Từ nghìn đời nay, gắn liền với tập tục ăn Tết Nguyên đán của người Việt Nam thì hình ảnh bánh chưng là một biểu tượng thiêng liêng trong truyền thống uống nước nhớ nguồn và là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Dù nghèo khó hay có cuộc sống xa hoa, ở quê hương hay đi ra sinh sống nước ngoài thì người Việt Nam vẫn giữ tập quán ăn Tết Nguyên đán theo âm lịch. Vào ngày tết, trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu bánh chưng.
 

Mặc dù ai cũng biết bánh chưng truyền thống phải được gói bằng lá dong mới có màu xanh đẹp mắt và hương vị đặc trưng, nhưng có lẽ phần lớn người ăn bánh chưng không biết hình thù cây lá dong như thế nào, cũng như không biết lá dong được lấy từ đâu đưa về gói bánh.

Thôn Vĩnh Phúc thuộc xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ được mệnh danh là thủ phủ lá dong của tỉnh Hà Tĩnh, vì đây là vùng trồng lá dong tập trung, có sản lượng nhiều nhất trong tỉnh. Lá dong ở làng này khi ra chợ được khách hàng ưa chuộng vì lá to, mềm và màu xanh rất tươi. Toàn thôn Vĩnh Phúc có gần 200 hộ dân thì hầu như nhà nào cũng trồng lá dong.

Trước đây, lá dong để gói bánh chưng thường được người dân đi cắt từ trên rừng về. Nhưng từ khi người ta phát hiện cây lá dong cũng có thể trồng thâm canh thì loại cây này đã có mặt ở nhiều nơi ở các vùng đồng bằng, thậm chí thành thị cũng có thể trồng. Trong ảnh là vườn cây lá dong ở thôn Vĩnh Phúc, xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh)

Advertisement

Toàn thôn Vĩnh Phúc có gần 200 hộ dân thì phần lớn gia đình đều trồng lá dong. Nhà nhiều thì trồng vài sào đất, nhà ít thì vài chục mét vuông. Theo người dân nơi đây, cứ đến dịp từ giữa tháng chạp là họ bắt đầu thu hoạch lá dong để bán cho các chủ tiệm làm bánh chưng ở thị trấn Đức Thọ hoặc thương lái khắp nơi về mua sỉ. Có nhà trồng nhiều bán vụ tết được trên 20 triệu đồng, nhà trồng ít thì cũng được 2-3 triệu đồng

Chị Đàm Thị Luyến đang tranh thủ cắt lá dong trong ngày thời tiết khô ráo. Gia đình chị trồng được khoảng một sào lá dong, chỉ thu hoạch bán vào dịp gần Tết Nguyên đán, bình quân mỗi vụ bán được khoảng 9 triệu đồng

Theo chị Luyến, loài cây lá dong không cần chăm sóc nhiều. Cứ sau mỗi lần cắt lá, người nông dân chỉ làm sạch cỏ rác ở gốc rồi bón một ít phân lân và đạm, cây sẽ lại ra lá mới. Có gia đình chăm bón và thu hoạch lá dong 3 vụ/năm, nhưng chị Luyến chỉ thu hoạch một vụ vào giáp tết vì theo chị thì thu hoạch nhiều đợt làm cây sinh trưởng kém đi và nhỏ hơn

Đi khắp mọi ngả đường trong thôn Vĩnh Phúc đều bắt gặp những vườn lá dong xanh tốt đang chờ khách đặt hàng đến cắt đưa ra chợ tết

Lá dong Đức Vĩnh nổi tiếng và được khách mua ưa chuộng vì lá to, dài và mềm. Lá dong được trồng ở trên đất phù sa ven sông Lam này có màu xanh mướt, giữ màu lâu sau khi cắt mà không úa vàng. Đặc biệt, bánh chưng được gói bằng lá dong này sau khi nấu chín vẫn có màu xanh đẹp mắt, hương thơm của lá hòa quyện vào vị bánh rất rất đặc trưng, khác hẳn lá dong cắt từ trên rừng về

Lá dong sau khi cắt được phân loại theo kích cỡ to, trung bình và nhỏ rồi được bó lại mỗi bó 100 lá để bán. Giá bán lá dong khác nhau theo kích cỡ lá đã được phân loại, loại lá to nhất sẽ được bán với giá khoảng 70.000 đồng/100 lá

Anh Nguyễn Thanh Tùng xếp từng bó lá dong vào nhà chờ khách đã đặt hàng đến mua. Anh cho biết, lá dong thôn Vĩnh Phúc năm nay đẹp nên dễ bán, thời tiết cũng đang khô ráo nên thuận tiện cho việc thu hoạch

Sau khi cắt lá dong, gốc cây sẽ lại sinh trưởng lá non cho vụ sau mà không cần người nông dân bỏ công chăm bón nhiều

Cụ Nguyễn Tửu (92 tuổi, ở thôn Vĩnh Phúc) cho biết truyền thống trồng lá dong của thôn này đã có từ hàng chục năm nay. Ban đầu người dân chỉ đưa về trồng thử để phục nhu cầu gói bánh cho gia đình vào dịp tết, nhưng sau đó họ phát hiện ra cây lá dong rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây nên trồng xen vào các mảnh đất hoang, dần dần mở rộng diện tích theo hướng kinh doanh. Trồng lá dong không phải là nghề chính của người dân ở đây, nhưng khoản thu nhập nhờ bán lá dong vào dịp giáp tết cũng giúp người dân ăn tết vui hơn.

Bài, ảnh: Quang Cường