Bác sĩ Mã Nhơn Khiêm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị trên 10 trường hợp bị ngộ độc methanol.
Gần 2 tháng trở lại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nhiều người vẫn còn nhớ như in vụ ngộ độc khiến hàng loạt người phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc", sau đó một ca đã tử vong.
Trước đó, gia đình bà T.K.Th (ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc) tổ chức đám tang cho người thân. Trong 3 ngày diễn ra tang lễ, hơn 86 lít rượu được hàng trăm người uống. Sau đó, ông D.V.M (SN 1985) trở về nhà thì bất ngờ tử vong. Người nhà cho rằng ông này tử vong do bệnh nên không đồng ý khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng, ông M. có thể tử vong do ngộ độc rượu.
Một trường hợp bị ngộ độc rượu được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau
Không lâu sau, thêm 7 trường hợp nhậu tại đám tang này cũng lần lượt có các biểu hiện nôn ói, mắt mờ, mệt mỏi… nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị. Tại đây, các bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc methanol. Đoàn công tác lấy số rượu còn lại được mua dùng trong đám tang xét nghiệm và kết quả test nhanh dương tính với methanol.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, địa phương đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc rượu cồn công nghiệp tại các huyện Trần Văn Thời, Phú Tân và Đầm Dơi. Trong đó, 3 trường hợp tử vong. "Ngộ độc rượu từ ethanol thường nhẹ hơn và có triệu chứng giống như say rượu. Riêng, ngộ độc do methanol thì các triệu chứng thường xuất hiện sau 1-2 ngày uống và biến chứng nguy hiểm. Người uống rượu có các biểu hiện nghi bị ngộ độc cần phải được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu ngay lập tức để hạn chế những vụ việc đau lòng xảy ra. Khi mua rượu uống, người dân phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc, xuất xứ…" - bác sĩ Khiêm khuyến cáo.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có công văn chỉ đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, TP Cà Mau triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu bia. Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường quản lý việc cấp giấy phép kinh doanh rượu bia; giám sát điều kiện kinh doanh rượu bia, an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện luật phòng, chống tác hại của rượu bia theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực của từng ngành và đơn vị.
Bài và ảnh: Vân Du
Theo Người lao động