Nhấn nút khai mạc Lễ phát động hưởng ứng tham gia Chương trình đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số trên Nền tảng đào tạo chuyển đổi số của tỉnh (Mobiedu).
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 85%. Tỷ lệ thôn, bản được phủ sóng di động băng rộng đạt 99,85% và băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 93%. Thử nghiệm đưa vào hoạt động mạng di động 5G tại các đô thị, khu công nghiệp, các cơ sở đào tạo, cơ quan nhà nước, địa điểm du lịch; 50% nền tảng số được triển khai trong Danh mục nền tảng số theo yêu cầu; 100% cơ quan, tổ chức Nhà nước và 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số có tính chất hạ tầng và 50% hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Đến năm 2030, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 95%. Hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s. Mạng băng rộng di động thế hệ thứ 5 (5G) phủ sóng 100% khu vực đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp; 80% khu dân cư sẵn sàng phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo. 100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp. 100% cơ quan, tổ chức Nhà nước, 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số quốc gia. 100% hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây đáp ứng các tiêu chuẩn quy định.
Phó Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đậu Tùng Lâm phát biểu tại Lễ phát động.
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra một số nhiệm vụ chủ yếu: Phát triển, phổ cập hạ tầng viễn thông, dịch vụ viễn thông băng rộng hiện đại, bền vững, an toàn; triển khai các giải pháp phổ cập smartphone tới người dân; Nâng cấp hoàn thiện Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, sử dụng công nghệ điện toán đám mây, có dự phòng bảo đảm an toàn thông tin; Phát triển hạ tầng công nghệ số, ưu tiên công nghệ Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) có tính ứng dụng cao như: Nhận dạng giọng nói, nhận dạng văn bản, nhận dạng hình ảnh để tích hợp vào các hệ thống dịch vụ công; Công nghệ chuỗi khối (blockchain); Internet vạn vật (IoT); cung cấp Giao diện lập trình ứng dụng (API) đáp ứng yêu cầu ứng dụng chính phủ số, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số; Phát triển Nền tảng số có tính chất hạ tầng hình thành hạ tầng cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số trên địa bàn tỉnh; Tăng cường các giải pháp đảm đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.
Để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ nói trên, UBND tỉnh đề ra 05 nhóm giải pháp để phát triển hạ tầng số, cụ thể: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số; Huy động nguồn lực thực hiện nhiệm vụ; Bảo đảm an toàn hạ tầng số, an toàn, an ninh mạng; Đo lường, quản lý, giám sát; Tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số.
Uyên Uyên
Theo Báo Xây dựng
Link gốc:
Hà Tĩnh: Tập trung đầu tư đồng bộ các nền tảng thuộc hạ tầng số (baoxaydung.com.vn)