Hà Tĩnh: Xây dựng nông thôn mới từ ý Đảng, lòng dân

Thứ sáu - 15/12/2023 10:36
Với phương châm “Nông thôn mới (NTM) chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, Hà Tĩnh vinh dự là tỉnh đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025.
D2023121506 1
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng Đoàn công tác kiểm tra NTM tại huyện Hương Khê.
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, Hà Tĩnh hoàn thành các tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM. Đó cũng là hành trình phấn đấu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Lấy mục tiêu xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững làm yếu tố cốt lõi trong suốt quá trình thực hiện; ưu tiên nguồn thu từ công nghiệp hỗ trợ, kích hoạt phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.

Hà Tĩnh triển khai nhiều hệ thống chính sách lớn về nông nghiệp và nông thôn mới (Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 51-NQ/HĐND quy định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022 - 2025...). Những chính sách “kích cầu” thực sự tạo nên động lực lớn, chuyển nền sản xuất theo hướng ngày càng hiện đại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số và bền vững hơn. Khắp các địa phương của Hà Tĩnh, tinh thần xây dựng NTM không có điểm kết thúc đã trở thành ý chí và quyết tâm cho mục tiêu lớn.
 
D2023121506 2
Khi ý Đảng, lòng dân đồng thuận xây dựng NTM ở Hà Tĩnh.
 
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Ngô Đình Long - Phó Chánh Văn phòng NTM tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Xác định chủ thể trong xây dựng NTM chính là người dân, lấy nông nghiệp, nông thôn làm nền tảng để triển khai hiệu quả Nghị quyết. Hiện nay, Hà Tĩnh đã có 1.100/1.626 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (67,65%); dự kiến đến năm 2024 có 70% số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (đạt yêu cầu của đề án tỉnh NTM). Các huyện, thành phố đã triển khai xây dựng 13 mô hình khu dân cư NTM thông minh, phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 20 mô hình thôn thông minh và 4 mô hình xã NTM thông minh”.
 
D2023121506 3
Xây dựng NTM không có điểm dừng, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc.
 
Hướng tới mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, cụ thể, khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của những “hạt nhân” gia đình tiêu biểu.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ, đồng hành đã được triển khai với cách làm “nâng đầu”, “đỡ cuối”, xây dựng và nhân rộng điển hình thông qua các phong trào phụ nữ thi đua xây dựng “Nhà sạch, vườn đẹp, chung sức xây dựng NTM”, xây dựng các mô hình “Chi hội 5 không, 3 sạch” gắn với khu dân cư kiểu mẫu, “CLB phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”...

Đến nay, Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng mô hình “Gia đình NTM kiểu mẫu” “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu”, “Gia đình 5 có - đô thị văn minh” tại 13/13 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh với 118 câu lạc bộ với 4.505 thành viên tham gia. Trong đó, có 6.857 hộ gia đình được quyết định công nhận “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu”; 168 chi hội 5 không, 3 sạch và 1.021 tổ, nhóm, câu lạc bộ thực hiện tiêu chí 5 không, 3 sạch; cắm biển công nhận 5.757 gia đình đạt “Nhà sạch - vườn đẹp”, “3 sạch”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hiên (thôn Tân Hương, xã Hương Trà, huyện Hương Khê) có nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau nhưng lúc nào cũng nền nếp, thuận hòa bởi ông bà, cha mẹ luôn mẫu mực, con cháu lễ phép, hiếu thảo; các thành viên thương yêu, chia sẻ công việc, cùng vun vén, xây đắp hạnh phúc. Mô hình trồng chè, cây ăn quả, vườn ươm cây giống, chăn nuôi gà, lợn của gia đình thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.

Chị Trương Thị Lượng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: “Mô hình “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu” đã góp phần tạo sự gắn kết, cơ hội bình đẳng để phụ nữ chia sẻ, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, hỗ trợ nhau, sắp xếp cuộc sống gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế, góp phần giữ gìn, phát huy, bồi đắp, lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình. Thời gian tới, để có thêm những “Gia đình 5 có - NTM kiểu mẫu”, các địa phương tiếp tục cập nhật yêu cầu mới của các tiêu chí cũng như kiên trì quan điểm xây dựng NTM không có điểm dừng, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”.

Trong số các quyết sách về hỗ trợ trên lĩnh vực giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, Nghị quyết số 72/2022/NQ-HĐND với sự đồng bộ trong chính sách cũng như quá trình tổ chức thực hiện đã tác động sâu rộng, toàn diện đến các lĩnh vực đời sống. Sau hơn 1 năm triển khai, tổng kinh phí thực hiện nghị quyết đạt hơn 797 tỷ đồng với gần 756.000 lượt người được thụ hưởng với các nhóm chính sách: Trợ giúp xã hội hằng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và cơ sở bảo trợ xã hội; hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện; hỗ trợ thu nhập cho thành viên hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội.

Trong hành trình xây dựng NTM, nhân dân và cán bộ huyện Thạch Hà nhiều lần vinh dự được Bộ Giao thông Vận tải và Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển giao thông nông thôn - miền núi. Đây là địa phương đi đầu trong tranh thủ chính sách hỗ trợ xi măng để xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND và Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Từ chính sách kích cầu hỗ trợ một phần kinh phí, mỗi năm, người dân Thạch Hà đã huy động nguồn lực đối ứng xây dựng mới trên dưới 100km đường giao thông nông thôn các loại.

Tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh. Mặc dù trong thời gian qua tổ chức có nhiều xáo trộn, chưa được kiện toàn nhưng đơn vị vẫn đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ. Năm 2024, Hà Tĩnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung cao để sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM.

Với sự vào cuộc tích cực và hiệu quả, đến nay, Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả bước đầu; tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án thí điểm, tỉnh gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo đánh giá giữa nhiệm kỳ, trong số 10 tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM, đến nay, Hà Tĩnh mới chỉ có 2/10 tiêu chí cơ bản đạt là quy hoạch và an ninh trật tự xã hội; 3/10 tiêu chí có khả năng hoàn thành gồm: Dịch vụ hành chính công; giáo dục và y tế; chỉ đạo, điều phối thực hiện chương trình xây dựng NTM; có 5 tiêu chí khó hoàn thành nếu không có sự nỗ lực và nguồn lực hỗ trợ gồm: Cơ sở hạ tầng kết nối và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững; văn hóa; môi trường và cảnh quan nông thôn; việc làm, thu nhập và hộ nghèo.

Rà soát cụ thể theo các nhóm mục tiêu, hiện nay còn 4 xã chưa đạt chuẩn NTM ở huyện Hương Khê; số lượng xã phấn đấu đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu còn thấp và tính bền vững chưa cao; tiến độ triển khai thực hiện một số chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM ở Kỳ Anh, Hương Khê còn chậm; kết quả thực hiện một số chỉ tiêu tại các huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu còn hạn chế. Tại nhiều địa phương, kết cấu hạ tầng được đầu tư đã bị xuống cấp; việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung còn nhiều khó khăn; sản phẩm đạt chuẩn OCOP có quy mô còn nhỏ, chưa có sản phẩm đạt chuẩn 5 sao.

Bên cạnh đó, bài toán về phát triển kinh tế nông thôn, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 46,08 triệu đồng (cuối năm 2022) lên mức tối thiểu 60 triệu đồng (năm 2025), theo mục tiêu đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM đến nay chưa tìm được lời giải hiệu quả.

Điểm nghẽn lớn nhất là thiếu nguồn lực của Trung ương đầu tư cho Đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM. Theo đề án, tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM và huyện Nghi Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với du lịch là 47.779 tỷ đồng... Tuy nhiên, việc huy động, bố trí nguồn lực để thực hiện đề án không đáp ứng được, Trung ương không phân bổ kinh phí theo đề xuất trong đề án; ngân sách tỉnh khó khăn nên bố trí nguồn lực còn hạn chế.

Các bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2022-2025 mới ban hành có những yêu cầu cao hơn giai đoạn trước khiến các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; huyện đã đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước đó phải tiếp tục đầu tư thêm công sức, nguồn lực để nâng cấp, cập nhật thì mới đảm bảo đạt chuẩn theo yêu cầu của giai đoạn mới.

Theo đánh giá giữa kỳ thực hiện Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, đến tháng 11/2023 có 2/10 tiêu chí hoàn thành, 5/10 tiêu chí đạt 60-80%, 3 tiêu chí đạt dưới 50%. Đến hết năm 2023 dự kiến toàn tỉnh có 100% xã NTM (hoàn thành kế hoạch đề án), 70 xã NTM nâng cao (78% kế hoạch), 13 xã NTM kiểu mẫu (70% kế hoạch), 9/13 địa phương đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM (69% kế hoạch).

Uyên Uyên
Theo Báo Xây dựng


Link gốc: Hà Tĩnh: Xây dựng nông thôn mới từ ý Đảng, lòng dân (baoxaydung.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây