với Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh để làm điển hình nhân rộng, qua đó đẩy mạnh liên kết trong tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Các địa phương cần xác định yếu tố đặc thù của mình, kết hợp đan xen, bổ trợ với các địa phương khác cùng trong khu vực.
Thiếu quyền tự chủ
TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung - chia sẻ 3 nhóm ý kiến. Trong đó, nhấn mạnh cần thay đổi tư duy, không phát triển du lịch theo điểm, theo đơn vị hành chính mà xây dựng thành vùng du lịch, nhất là liên kết vùng giữa các tỉnh miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên.
TS Trần Du Lịch cho rằng miền Trung nên chia ra 2 khu vực để có những chính sách phù hợp. Trong đó, khu vực 1 sẽ từ Quảng Bình vào Quảng Ngãi, nơi du lịch tương đối hoàn chỉnh; khu vực 2 từ Bình Định đến Bình Thuận gắn với Tây Nguyên.
"Miền Trung như cái máng xối, Tây Nguyên là mái nhà. Hai vùng này liên kết với nhau thì ngành du lịch có sự bứt phá mãnh liệt. Để kết hợp được thì cần xây dựng hoàn thiện các đường giao thông kết nối như dạng xương cá" - TS Trần Du Lịch phân tích và kiến nghị nên có những chính sách để các tập đoàn kinh tế tư nhân đóng vai trò như những con sếu đầu đàn, họ sẽ kết hợp với dân cư, doanh nghiệp nhỏ tạo ra thế mạnh rất lớn.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt câu hỏi tầm nhìn quy hoạch phát triển hiện nay thế nào và đưa ra đáp án: "Quy hoạch trước đây tập trung khai thác những gì có sẵn, theo nguyên lý tận khai, có gì ăn đó, thành tích dựa vào khai thác tự nhiên, làm sao thu hút nhà đầu tư chiến lược? Đà Nẵng là hình mẫu nhưng không có nơi cho du khách sống về đêm thì đó là sự hạn chế" - ông Thiên nhấn mạnh.
Về thể chế vùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định đã bàn tại nhiều hội nghị nhưng rất khó vì Hiến pháp không quy định. Các địa phương ở miền Trung thiếu quyền tự chủ nên cần giao trách nhiệm, quyền lực rõ ràng. Miền Trung - Tây Nguyên lấy Hải Vân làm trụ thì hai bên sẽ là hai cánh gà, tạo các cánh du lịch, nếu hợp lại với nhau sẽ có thế mạnh cực lớn, du lịch miền Trung sẽ bùng lên. Nhưng các tỉnh miền Trung cần được gia tăng áp lực chứ không nên dành cho nhiều lời khen.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, đề xuất tạo điều kiện, cơ chế huy động nguồn lực kinh tế tư nhân trong đầu tư phát triển du lịch xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ du lịch; khu du lịch, vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm quy mô lớn… Ngoài ra, cần có chính sách nới lỏng visa, tạo cơ chế xã hội hóa quảng bá du lịch để đạt được những hiệu quả cao nhất cho ngành du lịch.
Chậm đổi mới
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên đủ điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các cụm ngành du lịch đồng bộ chứ không chỉ khai thác tài nguyên đơn thuần. Thủ tướng ví tài nguyên khu vực miền Trung - Tây Nguyên như viên ngọc thô chưa được mài giũa hoặc chưa tìm được người thợ xứng đáng. Nhiều tài nguyên đôi khi cũng mang đến sự bất lợi bởi chúng ta chưa tìm được bản sắc trong lựa chọn thương hiệu, ưu tiên đầu tư trong khi nguồn lực có giới hạn. Tài nguyên nhiều đôi khi còn là cái bẫy trong việc chắt chiu khai thác, quản lý, sử dụng dẫn đến tài nguyên bị lãng phí.
Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt chưa được trong khai thác du lịch của khu vực này nói riêng và cả nước nói chung đang mất cân đối, thiếu sâu sắc, nhạt bản sắc hoặc là sắc thái chưa ấn tượng. "Còn thiếu một kiến trúc du lịch mang đặc sắc Việt Nam rõ nét để thu hút mạnh mẽ hơn khách du lịch toàn cầu đến với Việt Nam" - Thủ tướng đúc kết và cho rằng việc xung đột lợi ích, tầm nhìn ngắn hạn khiến các khu du lịch bị tàn phá, tài nguyên bị cạn kiệt không thể phục hồi, chất lượng dịch vụ, năng lực phục vụ còn hạn chế. Ngành du lịch cũng chậm đổi mới cả nội dung lẫn hình thức. Bên cạnh đó, tình trạng "chặt chém" du khách, taxi "dù", lừa đảo, chèn ép du khách, mất an ninh trật tự..., dù không phổ biến nhưng đã làm xấu hình ảnh đất nước Việt Nam xinh đẹp trong lòng du khách.
"Có trên 3,7 triệu tin, bài liên quan đến từ khóa "chặt chém" trên công cụ tìm kiếm. Phải xử lý nghiêm nhà hàng ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) về việc một đĩa rau lấy của khách 500.000 đồng hay lên án các hiện tượng như xích lô đi lòng vòng rồi từ lúc đầu nói 20.000 đồng nhưng sau lấy 200.000 đồng. Mặc dù chỉ mang tính cá biệt nhưng hiện tượng này rất tai hại đối với một đất nước, phải lên án, xử lý nghiêm" - Thủ tướng nhấn mạnh và nhắc nhở đừng để "chặt chém" trở thành thương hiệu ở một số địa phương.
Theo Thủ tướng, ngành du lịch cần suy nghĩ làm sao đưa văn hóa bản địa đến với du khách một cách sâu đậm, ấn tượng hơn, cùng với dấu chân du khách lan tỏa trên toàn thế giới hay thổi hồn vào các câu chuyện văn hóa, lịch sử của đất nước. Ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngoại ngữ; cần đa dạng hóa; không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; tăng cường liên kết du lịch; chú trọng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục.
Về chính sách thị thực đang được nhiều đại biểu quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vừa ký nghị quyết áp dụng visa điện tử thêm 34 nước, nâng tổng số lên 105 nước, vùng lãnh thổ áp dụng visa điện tử.
Còn nhiều việc phải làm
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho ngành du lịch những câu hỏi: Làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn, ở lại lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn; làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một cái xấu gì đó ở Việt Nam; làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại?...
Thủ tướng cho rằng nhìn tổng thể, những năm qua ngành du lịch đã trả lời được một số câu hỏi nói trên nhưng thực tế cho thấy các câu trả lời vẫn chưa thật sự xuất sắc lắm và ngành du lịch Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn nhiều việc phải làm.
Trao quyết định chủ trương đầu tư 19 dự án
7 tỉnh, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư 19 dự án ngay tại hội nghị này cho các doanh nghiệp với tổng mức đăng ký đầu tư hơn 36.000 tỉ đồng. Trong đó, Quảng Bình có 5 dự án với hơn 7.715 tỉ đồng; Quảng Trị có 1 dự án với 492,6 tỉ đồng; TP Đà Nẵng 1 dự án với 1.280 tỉ đồng; Quảng Nam 2 dự án với hơn 2.504 tỉ đồng; Bình Định 3 dự án với hơn 5.494 tỉ đồng; Ninh Thuận 3 dự án với 5.559 tỉ đồng; Thừa Thiên - Huế 4 dự án với 13.072 tỉ đồng.
Kỳ tới: Du lịch Tây Nguyên thức dậy và đi tới
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn