Nếu bạn gõ vào Google tìm kiếm cụm từ “giáo án” bạn có ngay 166 triệu kết quả trong vòng 0,36 giây; điều này có nghĩa giáo án có rất nhiều, rất nhiều trên mạng.
Chuyện mua bán, trao tặng giáo án xuyên lục địa không còn là chuyện hiếm khi thế giới công nghệ phát triển từng ngày.
Thật ra giáo viên dùng giáo án để dạy còn rất hiếm, trừ một số giáo viên tập sự; nhiều người cho rằng việc in giáo án để cán bộ quản lý nhà trường kiểm tra rất lãng phí, không cần thiết.
Có người cho rằng giáo án chỉ là cái "vòng kim cô" để quản lý những giáo viên không ưa mắt của hiệu trưởng…
Thế nhưng giáo án là một trong số các loại hồ sơ không thể thiếu của nhà giáo!
Có bắt buộc giáo viên in giáo án để cán bộ quản lý kiểm tra không? (Ảnh minh họa: Mntanthai.daitu.edu.vn/)
Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo có bắt buộc giáo viên in giáo án để cán bộ quản lý kiểm tra không?
Điều lệ trường Tiểu học (Điều 30), Trung học phổ thông (Điều 27) quy định trước khi lên lớp giáo viên phải có giáo án nhưng không quy định là giáo án viết tay, hay đánh máy; hay giáo án điện tử.
Mặt khác trong Hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2019-2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ thị “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập của học sinh; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng; phấn đấu đến hết năm học 2018-2019, 100% số cơ sở giáo dục THCS và THPT sử dụng hiệu quả sổ điểm điện tử, học bạ điện tử”.
Như vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo không bắt buộc giáo viên in giáo án để cán bộ quản lý kiểm tra, mà ngược lại khuyến khích nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn; kiểm tra, quản lý giáo án của giáo viên là hoạt động chuyên môn của nhà trường.
Đã có trường phổ thông nào làm chưa? Hiệu quả thế nào?
Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Liễn là trường trung học phổ thông đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung áp dụng công nghệ vào quản lý giáo án bằng phần mềm chuyên dụng, thay vì yêu cầu giáo viên in ra giấy hay viết tay.
Giáo án có nơi đang là vòng kim cô với giáo viên, vô tác dụng với học trò
Trao đổi với người viết, thầy giáo Nguyễn Nam Thắng, Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
“Sau một năm sử dụng, đến nay đánh giá hiệu quả của việc áp dụng công nghệ vào quản lý giáo án bằng phần mềm chuyên dụng, thay vì yêu cầu giáo viên in ra giấy hay viết tay tại trường Nguyễn Đình Liễn là tuyệt vời.
Nhất là tiết kiệm cho giáo viên không phải in giáo án, giáo viên có thể chỉnh sửa giáo án cho phù hợp bất cứ khi nào, quản lý giáo án của mình không sợ mất khi hư máy; với công tác kiểm tra giám sát, có thể kiểm tra giáo án bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu nếu cần thiết.
Hiện nay nhiều trường phổ thông trong địa bàn và các vùng miền khác đã áp dụng mô hình này”.
Như vậy, áp dụng công nghệ vào quản lý giáo án bằng phần mềm chuyên dụng, thay vì yêu cầu giáo viên in ra giấy hay viết tay là không khó, đem lại lợi ích kinh tế xã hội không nhỏ, vừa đảm bảo công khai hóa việc chuẩn bị bài của giáo viên, vừa giúp cán bộ quản lý dễ dàng thanh kiểm tra.
Áp dụng công nghệ vào quản lý giáo án bằng phần mềm chuyên dụng thay vì yêu cầu giáo viên in ra giấy hay viết tay là điều mà các nhà quản lý giáo dục nên làm.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net.vn
Link gốc: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-bat-buoc-giao-vien-in-giao-an-de-can-bo-quan-ly-kiem-tra-khong-post209139.gd