Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Việt Nam không thể tồn tại hình thức phạt bắt học trò uống nước giẻ lau

Thứ tư - 02/05/2018 11:14
GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục ghi nhận sự hối lỗi của cô H., nhưng việc bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng là không thể chấp nhận được.

Như tin đã đưa, cô giáo Nguyễn Thị Minh H. - giáo viên lớp 3A5 Trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) đã có hành vi phạt học sinh Phạm Phương Anh phải súc miệng bằng cốc nước vắt từ giẻ lau bảng do nói chuyện trong lớp.

Sự việc này đã gây phẫn nộ dư luận trong những giờ qua đến mức, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã ra văn bản khẩn chỉ đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng vào cuộc, xử lý dứt điểm.

Trường Tiểu học An Đồng - Nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Song Linh.

Là một chuyên gia giáo dục có nhiều năm làm công tác quản lý, GS.Viện sĩ Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã có những chia sẻ của mình xung quanh câu chuyện này. Ông hoan nghênh sự hối lỗi của cô H. khi đã nhận ra lỗi lầm và tới nhà xin lỗi học sinh, nhưng việc bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng là không thể chấp nhận được.

GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh, nhà trường phải có môi trường tốt đẹp, có tính giáo dục cao, không có hiện tượng xấu, tiêu cực. Bên cạnh việc khen thưởng cũng phải có cả kỷ luật tương ứng để tạo ra cơ chế thúc đẩy cả thầy và trò cùng dạy và học tốt.

Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn các hình thức kỷ luật nếu học sinh phạm lỗi thì đã được văn bản hóa hay chưa?

"Một số hiện tượng xấu như các giáo viên đánh học sinh, trừng phạt học sinh quỳ gối... đều đã xảy ra dù muốn hay không. Những hiện tượng đó dù chỉ là con số rất nhỏ thôi nhưng không ai có thể đồng tình được.

Vấn đề đặt ra là, Bộ cần xét toàn thể và có quy định về các hình phạt, giáo viên nghiêm túc thực hiện quy định của Bộ, không phạt vào thân thể, không có roi vọt đánh đập như ngày xưa, hình phạt nào được và không được.

Mặt khác, nếu phụ huynh xâm hại đến tư cách của giáo viên đã bị trừng phạt rồi, xã hội bảo vệ uy tín của thầy cô giáo nhưng ngược lại, thầy cô cũng phải giữ uy tín của mình.

Phải có quy định, văn bản công khai và thống nhất trong toàn quốc. Có trường ở Hà Nội quy định hành vi, kỷ luật, quan hệ trong nhà trường nhưng chưa thành ra mẫu hình chung trong toàn quốc", ông Hạc nói.

GS.Viện sĩ Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ảnh: Đình Tuệ.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng nhận định, không ai có thể chấp nhận hình thức phạt học sinh đó của cô giáo H. Ngay cả việc một cốc nước mất vệ sinh như vậy mà bắt học sinh ngậm vào miệng rồi súc miệng (cháu Phương Anh nói là có uống một phần nước đó) là quá phản cảm, phản khoa học. Các trường sư phạm không bao giờ đào tạo sinh viên của mình ra trường đi phạt học sinh theo cách đó.

"Ở các trường sư phạm nhiều khi chỉ chú ý về chuyên môn nhưng phần dạy con người thì hưa được chú trọng lắm. Các tường sư phạm có thể chưa chú ý một cách tương ứng với bộ môn nghiệp vụ. Các thực tập sư phạm chú ý giờ lên lớp chứ chưa chú ý đến kỹ năng. Đó là thực trạng chung ở nhiều trường nói riêng và của Bộ GD&ĐT nói chung", GS Hạc phân tích.

Bên cạnh đó, GS.VS Phạm Minh Hạc cũng chia sẻ, hình phạt này của cô giáo H. không thể chấp nhận vì quá phản khoa học. Môi trường giáo dục của Việt Nam không thể tồn tại những hình thức phạt này được. Ông cũng đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của Bộ GD&ĐT chỉ đạo cơ quan liên quan xử lý dứt điểm vụ việc này.

Cô giáo đã cho mình quá nhiều quyền

Theo Th.sĩ Lê Thị Loan, nguyên Phó Trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) chia sẻ: "Việc làm của cô giáo H. là hoàn toàn không thể chấp nhận. Người giáo viên không được làm phương pháp nhục hình, vi phạm pháp luật.

Ở đây, cô giáo đã vi phạm Điều lệ trường tiểu học – dùng quyền của mình để hành hạ học sinh. Nhất là khi bắt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau bảng có phấn, phấn là 1 chất rất độc, nếu bắt súc miệng/uống thì rất nguy hiểm”.

Th.sĩ Loan cũng cho rằng, đầu tiên do chính người trong cuộc đã thiếu nhận thức, thiếu kiểm soát bản thân, cho mình quá nhiều quyền. Có thể có giáo viên lấy lý do là công việc này quá áp lực, nhưng một khi đã theo nghề thì phải chấp nhận những áp lực đó để dạy tốt học sinh.


Theo Vietnamoi.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây