Nhà tre dành cho những người dân vùng lũ

Thứ bảy - 10/06/2017 02:08
"Thực tế đau lòng của bão, lụt và cả lũ thủy điện tàn phá Miền Trung đã thôi thúc chúng tôi nghiên cứu một giải pháp không gian hữu dụng - trước là đảm bảo chỗ ở (house), rồi sau sẽ trở thành tổ ấm (home) - cho hàng triệu đồng bào đang phải gồng mình vật lộn với thiên tai lũ lụt năm này qua năm khác..."
Ngôi nhà sống chung với thiên tai. Ảnh: Đoàn Thanh Hà.

Tôi gặp Đoàn Thanh Hà và Trần Ngọc Phương khi cơn lũ quét năm 2010 vừa mới tràn qua miền đất Hà Tĩnh và để lại sự tàn phá khủng khiếp cùng nỗi đau mất mát hiện hữu trên từng mặt người, dáng núi. Chàng trai quê Hà Tĩnh và người đồng nghiệp của mình lặng lẽ đến với người dân vùng lũ, đồng cảm, sẻ chia. Cũng trong câu chuyện ngày ấy, tôi được biết về công trình "Nhà ở cho vùng bão lũ" xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu được mệnh danh là "thép thực vật" - cây tre - mà Hà và Phương vừa hoàn thành.

Hai chàng kiến trúc sư thông minh, lãng tử say sưa thay nhau nói về công trình chứa đựng tâm huyết của mình. Tuy nhiên, tôi nhận thấy một nét buồn luôn bàng bạc đằng sau ánh mắt của hai người bạn trẻ. "Đang chứng kiến mất mát của bà con mà". Tôi tự nhủ. Sự gặp gỡ chóng vánh và mưu sinh cuốn tôi đi khiến tôi không có điều kiện viết về ý tưởng nhân văn ấy và càng không thấu hiểu nỗi buồn của hai người bạn trẻ.

Mãi gần đây khi gặp Phương về quê, tôi mới biết nguyên do sâu xa: Khi thiết kế thành công, Hà và Phương đã giới thiệu với một số tổ chức có khả năng nhân rộng mô hình này trong thực tế, song chưa nhận được sự hồi âm tích cực nào. Thời gian cứ trôi, đã có người đến hỏi thuê nhà để bán cà phê, trong khi bão, lụt và cả lũ thủy điện vẫn thay nhau tàn phá miền Trung…

Và, điều đó đã khiến tôi để tâm tìm hiểu ý tưởng nhân văn mà họ đã dành tâm sức lần hồi nghiên cứu để mang tặng cho những người dân vùng lũ.

Đoàn Thanh Hà và Trần Ngọc Phương: "Thực tế đau lòng của bão, lụt và cả lũ thủy điện tàn phá Miền Trung đã thôi thúc chúng tôi nghiên cứu một giải pháp không gian hữu dụng cho hàng triệu đồng bào đang phải gồng mình vật lộn với thiên tai lũ lụt năm này qua năm khác..."

Trước thực tế mỗi năm bão, lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam khiến hàng trăm người thiệt mạng, tổn thất khoảng 1,2% GDP, từ năm 2008, Đoàn Thanh Hà, Trần Ngọc Phương và các cộng sự đã có ý tưởng về ngôi nhà sử dụng cho vùng thiên tai, với mục tiêu ban đầu là cấp chỗ ăn ở ổn định cho người mất hết nhà cửa.

Tuy nhiên, chứng kiến những ngôi nhà mới gây dựng tiếp tục bị vùi dập trong bão lũ, nhóm chuyển sang tiếp cận và nâng cấp dần giải pháp, với mong muốn giúp mọi người chủ động sống cùng thiên tai. Tháng 9 vừa qua, ngôi nhà cho vùng thiên tai với các phẩm chất được kiểm định: Tiết kiệm, tiện lợi, kiên cố, chịu được thiên tai đã được hoàn thành.

Trong thực tế, không gian bằng tre này có thể sử dụng cho nhiều mục đích như làm nhà ở, lớp học hay trạm xá; và có khả năng đóng, mở linh hoạt cũng như mở rộng khi cần.

Hà và Phương cho biết: Chúng tôi chọn cây tre vì như đã biết, cây tre đi vào văn hoá Việt Nam như môt hình ảnh bình dị mà đầy sức sống, dẻo dai chống chịu thiên tai, gió bão và cả giặc ngoại xâm. Loài cây được mệnh danh là “thép thực vật” này là vật liệu dẻo dai, bền hơn gỗ sồi nhưng nhẹ hơn bê tông, sắt thép, có tính thẩm mỹ cao, thân thiện với môi trường. Khi gỗ rừng ngày càng cạn kiệt thì cây tre ngày càng có ý nghĩa sinh thái. Theo chúng tôi được biết, năng suất một rừng tre gấp 25 lần so với rừng thông thường vì chỉ 3-5 năm sau khi trồng là đã có thể khai thác và không cần phải trồng mới vì măng tre mọc lại liên tục. Phương pháp dân gian xử lý tre là ngâm bùn và hun khói - kinh nghiệm cho thấy đã qua xử lý thì vật liệu tre có tuổi thọ 10-20 năm. Tre được liên kết bằng chốt và buộc dây mây.

Kiến trúc ngôi nhà được neo, giằng liền khối, đủ sức để có thể chống chọi thiên tai, vượt mức nước lũ cao 1,5 m. Công trình không dùng đến móng xây mà có khung giằng chéo giữ ổn định và nâng sàn cao 1,5 m để tránh lũ. Người ở sẽ bao che cho ngôi nhà tùy theo khí hậu và vật liệu tự nhiên sẵn có nhưa phên nứa, cót ép, lá dừa, phù hợp với khả năng thu nhập và tạo nên đặc trưng kiến trúc của địa phương.

Ảnh: Đoàn Thanh Hà

Không gian rộng 44 m2 (khi đóng) và 62 m2 (khi mở) tiện dụng cho một gia đình (6 người) chung sống với thiên tai. Nó có đầy đủ công năng cần thiết cho một gia đình, gồm phòng khách, bếp, khu vệ sinh, giặt phơi, phòng học, không gian thờ tự và nơi ngủ. Hệ thống bể lọc, xử lý nước bên dưới nền nhà để tận dụng nguồn nước mưa và tái sử dụng nước sinh hoạt, cung cấp nước sạch để dùng khi ngập lụt.

"Hiên và mái nhà có thể mở rộng về 4 phía để lấy ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà. Bề mặt tường với những bẫy hút gió và được phủ xanh bằng các máng trồng rau góp phần cải thiện bữa ăn trong thời gian sống chung với lũ. Đây là giải pháp theo hướng kết hợp nông nghiệp với kiến trúc mà chúng tôi đang theo đuổi", Đoàn Thanh Hà cho biết.

Ảnh: Đoàn Thanh Hà

Theo các kiến trúc sư, ngôi nhà đáp ứng ba tiêu chí là giá thành thấp, thi công nhanh và khả năng ứng dụng rộng rãi. Tổng chi phí vật liệu và trang thiết bị cho ngôi nhà mẫu tại Hà Nội là 55 triệu đồng, thi công trong 25 ngày. Người dân có thể tự lắp dựng do các thành phần đã được mô đun hoá. Họ cũng có thể chủ động chuẩn bị vật liệu tại chỗ và hoàn thiện ngôi nhà trong quá trình sinh sống....

Khi tôi đang viết những dòng này thì Phương điện thoại thông báo họ đang tiếp tục nghiên cứu giúp ngôi nhà trên có thể nổi bằng hệ thống thùng phuy tái sử dụng, để chung sống với mực nước lũ cao khoảng 3 m. Tôi vui lây với ý tưởng của Phương, của Hà và mong sao họ sớm thành công để những ngôi nhà "sống chung với lũ" của họ sớm hiện diện trên mảnh đất Hà Tĩnh còn thừa gian truân, bão lũ để người dân quê tôi bớt đi những lo âu, thấp thỏm mỗi mùa lũ tới...

TS Nguyễn Trí Thành – Phó trưởng Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội

Phương án này được giải không phải chỉ vì đẹp hay có tính sáng tạo, mà chính vì nó thể hiện hài hòa bộ 3 tiêu chí “Chân – Thiện – Mỹ” của nghệ thuật hiện thực, tức là có bản chất chân thực, hướng tới mục tiêu nhân văn và tạo được hình ảnh đẹp.

Tôi thấy tiếc là không cơ quan / doanh nghiệp nào “dám” đứng ra đảm nhận việc xây dựng những ngôi nhà ấy cho các vùng bị thiên tai mà cứ phải chờ có dự án, có nguồn vốn.

May mắn là suốt 5 năm qua các tác giả vẫn giữ được bầu nhiệt huyết và quyết tâm góp sức để tự mình biến nó thành hiện thực. Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang còn rất u ám thì đó quả là một điểm sáng rất quý và rất đáng khích lệ.

Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ một ý nghĩ / một cảm nhận bâng quơ về tên gọi này. Hàng năm vạn vật đều đơm hoa kết trái để tận hưởng cuộc sống và tiếp nối, bồi bổ cho tương lai. Nhưng cây tre chỉ ra hoa có 1 lần để chết. Mái ấm nở hoa như là dấu hiệu “vinh danh” những cây tre đã hy sinh cho con người được sống.


Ghi chép

Theo Đình Trung Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây