“Dị nhân” mù có tài sửa khóa "siêu đẳng"

Thứ bảy - 10/06/2017 02:10
Người bình thường học cách sửa khóa còn khó, thế nhưng ông Phan Dương (73 tuổi, trú tại xóm Long Sơn, xã Đức An, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) bị mù cả hai mắt lại mưu sinh bằng nghề sửa khóa ở Chợ Chay suốt hàng chục năm qua.
Gian nan học nghệ

Ở huyện Đức Thọ, ít ai mà không biết đến ông Phan Dương, cái tài mở khóa của ông đã được người dân nơi đây ghi nhận bằng cái tên "dị nhân" mà họ thường nhắc tới mỗi khi nói về ông. Trong căn nhà nhỏ, vật dụng không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ và mấy tấm bằng khen treo trên vách tường, bên ấm nước chè của vợ ông (Bà Tạ Thị Thúy, năm nay đã 67 tuổi), ông Dương bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của cuộc đời mình. Đôi mắt ông tuy không thể biểu hiện được điều gì nhưng vẻ u sầu, buồn tủi về số phận phần nào vẫn lộ rõ trong gần suốt câu chuyện của ông.

Ông Dương sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp ở Đức Thọ, có 3 anh chị em và ông là con trai duy nhất của gia đình. Năm lên 7 tuổi, đôi mắt của ông có biểu hiện lạ lùng, thường hay đau nhức, chảy nước mắt và bị mờ dần. Hồi đó, bố mẹ ông đã tìm hết mọi cách, bán hết mọi tài sản giá trị trong nhà để chữa bệnh cho đứa con trai mình. 


Sửa khóa, nghề mưu sinh của ông Dương suốt hàng chục năm qua

Hết thầy lang này đến thầy lang khác, từ loại thuốc này đến loại thuốc khác, hết thuốc bắc lại thuốc nam… nghe ai nói ở đâu có người có phương thuốc chữa được mắt cho con mình là bố mẹ ông lại tìm cách mời cho bằng được. Nhưng đôi mắt của ông vẫn không sáng trở lại, chỉ mấy tháng sau đôi mắt của ông đã không còn thể nhìn thấy gì nữa mà đã bị mù hẳn. Ông kể: "Tui còn nhớ hồi đó có ông thầy dùng hạt ớt cay, tán mịn thành bột, hòa với nước lạnh rồi đổ vào đôi mắt của tui, nóng và rát, hai con mắt của tui như muốn nổ tung, giờ nghĩ lại vẫn còn thấy khiếp!".

Đã mời hết thầy này đến thầy khác, những gì có giá trị trong nhà đều đã “đội nón” ra đi, bố mẹ ông lúc này cũng thôi lặn lội tìm thầy chữa mắt cho đứa con trai tội nghiệp của mình.

Đến năm 12 tuổi, ông nhận ra rằng mình phải làm một việc gì đó để nuôi sống bản thân chứ không thể sống dựa dẫm vào gia đình được, bố mẹ rồi cũng già yếu, lúc đó thì ai nuôi mình. Xuất phát từ suy nghĩ đó, ông xin tiền bố mẹ mua một bộ đồ mộc thủ công để học sẻ gỗ, nhưng thất bại. Không học được nghề sẻ gỗ, ông lại khăn gói lên thị trấn để xin làm bún thuê. 

Đất Đức Thọ vốn nổi tiếng với nghề làm bún, từng sợi bún ở đây được đánh giá cao, được làm từ một loại bột gạo thơm ngon, sợi nhỏ, dai mà không hề bị gãy nát. Hồi đó, công đoạn giã bột chỉ bằng tay chứ chưa có máy móc như bây giờ, tiền lương sau khi giã một cối bột được hai hào. Với số tiền này, chi tiêu tiết kiệm nên hàng tháng ông còn dành dụm được một số tiền nhỏ phòng khi đau ốm. Thấy ông bị mù nhưng lại siêng năng, chịu khó, chủ cơ sở sản xuất bún rất quý ông, mỗi lần ông muốn về thăm bố mẹ đều cho thêm vài hào và một ít gạo mang về.

Năm ông 18 tuổi, bấy giờ nghề đan tơi ở Hà Tĩnh phát triển. So với nghề làm bún thì đan tơi là nghề mang lại thu nhập cao hơn. Một ngày ông kiếm được năm hào, vậy là ông chuyển từ nghề giã bột làm bún sang nghề đan tơi. Nhưng rồi nghề đan tơi này cũng chỉ thịnh hành được khoảng 5 năm vì sau này có sự xuất hiện của ni lông. Trong một lần đi đường gặp tời mưa mà quên mang tơi nên bị ướt, có người đi đường thương nên đã cho ông mượn một cái ni lông che mưa. 


Ông Dương nuôi gà để kiếm thêm thu nhập cho gia đình

Khoác tấm ni lông lên người, vừa gọn nhẹ lại không hề bị ướt, ông linh cảm được rằng nếu có cái ni lông này thì nghề đan tơi cũng sẽ bị mai một mà thôi. Từ suy nghĩ này, ông tính mình phải học một cái nghề khác ổn định hơn chứ không thể nay nghề này mai nghề khác được. Nhưng biết học nghề gì nữa đây, “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, kẻ mù lòa như mình thì biết học cái gì cơ chứ?. Sau những ngày dài trăn trở suy nghĩ, ông quyết định khăn gói bắc tiến. Phải mất gần chục ngày mò mẫm đi bộ, ông mới đặt chân tới Hà Nội.

Ông tìm đến chợ Đồng Xuân xin học nghề sửa khóa. Mới đầu không ai chịu cho ông học việc, họ thẳng thừng nói với ông rằng: “Người bình thường học còn khó huống chi người mù". Biết là vậy, nghe họ nói cũng tủi thân nhưng ông vẫn không hề nản chí, ông nghĩ mình phải làm một điều gì đó để người ta tin mình, khi họ tin mình họ mới nhận dạy nghề cho mình. Đến ngày thứ ba, ông mượn người thợ sửa khóa hai ổ khóa bị hỏng rồi tự mò mẫm, gần một tuần lễ, cuối cùng ông cũng đã sửa thành công hai ổ khóa bị hỏng đó. Tại đây, ông được người thợ cho theo học nghề sửa khóa. Khi đã học được nghề, ông cảm ơn “sư phụ” rồi xin phép khăn gói trở về quê nhà, từ đây ông mưu sinh bằng nghề sửa khóa.

Hằng ngày, người ta thấy ông cùng bộ đồ nghề ngồi dưới gốc cây ngô đồng ở Chợ Chay chờ người thuê sửa khóa. Bất kể nắng nực hay mưa gió, hễ có ai đến gọi là ông lại tay xách nách mang đồ nghề rồi lọ mọ đến sửa cho người ta. Tiền công mỗi lần sửa chỉ dăm ba nghìn, nhà nào nghèo thì ông không lấy tiền. Ông bảo mình yếu sức, lại không nhìn thấy đường nên kiếm được vài nghìn đong bát gạo đủ ăn cả ngày là quý lắm rồi, không dám đòi hỏi gì thêm. Theo ông, có ngày may mắn, nhiều người thuê sửa khóa cũng kiếm được mươi nghìn.

 Khi nói về ông người dân nơi đây đều tỏ ra quý mến ông: “Ông Dương là người hiền lành, thật thà. Dù bị mù lòa, khó khăn nhưng ít khi ông ấy làm phiền đến ai kể cả hàng xóm láng giềng hay con cháu của ông”. Bà Nguyễn Thị Lành, hàng xóm cho biết: “Từ khi làm nghề sửa khóa đến nay chưa thấy ông ấy đầu hàng với một loại khóa nào, có hôm tui thấy ông ấy đánh vật với cái ổ khóa hỏng cả ngày mà quên cả bữa cơm. Có tay đại gia buôn gỗ giàu thuộc hạng nhất, nhì Đức Thọ không may bị mất chìa khóa két sắt cũng đến nhờ ông sửa giúp”.


Ông 
Dương và vợ mình hạnh phúc bên các cháu.

Đàn bầu “kén vợ”

Không chỉ giỏi sửa khóa mà ông Dương còn nổi tiếng với đôi bàn tay đan lát khéo léo. Hầu như rổ, rá trong nhà đều do tự tay ông chẻ tre, nứa mà đan lên. Ngoài ra, ông còn có thể tự xâu kim chỉ vá quần áo như một người bình thường. Trong câu chuyện của ông, làm cho chúng tôi thấy thú vị và thán phục nhất có lẽ là lúc ông kể về mối lương duyên giữa vợ chồng ông cách gần 50 năm về trước.

Ông đứng dậy, với tay cầm lấy chiếc đàn bầu treo cẩn thận trên vách tường rồi vừa đàn vừa ca bài “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”, chất giọng ấm áp cộng với tiếng đàn bầu lúc trầm lúc bỗng khiến chúng tôi cảm thấy mình như đang được thưởng thức một màn biểu diễn của một người nghệ sỹ thực thụ. Tiếng đàn vừa dứt, chất giọng ông giờ có vẻ trầm tư hơn: “Tui lấy được bà ấy cũng là nhờ cái đàn này”.

Hôm đó, trên đường từ Bãi Vọt (bây giờ đã trở thành Thị xã Hồng Lĩnh) trời đã nhá nhem tối lại sắp mưa, ông ghé vào nhà của một người dân ven đường xin trú mưa thì người đàn bà chủ nhà hỏi anh đi đâu về mà muộn vậy, ông hóm hỉnh trả lời rằng: “Dạ, con đi mua bò hai chân về”, rồi chủ nhà hỏi thế có mua được không?, ông nhẹ nhàng thưa là không: “Đời con mù lòa không ai chịu lấy cả”. “Để tôi bán cho anh” – Giọng người đàn bà chủ nhà đáp.

Lúc đó, ông cứ nghĩ là người ta đang trêu mình nên cũng không dám hỏi thêm điều gì mà ngồi lặng lẽ, chờ trời tạnh mưa là sẽ ra về. Nhưng trời thì một lúc một tối mà mưa không hề ngớt, không còn sự lựa chọn nên ông xin được tá túc tại đây đêm nay và được chủ nhà đồng ý. Chủ nhà tốt bụng đã mời ông cùng ăn cơm. Bữa cơm tối vừa xong cũng là lúc xóm nhỏ lên đèn, hạt mưa nhẹ dần, đã có thể nghe thấy cả tiếng ếch kêu ngoài đồng. Ông cầm cây đàn bầu mang theo gãy một vài làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, những làn điệu mà những lúc rảnh rỗi hay tâm trạng ông vẫn thường chơi. 

Nấp sau cánh cửa nghe trộm mẹ nói chuyện với người thanh niên lạ, cô thôn nữ Tạ Thị Thúy như mê đắm khúc nhạc du dương, trầm bổng và giọng hát ấm áp của ông Dương. Không ngờ từ lần gặp gỡ ấy, Thúy và Dương nên vợ nên chồng. Hạnh phúc mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ khi Thúy sinh cho ông Dương đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh. Dù đói nghèo nhưng căn nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Ngày ngày ông Dương ở nhà chăm con thay vợ, còn bà Thúy đảm đang hết việc đồng áng. Từ ngày có con, ông Dương vui hơn và đi xa sửa khóa nhiều hơn. Lần lượt 5 đứa con có nếp, có tẻ chào đời khiến người cha mù được sống triền miên trong niềm hạnh phúc.

Năm 1992, huyện Đức Thọ đã thành lập Hội người mù. Ông Dương được bầu vào ban chấp hành Hội người mù của huyện. Cũng chính thời gian hoạt động tại đây, ông đã có nhiều đóng góp trong việc thành lập Hội người mù huyện Đức Thọ, có nhiều sáng kiến trong việc thúc đẩy sự phát triển nghề trong hội như đan lát, làm tăm tre, đồ mỹ nghệ… Là một thành viên tích cực của Hội, những ai có hoàn cảnh éo le, khó khăn, ông đều đến tận từng gia đình động viên, thăm hỏi. Những việc làm và hành động của Phan Văn Dương được bà con nơi đây hết lòng ca ngợi và thán phục. Ông vinh dự được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh và Trung ương Hội người mù Việt Nam.

Giờ đây, vợ chồng ông bà đã có 13 cháu nội, ngoại, cuộc sống tuy vẫn còn khó khăn, vất vả nhưng đối với ông: “Tui được như ngày hôm nay là cũng mãn nguyện lắm rồi, hàng ngày được nghe thấy tiếng cười đùa của các cháu hạnh phúc lắm!”.

Theo Trung Hiếu  An ninh thủ đô

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây