Nhiều hộ dân nói với phóng viên Báo Lao Động rằng, Ban chuyên trách bồi thường hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) không gửi quyết định thu hồi đất nêu rõ về mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thời gian cụ thể của việc chi trả tiền bồi thường cho người dân nhưng đã tự ý thu hồi đất là vi phạm nghiêm trọng những điều khoản liên quan tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13.8.2009.
Điều này được xác nhận bằng một báo cáo của Công an tỉnh Hà Tĩnh: “Ban chuyên trách giải phóng mặt bằng dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (huyện Vũ Quang) mắc các thiếu sót, cụ thể như công tác kiểm kê đất, xác định nguồn gốc đất, tài sản trên đất của một số hộ dân chưa chính xác. Việc ban hành quyết định thu hồi đất, phần căn cứ còn thiếu Nghị định 69/2009/NĐ-CP, thiếu thông tin về số tờ bản đồ, số thửa đất...”.
Anh Trần Quốc Toản (từng giữ chức Trưởng thôn Tân Điền, xã Hương Điền) phản ánh: UBND huyện Vũ Quang “nhập nhèm” trong việc ban hành quyết định thu hồi đất. Chính vì sự mập mờ này nên bà con không biết mình bị thu bao nhiêu mét vuông, thu những loại đất gì, mấy thửa, giá cả bồi thường cụ thể ra sao, vị trí tại đâu? Không rõ thời điểm tính giá bồi thường có được áp tương ứng với thực tế”.
Gia đình anh Toản có tổng diện tích đất bị thu hồi gồm 18.831,6m2 thể hiện trên các tờ bản đồ số 23, số 8 và số 6, có tên trong sổ mục kê địa chính. Nhưng khi gọi anh ra nhận tiền, UBND huyện Vũ Quang không gửi quyết định thu hồi...
“Chiều 9.2.2012, tôi đến gặp ông Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang - đòi quyết định thu hồi đất. Lúc này ông Đức mới rút điện thoại ra gọi cho một nhân viên nào đó nói rằng: Hai thằng này (Trần Quốc Toản và Phan Tiến Dũng) hắn đang đòi quyết định thu hồi đất, về làm cho hắn. Thế nhưng phải đến ngày 11.2.2012, tôi mới nhận được quyết định. Lúc này, tôi mới biết họ ghi thiếu diện tích, sai loại đất, ngày ra quyết định lại được ban hành trước đó 1 năm” - anh Toản nói.
Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang - xác nhận với phóng viên Báo Lao Động nội dung phản ánh của anh Toản là đúng. Song, ông Đức lại chống chế rằng, “trường hợp của gia đình anh Toản, Ban chuyên trách có gửi quyết định thu hồi đất của gia đình anh Toản đến UBND xã Hương Điền!”.
Ông Nguyễn Xuân Tình - trú thị trấn Vũ Quang - cho hay, năm 1997, ông được UBND xã Hương Đại, huyện Hương Khê cũ (nay là khu phố 2, thị trấn Vũ Quang) xác nhận cho khai hoang khu đất rộng gần 20ha ở khu vực khe nước Lặn trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi. Vườn keo của gia đình ông hiện bước sang năm thứ 6 nhưng Ban chuyên trách không xem xét bồi thường.
Ông Tình nói: “Đất rừng tôi được giao có giấy tờ hẳn hoi từ năm 1997, dự án thủy lợi đến năm 2004 mới bắt đầu quy hoạch. Vì vậy, tôi đề nghị Ban chuyên trách bồi thường cần xem xét lại để tránh thiệt thòi cho dân”.
Phần đất rừng của gia đình ông Nguyễn Xuân Tình, ban đầu ông Đức nói ở Vũ Quang không có việc giao đất rừng sản xuất cho dân vì nằm trong Vườn Quốc gia Vũ Quang nên rừng của ông Tình không được xem xét bồi thường.
Ấy nhưng, ông Đức lại lộ ra thông tin có những trường hợp được giao đất rừng có sổ lâm bạ hẳn hoi, có quyết định giao đất nên được bồi thường. Cụ thể ở đây là trường hợp gia đình ông Lê Thanh Tịnh - Chủ tịch UBND xã Hương Quang - được bồi thường gần 2ha rừng sản xuất với tổng số tiền trên 1 tỉ đồng(?).
Nước nổi váng như vại cà muối
Chúng tôi tìm đến khu tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ thuộc xã Sơn Thọ, tuy nhiên tình hình ở đây cũng thê thảm chẳng khác gì nơi ở cũ với việc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, đất sản xuất nông nghiệp chưa có, điều kiện sinh hoạt hạn chế...
Theo kế hoạch sẽ có 139 hộ dân xã Hương Điền di dời đến Khe Ná - Khe Gỗ. Song thực tế tới thời điểm này mới có 88 hộ chấp nhận di dời, trong đó có 32 hộ đã làm nhà ở ổn định chủ yếu là cán bộ xã, giáo viên, cán bộ y tế. Tiếp chuyện chúng tôi là một người đàn ông dáng vẻ gầy gò, nước da ngăm đen đang lầm lũi phụ giúp vài ba thợ xây dựng nhà ở “miền đất hứa” tên là Hùng - người dân xã Hương Điền, là một trong ít ỏi các hộ dân “gương mẫu” đi đầu. Nhưng ông đang lo lắng bởi cơ ngơi, vườn tược ở nơi cũ, vợ con ông vẫn đang bám trụ.
“Nếu có đưa tất cả mọi người sang lúc này cũng chả biết làm gì để kiếm kế sinh nhai khi mà chỉ có mấy trăm mét vuông đất ở” - ông nói: “Cơ quan chức năng huyện Vũ Quang nói một đàng, làm một nẻo. Mặt bằng lo cho dân không đảm bảo, bà con phải bỏ tiền túi thuê máy xúc, máy ủi san lấp lại mới có thể bỏ móng dựng nhà. Mặt khác, khi họp, Phòng TNMT huyện nói theo quy hoạch của tỉnh người dân tái định cư tại Khe Ná - Khe Gỗ sẽ có đất nông nghiệp để sản xuất. Nhưng tôi sang đây làm nhà cả hai tháng nay vẫn chưa nhìn thấy hình hài thửa ruộng ngang dọc ở đâu ngoài tứ phía là rừng cây của người dân bản địa bao phủ”.
Cũng ở khu tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ, đơn vị thi công hạ tầng đã khoan 120 giếng nước sẵn sàng phục vụ sinh hoạt cho người dân tham gia tái định cư. Tuy nhiên khi múc lên, nước vẫn trong vắt, nhưng để ít phút ngoài ánh sáng mặt trời thì ngay lập tức nước nổi lên lớp váng như kiểu váng đóng trong vại cà muối. Tại Trường Mầm non Hương Điền, các cô giáo đang phải mua nước bình cho trẻ uống. Theo các cô thì cả trường hiện mới có hơn 10 cháu theo học, nếu không mua nước thì phụ huynh sẽ đưa trẻ về, các cô giáo trở thành... “thất nghiệp”.
Nước nhiễm sắt vượt 27 lần
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Hà Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang - thanh minh: Về nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân ở hai khu tái định cư Hói Trung và Khe Ná - Khe Gỗ trước đó đã được tính đến. Theo đó, đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra ba phương án lấy nước từ hồ chứa phục vụ sản xuất, lấy nguồn nước tự chảy hoặc khoan giếng. Cuối cùng để đáp ứng nguyện vọng của người dân, đơn vị thi công quyết định chọn phương án khoan giếng. Cơ sở để khoan giếng đó là ở thời điểm xây dựng hạ tầng khu tái định cư, nhà thầu có khoan một số giếng lấy nước phục vụ thi công và sinh hoạt cho công nhân, nguồn nước đảm bảo, không có dấu hiệu bị ô nhiễm.
Thế nhưng toàn bộ hệ thống giếng khoan cho người dân hiện bị nhiễm sắt nặng, không thể sử dụng được. Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang - cho biết: Dự án được Cty tư vấn xây dựng Hà Tĩnh viết và trình UBND tỉnh phê duyệt xây dựng khu tái định cư từ năm 2005. Mọi vấn đề ở hai khu tái định cư không có gì bất thường, vì vậy tỉnh mới phê duyệt cho triển khai thi công, trong đó có việc khoan giếng.
Sau khi nhận được phản ánh của nhân dân về nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm, huyện đã cho lấy mẫu đưa đi xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm tài nguyên môi trường. Kết quả cho thấy, nước bị nhiễm sắt nặng, có chỗ vượt 10 lần, có chỗ vượt trên 20 lần.
“Hiện nay chúng tôi đang đau đầu về nguồn nước. Ban chuyên trách đã cho lập dự án trình UBND tỉnh phê duyệt. Phương án đưa ra là lấy nước tầng mặt ở độ sâu khoảng 10m. Nếu không được sẽ vẫn sử dụng nước giếng khoan hiện tại nhưng cho xây bể lọc tại từng cụm dân cư ”- ông Đức xác nhận.
Về đất sản xuất của người dân, ông Đức cũng cho rằng phản ánh của dân là đúng nhưng chưa đầy đủ. Bởi, khi đi tái định cư, người dân đã được hỗ trợ 48 tháng lương thực, vì vậy việc chưa có đất sản xuất cũng... không vấn đề gì (!?). Ngược lại, phía người dân cho rằng, Nhà nước hỗ trợ lương thực là để dân có thời gian tái thiết kinh tế, chuẩn bị điều kiện sẵn sàng khi tiền hỗ trợ hết, chứ không phải chờ ăn hết tiền rồi mới đi làm.
Ông Nguyễn Đình Đức cho biết thêm: Hiện việc lập dự án cải tạo đất canh tác đang được triển khai. Dự kiến đến hết năm 2013 sẽ bàn giao đất rừng cho người dân. Đất sản xuất thì phải chờ xây dựng, san lấp, làm bậc tam cấp khoảng từ 500-1.000ha để cấp theo quy định.
Rõ ràng, những gì đang xảy ra ở dự án thủy điện Ngàn Trươi liên quan đến hàng trăm hộ dân của hai xã Hương Quang và Hương Điền là rất lạ - một câu chuyện lạ rất đáng xấu hổ!
Cũng ở Hà Tĩnh, cách thủy điện Ngàn Trươi đang được xây dựng không xa là thủy điện Hố Hô (xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) - vừa được hoạt động trở lại sau khi khắc phục xong sự cố (nước lũ tràn qua đỉnh đập 1,5m) vào năm 2010. Và Nhà máy thủy điện Hố Hô từ nhiều năm nay là một “dòng” lũ mới, cộng với thiên tai hằng năm khiến cuộc sống của hơn 300 hộ dân ở hạ du dòng Ngàn Sâu chơi vơi, chới với... Mời bạn đọc đón xem câu chuyện tiếp theo liên quan đến thủy điện ở Hà Tĩnh trong số báo ngày mai (29.11).
Theo Lao Động
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn