Sau mỗi kỳ nghỉ hè, các bậc phụ huynh lại hứng khởi đưa con em đến trường tiếp tục học tập, vui chơi để yên tâm công tác. Thế nhưng, khác với những năm trước, sau lễ khai giảng năm học 2017 - 2018, nỗi lo lắng, hoang mang lại hiện hữu trên từng khuôn mặt của hàng trăm phụ huynh có con đang theo học tại trường mầm non thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Chị Nguyễn Thị Hằng, một phụ huynh cho hay, năm nay nhà trường chưa có kế hoạch cho trẻ ăn bán trú, không có ai đưa đón nên chị đành phải xin cơ quan nghỉ phép ở nhà để lo cho con.
Phòng bếp đã phải lấy làm phòng học cho trẻ. |
“Nhà tôi có một cháu 3 tuổi, một cháu 4 tuổi đều theo học tại trường này. Sáng 6h tôi đã phải dậy cho các con ăn, 7h30 đưa con đi học; trưa 10h30 đã phải đón về, rồi nấu nướng cho con ăn; đến 14h lại tiếp tục đưa con đến lớp, 16h30 thì đón về. Cả ngày tôi chỉ biết căn giờ để đưa đón con chứ không làm được việc gì khác nữa”, chị Hằng thở dài.
“Con tôi học lớp mẫu giáo lớn, sang năm cháu vào lớp 1 rồi nên phải đi học chuyên cần, tuy nhiên, tình trạng này về lâu dài nếu không có phương án thì tôi cũng không thể tiếp tục cho con đến trường được”, chị Nguyễn Thanh Huyền, một phụ huynh khác bày tỏ.
Không có bếp ăn, mỗi ngày phụ huynh phải đưa đón trẻ 4 lượt. |
Chị Phan Thị Nguyệt, một phụ huynh có con đang theo học lớp mẫu giáo nhỏ hoang mang: “10h30 đã phải đi đón con về, nấu nướng ăn uống xong cũng gần 13h rồi, nếu cho con ngủ thì không thể dậy để kịp giờ đi học, đành phải để con thức. Tôi làm hành chính nên chưa hết giờ làm đã phải chạy đi đón con về. Mấy hôm nay, trời nắng nóng gay gắt, nếu cứ để trẻ phải đi về như thế này, về lâu dài sẽ không thể đảm bảo được sức khỏe và cũng ảnh hưởng rất lớn đến công việc cơ quan của phụ huynh. Chúng tôi không biết tình trạng này sẽ phải kéo dài đến bao giờ?”.
Không chỉ các bậc phụ huynh mà các giáo viên công tác tại trường cũng có chung nỗi lo lắng, căng thẳng trước tình trạng không có bếp để tổ chức ăn bán trú cho trẻ. Cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên đứng lớp 5A chia sẻ: “Trẻ không ăn bán trú tại trường khiến mọi sinh hoạt không thể đi vào nề nếp như trước được, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập của các cháu. Nhìn các cháu phải sáng đi trưa về, trưa đi chiều về giữa nắng các cô thương lắm; còn phụ huynh thì rất vất vả, bị xáo trộn hết công việc và ngay cả giáo viên cũng vậy”.
Các bậc phụ huynh rất vất vả để sắp xếp thời gian đưa đón trẻ. |
Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến có sự xáo trộn trên là do năm học 2017 – 2018, tại trường mầm non thị trấn Tây Sơn, số trẻ ở nhóm 3 tuổi tăng, trong khi trường chỉ có 2 phòng học dành cho trẻ ở độ tuổi này. Vì vậy, nhà trường đã phải linh động lấy phòng bếp để làm thêm một phòng học cho trẻ, ngoài ra, phòng hội trường trước đó cũng đã phải lấy để làm thêm 1 lớp cho trẻ 4 tuổi.
“Do phải lấy bếp làm phòng học nên trường chưa thể tổ chức ăn bán trú cho trẻ được. Giải pháp xây thêm phòng học cho trẻ được đặt ra, nhưng không có kinh phí; còn thuê chỗ nấu ăn thì chúng tôi không thể thực hiện vì liên quan đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ. Thực trạng bất cập này khiến ban Giám hiệu nhà trường rất lo lắng, căng thẳng vì hiện đã bước vào năm học nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết nào”, cô Trần Thị Thu, Hiệu trưởng trường mầm non thị trấn Tây Sơn cho biết.
Giữa cái nắng gay gắt, ngày 4 lượt đi về sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu. |
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Kim Hảo, Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn cho hay, trước sự bất cập nêu trên, chính quyền địa phương cũng đã trực tiếp làm việc với phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện và có ý kiến đề xuất 2 phương án. Phương án thứ nhất là chia nhóm trẻ 3 tuổi thành 2 lớp, giữ nguyên phòng bếp để vẫn tiếp tục duy trì việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ; phương án 2 là cho trường dựng tạm bếp nấu. Tuy nhiên, cả 2 phương án đều không được phòng thông qua.
Theo ông Hảo, phương án của phòng GD&ĐT là phải xây mới thêm phòng học cho trẻ. Tuy nhiên hiện nay, phương án này không thể thực hiện được. Bởi, thị trấn không có nguồn thu ngân sách nào, quỹ đất cũng không có, việc làm ăn, buôn bán trên địa bàn thì rất khó khăn, Hơn 3 năm nay, khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo “chết yểu”, hàng trăm doanh nghiệp tại đây phá sản nên địa phương không có nguồn thu nào từ các doanh nghiệp; mà để huy động dân đóng góp xây dựng lại càng khó hơn, trong khi kinh phí để xây 2 phòng học cũng phải lên đến gần 1 tỉ đồng.
Các bậc phụ huynh hoang mang khi không biết tình trạng trên sẽ kéo dài trong bao lâu? |
“Chúng tôi muốn lãnh đạo phòng GD&ĐT có những xem xét sát với tình hình khó khăn thực tế của địa phương, để đưa ra những phương án mềm dẻo, hợp tình, hợp lý. Chúng tôi mong Phòng đồng ý phương án chia nhóm trẻ 3 tuổi thành 2 lớp, giữ lại phòng bếp để tổ chức ăn bán trú. Đây là phương án khả quan nhất vào thời điểm hiện tại để nhanh chóng giải quyết được tình hình. Còn nếu không được thì phải để cho trường dựng tạm bếp ăn chứ không thể để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu, gây bức xúc, hoang mang cho phụ huynh”, ông Hảo chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu, năm học 2017 – 2018, trường mầm non thị trấn Tây Sơn có tổng số 365 trẻ ở các nhóm tuổi; trong đó, có 119 trẻ 5 tuổi; 107 trẻ nhóm 4 tuổi và nhóm trẻ 3 tuổi là 98 cháu. Toàn trường có 10 phòng học, 14 cô giáo đứng lớp, trung bình mỗi lớp từ 30 - 36 cháu; riêng lớp 4 và 5 tuổi trung bình có 40 trẻ/cô/lớp; ở nhóm 3 tuổi trung bình mỗi lớp có 2 cô giáo phụ trách.
Đáng nói, năm học này, trường mầm non thị trấn Tây Sơn phải tiếp nhận khoảng 20 trường hợp trẻ có hộ khẩu thường trú tại các địa bàn lân cận như: Xã Sơn Kim 1, xã Sơn Tây… nhưng được phụ huynh cắt, gửi hộ khẩu để theo học tại đây. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến số trẻ tăng đột biến dẫn đến tình trạng thiếu phòng học nêu trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này!
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn