Hà Tĩnh: Cần chấn chỉnh tình trạng học sinh “làm ngơ” luật giao thông

Thứ tư - 20/05/2020 06:38
Thường xuyên được nhà trường tuyên truyền về Luật an toàn giao thông đường bộ nhưng nhiều học sinh tại một số trường THPT huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn bất chấp vi phạm, “làm ngơ” với luật giao thông.
T20200512003 1
Học sinh sử dụng phương tiện xe gắn máy khi đi tới trường, làm ngơ luật giao thông đường bộ

Học sinh sử dụng phương tiện xe gắn máy khi đi tới trường, làm ngơ luật giao thông đường bộHọc sinh sử dụng phương tiện xe gắn máy khi đi tới trường, làm ngơ luật giao thông đường bộ

Ký kết văn bản đến từng phụ huynh

Dù luật về giao thông đường bộ đã có quy định rất rõ bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, học sinh không được đi xe máy đến trường… Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang rất phổ biến.

Đặc biệt là tại Trường THPT Nghi Xuân (xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân) thì tình trạng học sinh “làm ngơ” với luật giao thông đường bộ xảy ra rất nhiều. Theo ghi nhận của PV, cứ đến giờ tan tầm là hàng trăm học sinh nhốn nháo, dàn hàng 2 hàng 3 trên đường trong khi mật độ phương tiện tham gia giao thông đông nên hết sức nguy hiểm.
 
T20200512003 2
Văn bản chỉ đạo từ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh về chấp hành giao thông đối với học sinh.

Điều đáng nói, dù chưa đủ độ tuổi để điều khiển xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên nhưng rất nhiều học sinh ở ngôi trường này vẫn bất chấp vi phạm để đi xe máy đến trường. Phóng nhanh, vượt ẩu gây nguy hiểm cho nhiều người khác tham gia giao thông trên đường.

Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Xuân cho biết, hàng năm, đặc biệt ngay từ đầu năm học nhà trường đều phối hợp với Công an huyện Nghi Xuân tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục về luật an toàn giao thông, tổ chức ký cam kết giữa phụ huynh, học sinh với nhà trường về việc phải tuân thủ chấp hành luật an toàn giao thông, song vẫn có một số học sinh đối phó, làm ngơ.

“Cứ bước vào đầu năm học nhà trường mời những hộ gia đình xung quanh khu vực trường học ký cam kết không cho học sinh gửi xe, vì hầu hết những em học sinh vi phạm mới gửi xe ở ngoài trường. Năm 2018 có 21 em học sinh vi phạm luật giao thông bị Công an huyện Nghi Xuân gửi hồ sơ về nhà trường xử lý, hạ hạnh kiểm để giáo dục”, cô Yến cho biết.

Theo cô Yến, nhà trường đã làm rất tốt công tác tuyên truyền luật giao thông đến học sinh. Thế nhưng, phụ huynh cũng phải có một phần trách nhiệm trong việc giáo dục, không giao xe máy cho con đến trường khi chưa đủ tuổi vì nếu như phụ huynh giao xe máy cho học sinh thì trước hết phụ huynh chính là người vi phạm luật giao thông.

“Quan điểm của trường là việc học sinh phải chấp hành luật an toàn giao thông là bắt buộc không chỉ đến trường mà cả những lúc đi ra ngoài. Nhà trường sẽ có hình thức kiểm điểm, hạ hạnh kiểm đối với những học sinh vi phạm để răn đe”, cô Yến khẳng định.

Tổ chức các cuộc thi về an toàn giao thông

Cô Trần Lệ Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du huyện Nghi Xuân Cho biết, nhà trường có 1.248 học sinh, trong đó ½ học sinh sử dụng phương tiện xe điện, xe gắn máy đến trường. Để học sinh chấp hành tốt luật giao thông, nhà trường đã phối hợp với Công an huyện Nghi Xuân tổ chức tốt mô hình trường học an toàn về an ninh trật tự, hằng năm có sơ kết mô hình và đánh giá kết quả.

Ngoài ra nhà trường cho học sinh tham gia cuộc thi ATGT “Vì nụ cười ngày mai”. Tại nhà trường, Ban an ninh học đường phối hợp với Đoàn trường và giáo viên chủ nhiệm thường xuyên kiểm tra phương tiện học sinh ngay trước cổng trường.
 
T20200512003 3
Tại một số trường học, học sinh vẫn chưa chấp hành đúng về an toàn giao thông khi tới trường.

Cụ thể, yêu cầu học sinh dắt xe vào trường nếu em nào vi phạm không đội mũ bảo hiểm hoặc đi xe máy dung tích trên 50m3 thì sẽ bị ghi tên và xử lý kỷ luật cảnh cáo hạ hạnh kiểm. Nếu một lớp có nhiều em vi phạm thì sẽ hạ hạnh kiểm thi đua của lớp đó. Chính vì làm được những điều trên nên tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông tại Trường THPT Nguyễn Du so với những năm trước thì giảm rất nhiều.

Liên quan đến vấn đề trật tự an toàn giao thông (ATGT) trường học, mới đây vào ngày 13/5/2020 Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có công văn số 742/SGĐT-CTTT về việc yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong học sinh.

Tại công văn, Sở GD&ĐT đã đưa ra dẫn dụ về việc học sinh không chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) dẫn đến những hậu quả đau lòng.
 
T20200512003 4
Người dân sống gần các trường học vẫn để xẩy ra hiện tượng, giữ xe gắn máy của học sinh.

Cụ thể, theo báo cáo của Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh tại văn bản số 161/BC-PGDĐT ngày 6/5/2020, vào khoảng 16h30 ngày 5/5/2020 tại đường liên xã đoạn qua địa bàn xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do 4 nữ sinh lớp 8 chở nhau trên một xe máy đâm vào cột mốc bên đường làm 2 em tử vong tại chỗ, 2 em khác bị thương nặng.

Nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn là do nhóm học sinh điều khiển xe máy vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, còn do việc thiếu trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý con, giao xe máy cho con đi khi chưa đủ tuổi, đồng thời có cả trách nhiệm của nhà trường chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT.
Theo giaoducthoidai.vn


Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/ha-tinh-can-chan-chinh-tinh-trang-hoc-sinh-lam-ngo-luat-giao-thong-20200519153329109.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây