Sắc xuân ở làng di sản ký ức thế giới Trường Lưu

Thứ năm - 07/02/2019 18:53
Trường Lưu có đến hai niềm tự hào đóng góp vào di sản thế giới UNESCO: Mộc bản Trường học Phúc Giang và Di sản tư liệu ký ức thế giới Hoàng hoa sứ trình đồ.

Xuân về trong lòng người và cả đất trời Trường Lưu

Một ngày trời khá dịu, trên con đường dẫn tôi về Trường Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) nắng thu buông nhẹ xua tan dần những ẩm ướt trên các cành cây. Đi giữa âm thanh của cuộc sống đời thường xen lẫn những suy nghĩ mơ hồ trước cảnh núi xa xa, đồng rộng rãi, sông êm trôi, chúng tôi bắt gặp những chuyến xe phiên chợ cuối năm, những tiếng lạch cạch dọn dẹp trong phấn khởi, xốn xang.

Đầu làng, qua rặng tre bên sông, cổng chào đã được dán băng cờ khẩu hiệu. Sắc xuân buông nhẹ lên cây cỏ quyện vào lớp sương mờ huyền ảo đang phủ lên mái đình gốc đa, dệt nên một bức tranh xuân cổ kính bí ẩn như minh chứng cho sự trường tồn của ngôi làng cổ kính.


Empty
Làng di sản ký ức thế giới Trường Lưu

Những chiếc lá bàng cuối cùng đã rụng xuống đêm qua, vạt cải lấm tấm hoa vàng đang nghiêng mình đón những hạt nắng ấm áp đầu tiên. Trên các cành cây khẳng khiu trơ trụi được “chấm phá” lên những nét chồi non, lộc biếc. Bên dưới nền đường, màu lá úa phủ khắp lối đi. Cơn gió nhẹ thoáng qua cũng đủ làm nhiều những chiếc lá rơi xào xạc. Đâu đó trong mỗi gốc cây ngọn cỏ, nàng xuân lẩn khuất và e thẹn nhẹ nhàng bước chân mùa xuân đến với mọi người, mọi nhà và đến với làng quê Trường Lưu. 

Sắc xuân đang lan tỏa đến từng nhà, từng thôn xóm ở vùng quê này; con cháu trong Làng ở phương xa có rất nhiều người trở về, bởi Tết năm này đặc biệt hơn mọi năm khi Làng Trường Lưu vốn đã nổi tiếng với di sản Mộc bản Trường học Phúc Giang, nay lại vừa vinh dự đón nhận công bố Hoàng hoa sứ trình đồ là Di sản tư liệu ký ức thế giới.

Khoảnh khắc của sự kiện đặc biệt này, không khí náo nức, nhộn nhịp bắt đầu lan tỏa khắp xóm làng. Trên mỗi gương mặt cụ già, con trẻ đều ánh lên nét tươi vui, phấn khởi, tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống. Trong mỗi câu chuyện, trong từng hồi ức của họ lấp lánh niềm tự hào về những giá trị mà ông cha đã tạo dựng, bởi thêm một lần nữa những giá trị văn hoá độc đáo của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) lại được tô đậm, đóng góp quan trọng vào dòng chảy văn hoá của dân tộc.

 

3.1

Mộc bản Trường Lưu

Dẫn chúng tôi dạo trên tuyến đường rạo rực sắc xuân trong Làng, các cụ cao niên cho biết: Làng này hình thành cách đây 600 năm. Trước, làng nằm ngoài đồng làng Vạc gần bờ sông, giáp Song Lộc, Phú Lộc sau chuyển về núi Phượng Lĩnh rồi phát triển rộng ra, gắn với sinh cơ lập nghiệp.

“Hiếm có đất nào như Trường Lưu, có đến hai niềm tự hào đóng góp vào di sản thế giới UNESCO: Mộc bản Trường học Phúc Giang và Di sản tư liệu ký ức thế giới Hoàng hoa sứ trình đồ. Ngoài ra còn nổi tiếng với nghề dệt vải và hát phường vải”, cụ Quang vui vẻ nói.

Điểm tựa văn hóa và con người Trường Lưu

Cái gốc của văn hóa cốt ở sự học, cái tươi mới của văn hóa cốt ở đời sống cộng đồng. Trường Lưu đã hội tụ hai yếu tố này như một mối tình bện chặt. Tư liệu viết: Trường học Phúc Giang là nơi đào tạo hơn 30 tiến sỹ và rất nhiều hương cống, cử nhân. Nhiều người trong số họ là các nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà ngoại giao.

Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc chữ Hán ngược dùng để in sách phục vụ việc dạy và học, đã trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo lưu giữ các bút tích, ấn triện, gia huy, chứa đựng nhiều thông tin về chính trị - xã hội, tư tưởng - văn hóa, bang giao... Lớp sau noi theo lớp trước, truyền thống hiếu học tuôn chảy thành dòng.

 

Empty

Những cụ cao niên trong làng tự hào về truyền thống và lịch sử của ngôi làng

Đi từ sức mạnh nội sinh với “cái chữ” và “cái tình”, Trường Lộc ngày nay đã đổi thay có thể nhìn thấy. Không khí tết ở làng di sản ký ức thế giới Trường Lưu hiện hữu ngay ở những địa chỉ văn hóa, bởi mảnh đất này đã có 11 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia. Toàn xã có 40 dòng họ, thì dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu đã chiếm 2/3. Trải qua 20 đời, dòng họ Nguyễn Huy đã đóng góp cho dân tộc 3 danh nhân văn hoá, 2 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới và gần 40 viện sỹ, tiến sỹ, giáo sư đầu ngành. Những “tài sản” ấy không chỉ làm rạng danh dòng họ, quê hương mà còn góp phần to lớn vào các thời kỳ dựng xây đất nước.

 

3

"Hoàng hoa sứ trình đồ"

Các lễ hội ở Trường Lưu đều gắn với truyền thống tâm linh, bởi họ luôn coi trọng tín ngưỡng tâm linh, hướng niềm tin vào tổ tiên, thần linh. Trong dịp Tết đến, xuân về, từng đoàn người đến nhà thờ dòng họ cúng tế tổ tiên trong ngày Tết. Những nghi thức cổ truyền trang trọng, các bàn thờ đầy những nén nhang tỏa ngát hương trầm với nhiều bông hoa khoe sắc, bên những cỗ bồng đầy ắp hoa quả, tạo nên không khí trang nghiêm, cổ kính, đậm đà bản sắc dân tộc để cầu cho một năm mới hạnh phúc và bình an, làm ăn phát tài, phát lộc.

 

Empty

Đất Trường Lưu có 11 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia

Nếu may mắn được đến đây trong giờ cúng tế hoặc lễ rước sắc phong vào đêm giao thừa thì mới thấy hết được cái hồn Xuân nơi làng quê di sản này. Theo như lời kể của người ở đây, vào dịp này những vị chức sắc trong ban tế lễ với trang phục áo dài, khăn đóng truyền thống cùng bà con trong làng rước sắc phong trên kiệu hoa trang nghiêm, lộng lẫy từ nơi cất giữ sắc phong về đình làm lễ cúng rước ông bà về làng cùng với con cháu trong ba ngày Xuân. Đoàn người hòa trong tiếng nhạc ngũ âm, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng kèn vang lên rộn rã, réo rắt cho ta cái cảm giác đang sống lại những ngày xa xưa cùng với ông bà, tổ tiên bên những nén hương tỏ lòng thành kính.

 

5

Những ngôi nhà gỗ cổ kính gắn liền với lịch sử Trường Lưu

Dứt lễ cúng, mọi người cùng nhau đàm đạo thân mật bên cốc rượu, chén trà ấm cúng, thấm đượm tình làng nghĩa xóm, đem lại sự ấm áp cho cả thân thể lẫn tâm hồn mà đã trở thành giá trị văn hóa kết nối tâm hồn con người. Để mỗi người con Làng Trường Lưu dù đi đâu cũng luôn nhớ về quê hương, gia đình và trở về quây quần, sum họp với những người thân yêu vào mỗi dịp trời đất chuyển mình sang xuân.

Theo giadinhvietnam.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây