Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) chủ động thay đổi thực đơn, không đưa thịt bò, thịt lợn vào bữa ăn
Trong khi người chăn nuôi khốn đốn thì nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống đang lao đao vì người dân quay lưng với 2 nguồn thực phẩm này. Nhiều trường học tại 13 huyện thị cũng chủ động đổi thực đơn bán trú cho học sinh.
Quán ăn đóng cửa vì ế ẩm
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, hiện, 13 huyện, thị tại Hà Tĩnh đã xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Hiện bệnh viêm da nổi cục đã khiến hơn 1.000 con trâu bò chết; khoảng 8.000 con đang mắc bệnh chưa qua 21 ngày, tập trung nhiều ở các huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh...
Thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi cũng đã xuất hiện trở lại tại 5 huyện gồm Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh với hơn 800 con lợn bị nhiễm bệnh phải đưa đi tiêu hủy. Trong đó, riêng huyện Đức Thọ đã có hơn 600 con mắc bệnh phải tiêu hủy.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ nhiều tháng qua người dân đã có tâm lý kiêng dè, lo ngại. Trong các mâm cơm hàng ngày, các gia đình đã cắt hẳn thịt lợn, thịt bò khiến nguồn cung sụt giảm, ế ẩm.
Chị Trần Thị Nhung (tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Vườn Ươm, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Gần một tháng số lượng khách mua giò chả và thịt tại quầy giảm đến 60 - 70% so với trước, đặc biệt, 6 ngày trở lại đây, lượng tiêu thụ giảm đến 80 - 90%”.
Trước tình cảnh vắng khách mua, nhiều quầy thịt tại các chợ đã phải cắt giảm số lượng nhập vào, thậm chí đóng quầy.
Tại chợ Phố Châu (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) có hơn 50 sạp bán thịt lợn; 10 sạp bán thịt bò và gần 10 sạp bán giò, chả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số lượng sạp thịt, giò, chả còn duy trì họp chợ chỉ còn khoảng 10%.
Nhiều nhà hàng, quán ăn tại TP Hà Tĩnh sử dụng thịt lợn, thịt bò làm nguyên liệu buộc phải đóng cửa hoặc mở bán thêm món mới.
Hơn 10 ngày qua, quán phở Thìn Hà Nội (đường Lê Duẩn, TP Hà Tĩnh) chỉ bát được 10 bát/ngày. Theo chủ quán cho biết, đây là “kỷ lục” trong suốt 5 năm qua của cửa hàng.
“Bình quân, mỗi ngày quán tôi bán tầm 200 - 220 bát, chưa kể vào ngày nghỉ. Chỉ riêng năm ngoái nghỉ phòng chống dịch Covid-19 thì bao giờ quán ế ẩm như thế này. Lượng bán giảm 90%, có ngày chỉ bán được 7 - 8 bát, trong khi hàng ngày vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên”, anh Nguyễn Mạnh Tưởng, chủ quán chia sẻ.
Không riêng gì quán anh Tưởng, nhiều nhà hàng, quán ăn kinh doanh thịt lợn, thịt bò cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thậm chí, nhiều quán ăn chuẩn bị khai trương cũng buộc phải dừng lại.
“Cửa hàng tôi từ trước đến nay đều lấy nguồn thịt có kiểm định và chất lượng. Tuy nhiên, người dân vẫn có tâm lý “tẩy chay” các mặt hàng này. Chúng tôi rất mong ngành Y tế đưa ra các khuyến cáo cụ thể để người tiêu dùng để không quay lưng với thịt bò, thịt lợn”, chủ tiệm Phở Cười (đường Lê Ninh) cho hay.
Để giảm bớt gánh nặng chi phí nhân viên, mua nguyên liệu, các quán hàng đồng loạt thông báo tạm nghỉ chờ đến khi dịch viêm da nổi cục ổn định sẽ mở bán trở lại.
Trường học chủ động đổi thực đơn
Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh cho biết: “Tháng 12/2020 dịch Viêm da lần đầu tiên xuất hiện trên đàn trâu bò của huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, sau đó lan rộng ở nhiều địa phương của tỉnh. Đây là căn bệnh gây nguy hiểm cho đàn trâu bò nhưng không lây lan sang người. Đối với Dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh tiêu hủy hơn 7.000 con lợn của hơn 100 xã. Chủ yếu nhỏ lẻ trong các hộ, bình quân 3 con/hộ”.
|
Tại các trường học có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn Hà Tĩnh đã chủ động lên phương án dự phòng, thay đổi thực đơn, siết chặt kiểm soát nguồn cung để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nhiều tháng nay, Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) đã chủ động thay đổi thực đơn. Toàn trường có 992 học sinh, trong đó hơn 800 học sinh đăng ký bán trú.
Bà Hồ Thị Hoài Anh, Phó Bí thư Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết, công tác kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm cho bữa ăn bán trú của trẻ luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Sau khi thông tin về dịch bệnh, nhà trường đã xin ý kiến Hội phụ huynh để đưa thịt bò và thịt lợn ra khỏi thực đơn.
“Đối với thịt bò, nhà trường cắt hoàn toàn từ sau nghỉ Tết Nguyên đán khi có thông tin về dịch viêm da nổi cục. Còn thịt lợn thì gần 1 tháng nay cũng không còn trong thực đơn”, bà Hoài Anh thông tin.
Nhiều phụ huynh của Trường Tiểu học Nam Hà cũng cho biết, họ cảm thấy yên tâm khi nhà trường thông báo tạm thời cắt thịt bò, thịt lợn trong bữa ăn bán trú của học sinh. Chị Phan Thị Hằng (phụ huynh học sinh lớp 4) chia sẻ, dù chưa có việc cấm sử dụng thịt lợn, thịt bò, nhưng việc nhà trường quan tâm đến sự an toàn trong bữa ăn cho các cháu, chị cảm thấy hài lòng và yên tâm.
Tại huyện Cẩm Xuyên, một trong những địa bàn của tâm dịch, các trường học đã hoàn toàn đưa thịt bò, thịt lợn ra khỏi thực đơn của trẻ. Toàn huyện có 24 trường mầm non và 1 trường tiểu học tổ chức ăn bán trú.
Cô giáo Phan Thị Ánh Điệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên) cho biết, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, cách đây hơn 2 tháng, nhà trường đã chủ động không dùng thịt bò trong chế biến thức ăn cho học sinh.
Gần 3 tuần nay, khi nghe thông tin trên địa bàn tỉnh có tình trạng lợn bị dịch tả châu Phi nhà trường cũng đã cắt giảm luôn. Để bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh, nhà trường dùng thịt gà, cá, vịt, tôm... thay thế.
“Nhà trường phải tính toán cân đối định lượng, chất dinh dưỡng để bảo đảm phù hợp với độ tuổi của trẻ. Chẳng hạn như thay tôm, lươn, vịt, cá... để bù vào những chất dinh dưỡng mà thịt bò, heo đem lại.
BGH nhà trường cũng yêu cầu nhà bếp thường xuyên thay đổi cách chế biến vừa đảm bảo dinh dưỡng nhưng cũng kích thích các em ăn ngon miệng hơn” - cô giáo Phan Thị Ánh Điệp cho biết.
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ha-tinh-quan-hang-dong-cua-nha-truong-doi-thuc-don-vi-dich-benh-RQOZ0JuMR.html?fbclid=IwAR299DF3iQeQfPCsTKrib7qRQ4lhMBDuw80g0Qnt3EzqYhS4T5xhlUTqyew