Nhà báo chiến sĩ xông pha và tận hiến

Thứ tư - 21/06/2023 06:47
Tết Canh Tý 2020 trôi qua thật nhanh và chẳng mấy ấn tượng bởi khi đó, đại dịch Covid-19 bắt đầu tràn vào Việt Nam. Mọi thông tin đã choán hết tâm trí người dân. Còn cánh phóng viên trẻ chúng tôi, trong cuộc đời làm báo thời bình, sự kiện chẳng khác nào thời chiến!
Việc Báo Quân đội nhân dân cùng lúc tổ chức nhiều kíp phóng viên, luân phiên đi vào tâm dịch khiến không khí tòa soạn sục sôi với nhiều kế hoạch “hiệp đồng tác chiến” như bước vào “trận đánh lớn”. Hằng ngày “hóng” thông tin cánh phóng viên “chiến trường” gửi về mà chúng tôi lòng đầy sốt ruột. Thực tế khốc liệt nơi tâm dịch từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc đến TP Hồ Chí Minh làm người ở tòa soạn đứng ngồi không yên. Lo đồng nghiệp kiệt sức vì tác nghiệp ngày đêm trong điều kiện nguy hiểm, khó khăn; lo họ nhiễm bệnh; lo nhỡ họ có “mệnh hệ gì”... Càng lo cho họ, nhiều người lại càng muốn đến lượt mình. Chỉ đợi lệnh Ban biên tập là những phóng viên ấy sẵn sàng lên đường. Chúng tôi đi bộ đội đã lâu, mà nay mới cảm nhận được những chữ “xông pha và tận hiến” mà các thế hệ nhà báo chiến sĩ của tờ báo chiến sĩ đã đặt dấu ấn.
 
D2023062011
Phóng viên của Báo Quân đội nhân dân Phạm Văn Hiếu chụp ảnh chung với trẻ em Abyei trong chuyến công tác tại Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (UNISFA) năm 2022. Ảnh: qdnd.vn
 
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên cương Tổ quốc, nhiều nhà báo chiến sĩ lừng lẫy của Báo Quân đội nhân dân đã tay súng, tay bút, tay máy, ngẩng cao đầu trong tác nghiệp, bất chấp hiểm nguy và có không ít nhà báo đã anh dũng ngã xuống nơi chiến hào, trong đó nổi bật có Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ nhà báo Lê Đình Dư. Câu chuyện về họ là những điều mà chúng tôi nằm lòng và luôn tự hào từ khi bước chân vào nghề, vào tòa soạn.

Đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, cũng là lúc Việt Nam “chống dịch như chống giặc”. Gánh vác trách nhiệm cùng đất nước, cùng ngành y tế, lực lượng báo chí, trong đó có phóng viên Báo Quân đội nhân dân dũng cảm đi vào tâm dịch. Bằng kiến thức, bằng thực tế và bằng tinh thần trách nhiệm, xả thân, họ đi đến nơi tận cùng của sự sống. Tinh thần ấy cũng tỏa sáng khi từng tổ phóng viên xung phong lên đường nhận nhiệm vụ, tác nghiệp tại địa bàn nguy hiểm đến tính mạng như vụ sạt lở khiến 13 cán bộ hy sinh tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế); vụ sạt lở khiến 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 tại Quảng Trị; lũ lụt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh... Với họ, tác nghiệp ở hiện trường, điều áp lực nhất không phải là sự nguy hiểm của hoàn cảnh mà chính là làm sao thu thập và chuyển tải thông tin đúng, nhanh nhất tới độc giả. Những bài báo, thông tin đó phần nào khiến nhân dân yên lòng; đồng thời nhân lên sức mạnh đoàn kết, tấm lòng sẻ chia, quên mình vì người khác lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc.

Mới đây nhất, khi vừa vui Tết Quý Mão cùng gia đình chưa được bao lâu, phóng viên Phạm Văn Hiếu (Báo Quân đội nhân dân) đã xung phong lên đường sang tâm chấn của trận động đất lịch sử tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng lực lượng cứu hộ của bộ đội Việt Nam, Hiếu không quản ngại nguy hiểm, xông pha vào những ngôi nhà đổ nát tại những khu vực còn đang tiếp tục chịu tác động của động đất, ghi lại hình ảnh chân thực về con người, đất nước bạn cũng như những câu chuyện đầy tình người của kiều bào Việt Nam nơi đây. Câu đầu tiên Hiếu nói khi chúng tôi có dịp hỏi thăm nhau lúc Hiếu đang tác nghiệp ở nước bạn là “ở hoàn cảnh này, phóng viên nào báo mình cũng sẽ hành động như vậy thôi. Em chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng hy vọng mình sẽ “nảy số” nhanh hơn sau mỗi lần va chạm như vậy”. Sự chia sẻ giản dị đó khiến tôi vừa cảm động vừa khâm phục và có phần ao ước, bởi trong làm báo là nghề dạy nghề. Chỉ có sự dấn thân, cứ thế, mỗi ngày sẽ giúp phóng viên tích lũy thêm cho mình những kinh nghiệm thiết thực, hữu ích.

Nếu giải nghĩa “xông pha” và “tận hiến” là gì thì thật khó có câu trả lời trọn vẹn. Nhưng nếu nhìn vào hành động của lớp lớp nhà báo chiến sĩ Báo Quân đội nhân dân đã, đang và tiếp tục thực hiện, chúng ta biết hành trình đó đầy mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao người làm báo đã đổ xuống!

THU HÀ
Nguồn QDND.VN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây